TP.HCM: Đảm bảo công tác mai táng cho bệnh nhân tử vong vì COVID-19

Đối với người tử vong vì COVID-19, chi phí hỏa táng ở mức 4,2 triệu đồng sẽ được miễn phí, còn lại các chi phí khác về dịch vụ mai táng thì người nhà sẽ tự chọn với đơn vị dịch vụ mai táng.
TP.HCM: Đảm bảo công tác mai táng cho bệnh nhân tử vong vì COVID-19 ảnh 1Những bệnh nhân đầu tiên điều trị tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức. (Ảnh: Đinh Hằng/TXVN)

Công tác chăm lo đời sống người dân đã đi vào đi nề nếp, vận hành khá bài bản, tháo gỡ được các vướng mắc, hạn chế. Mặc dù mỗi ngày đều có phát sinh hạn chế nhưng khi phát hiện, thành phố luôn có biện pháp điều chỉnh, khắc phục kịp thời. 

Đây là thông tin được Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đưa ra tại cuộc họp cung cấp thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chiều 5/8.

Đảm bảo an sinh xã hội

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, những ngày qua, người dân, các tổ chức doanh nghiệp đều chấp hành tốt việc thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16 với các biện pháp tăng cường.

Bên cạnh đó, thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông về việc theo dõi, quan sát di chuyển ngoài đường của người dân từ 6 giờ đến 18 giờ cho thấy, người dân chấp hành tốt. Tại một số địa bàn, người dân còn tự lập các chốt cộng đồng tự quản và nỗ lực xây dựng “vùng xanh,” mang lại nhiều kết quả tốt cho chính nơi mình sinh sống. 

Đối với việc đảm bảo an sinh xã hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng chưa bao giờ Thành phố Hồ Chí Minh thiếu nguồn lực chăm lo. Từ thực tế 2 tháng không đi làm, không có tích lũy kinh tế đã tạo áp lực cho không ít người dân, đặc biệt là lao động có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, thành phố luôn đảm bảo việc cung cấp lương thực, thực phẩm đến người dân gặp khó khăn, không phải trong một tuần mà có thể trong nhiều tuần, nhiều tháng. 

“Bằng nguồn lực từ vận động trong nhân dân, tổ chức doanh nghiệp, mạnh thường quân, từ ngân sách nhà nước, Mặt trận ,đoàn thể thì việc chăm lo cho bà con có thể thực hiện được. Những trường hợp gặp khó khăn cần thông báo đến địa phương hoặc kênh thông tin tiếp nhận để thành phố làm tốt việc này. Tuy nhiên, thực hiện chăm lo an sinh xã hội đòi hỏi các ban, ngành của Thành phố cần nhanh nhạy hơn, bao quát hơn trong việc phát hiện trường hợp khó khăn để có sự hỗ trợ kịp thời,” ông Phan Văn Mãi nói.

Tập trung mọi nguồn lực để cứu người

Trong công tác điều trị, ông Phan Văn Mãi cho rằng, Thành phố đang chịu áp lực lớn vì số ca bệnh nặng ngày càng nhiều trong khi năng lực tiếp nhận và điều trị có giới hạn. Bên cạnh đó Thành phố vẫn quan tâm kiềm chế giảm số ca mắc mới.

[Tiếp tục ưu tiên cấp tiếp vaccine cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam]

Vì vậy, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp đang tập trung nguồn lực thực hiện khâu tiếp nhận điều trị các bệnh nhân nặng để cứu người. Không chỉ tăng cơ học trang thiết bị, nhân lực mà đòi hỏi thành phố phải tổ chức tốt hơn, rút ngắn thời gian điều trị.

Bên cạnh nguồn tăng cường hỗ trợ từ Trung ương, thành phố vẫn tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch trên tinh thần “5 tại chỗ." Đồng thời, tăng cường năng lực điều trị kịp thời để hạn chế số ca diễn biến nặng và ca tử vong.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháp 5 tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 thì tầng 3 và 4 chịu nhiều áp lực nhất, gần như đầy hết năng lực.

Thành phố đang tập trung tổ chức lại, xem xét quy trình nào có thể rút ngắn, cải thiện để sắp xếp không gian tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân. Đồng thời, nghiên cứu giải pháp liên thông giữa các tầng, mở rộng thêm không gian điều trị giúp công tác tiếp cận bệnh nhân nhanh hơn.

Cùng với đó, thành phố đang nỗ lực chuyển thêm 3 bệnh viện điều trị COVID-19 với công suất 1.000 giường cũng như khẩn trương hoàn thiện mở rộng một số giường bệnh hồi sức để cuối tuần này đưa vào sử dụng, nâng cao năng lực tiếp nhận điều trị bệnh nhân ở các tầng.

Về năng lực điều trị COVID-19 tại Thành phố, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến nay, Thành phố có 103 cơ sở cách ly bệnh nhân COVID-19 (các F0, F1) tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện (tầng 1). Tầng 2 có 16 bệnh viện, tầng 3 có 20 bệnh viện, tầng 4 có 15 bệnh viện và tầng 5 có 4 bệnh viện.

Đối với tầng 2, số giường thực kê là 34.675, số bệnh nhân đang nằm điều trị tại đây là 23.375 người; tầng 3 có 4.718 giường thực kê và tổng số bệnh nhân đang điều trị là 4.385 người; tầng 4 có 4.551 giường thực kê và có 4.238 bệnh nhân đang điều trị; tầng 5 thực kê 1.438 giường, số bệnh nhân đang điều trị 1.450 người. Tổng số giường từ tầng 2 đến tầng 5 thực kê là 45.382 giường, hiện số bệnh nhân đang điều trị ở các tầng này là 33.378 bệnh nhân.

Tốc độ tiêm vaccine tăng dần

Về công tác tiêm vaccine, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, Thành phố đã và đang tổ chức tiêm vaccine cho người dân, kể cả công dân nước ngoài làm việc, sinh sống trên địa bàn.

Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Y tế phối hợp với Sở Ngoại vụ cập nhật thường xuyên tình hình tiêm vaccine cho người nước ngoài qua cơ quan lãnh sự tại Thành phố để tổ chức tiêm chủng phù hợp, tùy thuộc vào năng lực, lượng vaccine của Thành phố và cân đối giữa các diện ưu tiên.

TP.HCM: Đảm bảo công tác mai táng cho bệnh nhân tử vong vì COVID-19 ảnh 2Đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thành phố Thủ Đức thực hiện tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu tại Khu cách ly Ký túc xá Trường Cao đẳng Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo thống kê của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong ngày 4/8 có hơn 182.000 người được tiêm chủng; trong đó, có 501 người có phản ứng nhẹ, không có trường hợp phản ứng nặng.

Như vậy, từ đầu đợt 5 đến nay (từ ngày 21/7 đến tối ngày 4/8), Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được cho hơn 1.300.000 người; trong đó có gần 207.300 người trên 65 tuổi và có bệnh nền,  hơn 1.100.000 người thuộc các diện khác.

Về chủ trương cho người dân tự test nhanh tại nhà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, test nhanh dùng để chẩn đoán mắc COVID-19 có hai loại: test nhanh kháng thể (thường lấy mẫu bệnh phẩm là máu) và test nhanh kháng nguyên (dịch tỵ hầu). Loại thường được biết đến là loại test nhanh kháng nguyên.

Đối với test nhanh kháng nguyên, trong nước có 1 sản phẩm hàng Việt Nam và nhiều loại nước ngoài. Cách sử dụng khá đơn giản và người dân có thể tự thực hiện theo hướng dẫn đi kèm, hoặc được ai đó hướng dẫn trong vòng vài phút. Độ chính xác của test nhanh phụ thuộc vào kỹ thuật lấy mẫu và cách thực hiện, tuy nhiên cũng có sai số nhất định so với thể trạng của từng người. Vì thế, người thực hiện cần thực hiện kỹ theo hướng dẫn.

Ông Dương Anh Đức cho rằng, test nhanh được xếp vào nhóm trang thiết bị y tế, được bán tại tiệm hoặc các nhà thuốc có bán trang thiết bị y tế. Hiện trên thị trường có nhiều loại test nhanh được rao bán trên mạng.

Người dân nên thận trọng khi mua test nhanh trên mạng, chỉ nên mua các loại test nhanh nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành và mua tại cửa hàng bán trang thiết bị y tế, các nhà thuốc. 

Bên cạnh đó, khi thực hiện test nhanh bằng kháng nguyên, nếu có kết quả nghi ngờ là dương tính thì người dân cần bình tĩnh, liên hệ cơ sở y tế gần nhất (trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện) để được hỗ trợ. Trong trường hợp test nhanh cho kết quả âm tính, người dân cũng không nên chủ quan, bởi vì vẫn có một xác suất nhất định có sai số trong test nhanh.

Mai táng bệnh nhân tử vong do COVID-19 theo quy trình 6 bước

Liên quan đến công tác hỏa táng người tử vong do dịch COVID-19, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, căn cứ hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Thành phố đã xử lý các ca tử vong do COVID-19 theo quy trình 6 bước nghiêm ngặt.

Theo đó, các bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh được hỏa táng tại cơ sở hỏa táng Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân). Hiện, cơ sở hỏa táng này hoạt động 24/24 giờ.

Liên quan đến chi phí hỏa táng, ông Nguyễn Đình Thắng cho biết, toàn bộ cơ sở hỏa táng hiện do Nhà nước giao cho Công ty Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh quản lý và hoàn toàn không có chuyện tăng giá và từ chối nhận ca tử vong do COVID-19 tại Bình Hưng Hòa.

Về vấn đề người tử vong không có người thân hoặc người thân đang cách ly, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, việc xử lý theo đúng quy định của ngành y tế. Sau khi hỏa táng, tro cốt sẽ được lưu trữ tại điểm lưu trữ của Công ty Môi trường đô thị, có dán đầy đủ thông tin của người mất. Khi gia đình có điều kiện nhận tro cốt sẽ giao lại cho gia đình. Nếu người mất thuộc diện hộ nghèo, Thành phố sẽ chi ngân sách để hỗ trợ toàn bộ chi phí ở các khâu cho người dân.

“Hiện nay, trong việc xử lý các trường hợp tử vong do COVID-19 vẫn còn tồn tại một số bất cập. Sở đã tiếp nhận những thông tin phản ánh và đang điều chỉnh những vướng mắc cho phù hợp,” lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, chi phí cách ly, khám chữa bệnh cho bệnh nhân liên quan COVID-19 và những chi phí khác (trong trường hợp có bệnh nhân mất vì COVID-19) được miễn phí hoàn toàn.

Đối với người tử vong vì COVID-19, chi phí hỏa táng ở mức 4,2 triệu đồng sẽ được miễn phí, còn lại các chi phí khác về dịch vụ mai táng thì người nhà sẽ tự chọn với đơn vị dịch vụ mai táng. Phần chi phí hỏa táng sẽ được phía bệnh viện chi trả với đơn vị thực hiện dịch vụ mai táng.

Liên quan đến việc hỗ trợ hỏa táng và lưu trữ tro cốt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi thông tin thêm, chế độ chính sách hỗ trợ của thành phố trong phòng, chống dịch COVID-19 có chế độ hỗ trợ cho người nghèo.

Có thể quy định vẫn chưa đủ và bao quát hết, tuy nhiên, chủ trương của Thành phố sẽ hỗ trợ đối với những gia đình không may có người mất bằng ngân sách của Thành phố hoặc nguồn xã hội hóa. “Đây là việc thiêng liêng, cần được làm chu đáo,” Phó Bí thư thường trực Phan Văn Mãi cho biết.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, số ca nhiễm trong cộng đồng thống kê từ ngày 27/4 đến nay là 108.370 trường hợp.

Về tình hình điều trị, tính đến 7 giờ ngày 5/8, các bệnh viện được Sở Y tế phân công điều trị COVID-19 đang điều trị cho 33.378 trường hợp; trong đó, có 2.070 người bệnh đang được hỗ trợ hô hấp, 1.331 ca bệnh nặng.

Trong 1.331 bệnh nhân nặng, 1.277 trường hợp thở máy, 39 người bệnh cần lọc máu và 15 ca sử dụng ECMO.

Số ca tử vong tại Thành phố Hồ Chí Minh tính đến ngày 5/8 là 2.105 trường hợp (chiếm 1,94% trên tổng số ca mắc).

Thống kê đến cuối ngày 5/8, cả nước có 185.057 ca nhiễm trong đó có 2.334 ca nhập cảnh và 182.723 ca mắc trong nước.

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 181.153 ca, trong đó có 55.266 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Số ca tử vong: 2720 ca, ghi nhận ở 16 tỉnh thành.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục