Trẻ sơ sinh phải 'đối mặt' với virus hợp bào hô hấp khi giao mùa

Virus hợp bào không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng. Do vậy, phụ huynh cần tránh đưa trẻ tới nơi công cộng, tiếp xúc những người có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi…
Trẻ sơ sinh phải 'đối mặt' với virus hợp bào hô hấp khi giao mùa ảnh 1Bác sỹ Lê Thanh Chương khám cho trẻ 2 tháng tuổi ở Hà Đông mắc virus hợp bào hô hấp. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Những ngày gần đây, thời tiết chuyển sang thời kỳ giao mùa ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là trẻ em.

Tại nhiều bệnh viện, trẻ nhập viện liên quan tới các bệnh hô hấp liên tục gia tăng. Đặc biệt, tại Khoa Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương) trong nửa tháng gần đây số trẻ nhập viện gấp hơn 2 lần so với thời điểm trước đó.

Bệnh nhi nhập viện tăng nhanh

Dù mới hơn 2 tháng tuổi, các bác sỹ vẫn phải chỉ định bé N.N.T (ở Hà Đông) phải thở ôxy do viêm phổi nặng.

Người nhà của bệnh nhân cho biết lúc đầu chỉ thấy bé có đờm. Khi thấy trẻ có dấu hiệu khó thở hơn, có triệu chứng rối loạn, co giật 1 lần, gia đình đưa vào viện.

[Anh cam kết hỗ trợ chiến lược kháng kháng sinh của Việt Nam]

Bác sỹ Lê Thanh Chương, Trưởng khoa Hồi Sức hô hấp (Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay bé T. nhập viện ngày 25/10 trong tình trạng nhiễm virus hợp bào hô hấp. Khi vào cấp cứu bé thở nhanh, rút lõm lồng ngực. Qua khám lâm sàng các bác sỹ nhận thấy bé rất mệt, có nhiều dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng lên. Ngay sau đó bệnh nhân được chỉ định thở ôxy. Sau điều trị hơn 3 ngày, tình trạng của trẻ đã khá hơn nhiều.

Một trường hợp khác là bệnh nhi 4 tháng tuổi được chuyển từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An ra điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Bà ngoại bé cho cho biết, bé sinh non ở tuần 29, trước khi nhập viện bé bị sốt, ho, thở khò khè đã điều trị 12 ngày tại bệnh viện tỉnh nhưng không đỡ. Hiện tình trạng của bé có tiến triển hơn, nhưng rất chậm và vẫn phải thở ôxy.

Tại phòng chăm sóc đặc biệt của Khoa Hồi sức hô hấp đa phần là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi mắc các bệnh hô hấp phải thở máy, thở ôxy. Hầu hết các trẻ mắc bệnh do virus hợp bào hô hấp trong tình trạng nặng do có bệnh lý nền đi kèm hoặc sinh non tháng.

Phó giáo sư Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết có nhiều loại virus gây ra các bệnh lý hô hấp, đứng đầu là virus hợp bào hô hấp. Trong thời tiết giao mùa, bệnh nhi mắc bệnh lý này sẽ tăng lên vì giai đoạn này điều kiện không khí độ ẩm có sự thay đổi, khả năng sinh sôi của virus phát tán mạnh hơn.

Phó giáo sư Lê Thị Hồng Hanh nói về virus hợp bào hô hấp:

Phòng bệnh thế nào? 

Thời tiết giao mùa, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh hô hấp do virus hợp bào hô hấp tăng nhiều hơn so với trước. Trong một tháng gần đây, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca nhập viện tăng nhiều so với trước, trung bình 40-50 ca nhập viện/ngày, trong khi trước đó chỉ khoảng 14 ca nhập viện/ngày.

Tại Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương) hiện hơn 150 giường bệnh đều kín bệnh nhân, trong đó khoảng 50 bệnh nhân mắc virus hợp bào hô hấp. Các trường hợp này đều được nằm khu riêng để tránh lây nhiễm, không có tình trạng nằm ghép.

Bà Hanh cho hay các bác sỹ phải làm việc liên tục để luân chuyển các ca bệnh nhẹ về các khoa khác, đón các ca bệnh mới tăng hơn gấp đôi mỗi ngày.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) nếu trước thời điểm giao mùa thường 1 tuần tiếp nhận 1.000-1.100 trường hợp thăm khám bệnh thì trong 1 tuần gần đây tiếp nhận thêm 400-500 trường hợp.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba) cho hay hiện các giường bệnh nội trú trong tình trạng đầy, trong đó có tới 60% bệnh nhi mắc các bệnh liên quan tới đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm abidan, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản... Có bé vào viện trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi với cơ thể tím tái. Các bác sỹ phải xử lý cấp cứu và cho nhập viện ngay.

Trẻ sơ sinh phải 'đối mặt' với virus hợp bào hô hấp khi giao mùa ảnh 2Một trẻ sơ sinh đang phải thở máy sau khi mắc virus hợp bào hô hấp. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Phó giáo sư Lê Thị Hồng Hanh phân tích, virus hợp bào hô hấp thường gây bệnh ở lứa tuổi nhỏ, biểu hiện nặng ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Bệnh này thường nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh, đẻ non dưới ba tháng tuổi hay bệnh nhi có bệnh nền loạn sản phổi… Nguyên nhân là do hệ thống miễn dịch của trẻ em chưa được hoàn chỉnh, virus hợp bào hô hấp có ái lực với đường hô hấp trên mạnh nên trẻ em là đối tượng dễ mắc virus này nhất.

Có bệnh nhi hôm trước ăn uống và thở bình thường, hôm sau vào viện trong tình trạng phải thở ôxy do bệnh tiến triển nhanh. Vì vậy, tùy theo từng mức độ, các bác sỹ sẽ can thiệp cho thở ô-xy hay can thiệp khác như đặt ống thở.

Giám đốc Trung tâm hô hấp khuyến cáo virus hợp bào hô hấp khu trú trong hầu họng của mỗi người và có khả năng lây lan mạnh. Với người lớn khi có sức đề kháng tốt virus này sẽ không gây bệnh nhưng dễ lây virus này sang cho trẻ nhỏ khi ho, hắt hơi, ôm hôn.

Hiện nay, virus hợp bào không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng. Do vậy, phụ huynh cần tránh đưa trẻ tới nơi công cộng, tiếp xúc những người có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi… Cha mẹ cũng cần rửa tay sạch trước khi chăm sóc trẻ và đặc biệt tránh thói quen hôn con bởi có thể làm lây lan virus.

Để phòng bệnh cho trẻ trong thời tiết giao mùa, bác sỹ Xuân khuyến cáo với phụ huynh nếu thấy trẻ ăn uống bình thường sốt nhẹ chưa khó thở có thể chăm sóc con ở nhà, vệ sinh mũi họng, cho uống nhiều nước. Nếu trẻ sốt cao lên, ho nhiều hơn, khó thở, ăn ít hơn, đi tiểu ít hơn, thở nhanh rút lõm lồng ngực thì khi đó trẻ có biểu hiện rất nặng, các gia đình phải đưa con đến cơ sở y tế để tư vấn chính xác chứ không nên tự đi mua thuốc điều trị./.

Cũng giống như bệnh lý hô hấp khác, triệu chứng thông thường hay gặp ở trẻ mắc virus hợp bào hô hấp là ở giai đoạn đầu có hắt hơi sổ mũi, sốt nhẹ. Sau đó, bệnh nhân sốt cao lên, thở nhanh, khó thở.

Một số trẻ bị nhẹ vẫn có thể sinh hoạt bình thường, thậm chí, tự khỏi bệnh sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, đẻ non, thiếu cân, tim bẩm sinh… bệnh diễn biến rất nhanh và nặng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục