TP.HCM: Chưa ghi nhận trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có phản ứng sau tiêm

Theo Phó Giám đốc điều hành HCDC, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố chưa ghi nhận trường hợp trẻ phản ứng hay tai biến sau tiêm; có trường hợp do trẻ có sợ hãi nên dẫn đến mệt mỏi sau tiêm.
TP.HCM: Chưa ghi nhận trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có phản ứng sau tiêm ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh trường Trung học cơ sở Hồng Bàng, quận 5. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Ngày 18/4, tại cuộc họp báo thông tin định kỳ về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết ngày 16/4, thành phố bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ở một số trường học.

Theo đó, trong ngày đầu tiên đã có 10.434 trẻ lớp 6 được tiêm và 1.379 trẻ hoãn tiêm. Những trẻ hoãn tiêm là các trường hợp mắc COVID-19 chưa đủ 3 tháng hoặc có chống chỉ định (tiền sử dị ứng, sốt...).

Tiếp đó, trong ngày 18/4, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tiêm đồng loạt cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ở 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Kế hoạch dự kiến tiêm tại 187 điểm với 433 bàn tiêm và 42.526 trẻ.

"Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố chưa ghi nhận trường hợp trẻ phản ứng hay tai biến sau tiêm. Có trường hợp do trẻ có tâm lý sợ hãi nên dẫn đến mệt mỏi sau tiêm, theo dõi chưa thấy vấn đề gì," ông Nguyễn Hồng Tâm nói.

[TP.HCM triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi]

Ông Nguyễn Hồng Tâm cũng khuyến cáo trẻ sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 phải theo dõi tại điểm tiêm ít nhất 30 phút. Nếu không có bất thường, trẻ được trở về nhà. Trong ít nhất 3 ngày đầu, trẻ phải có người lớn bên cạnh 24/24 giờ. Trong 28 ngày sau tiêm, phụ huynh phải theo dõi sát trẻ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu lạ nào, phải liên hệ với nhân viên y tế kịp thời.

Trong ngày 18/4, các bệnh viện cho biết chưa nhận được danh sách của trẻ phải trì hoãn ở đợt tiêm đầu tiên do mắc bệnh nền, mạn tính... Về việc này, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết có thể đây là số lượng trẻ chưa có mã định danh, vì vậy cha mẹ cần chủ động lấy mã định danh cho trẻ trước khi đến điểm tiêm.

Ngoài ra, những trẻ điều trị nội trú đã được tiêm mũi 1 tại bệnh viện, đến thời hạn tiêm mũi 2, nếu đã xuất viện về nhà, phụ huynh có thể đăng ký tiêm ở cộng đồng. Nếu vẫn còn nội trú, bệnh viện sẽ thăm khám, quyết định trẻ có được tiêm ngừa hay phải hoãn đợt sau.

Về thắc mắc trẻ tiêm vaccine phòng phế cầu phổi, viêm não Nhật Bản, vaccine phòng cúm mùa... cùng thời gian với tiêm vaccine phòng COVID-19 có được hay không, bà Lê Thiện Huỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết theo CDC Mỹ, trẻ vẫn có thể tiêm phòng các loại vaccine trên cùng lúc nhưng vị trí tiêm phải khác nhau.

Dự kiến chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi của thành phố sẽ kéo dài đến ngày 30/4./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục