Triển lãm bản đồ chất liệu gốm khẳng định chủ quyền biển, đảo

31 tấm bản đồ và thư tịch bằng gốm được trưng bày tại triển lãm chuyên đề khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Triển lãm bản đồ chất liệu gốm khẳng định chủ quyền biển, đảo ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chiều 19/11, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai đã khai mạc triển lãm chuyên đề khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Điểm đặc biệt tại triển lãm này là tất cả các bản đồ được trưng bày đều được làm bằng chất liệu gốm.

Phát biểu tại khai mạc triển lãm, ông Mai Sông Bé, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai cho biết, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Triển lãm cũng là hoạt động nhằm giới thiệu đến công chúng, đến các thế hệ học sinh, sinh viên và nhân dân Đồng Nai về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

31 tấm bản đồ và thư tịch làm bằng gốm được trưng bày tại triển lãm đều do thầy giáo Đinh Công Lai, Trưởng khoa gốm, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai và các cộng sự thực hiện, dựa trên những bản đồ, thư tịch cổ.

Triển lãm được trưng bày tại khuôn viên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai, sẽ mở cửa để phục vụ nhu cầu tìm hiểu của người dân Đồng Nai và những vùng lân cận về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trong triển lãm có những bản đồ, thư tịch, tư liệu cổ quý như “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” vẽ vào thời nhà Thanh năm 1904; bản đồ “An Nam đại quốc toàn đồ” do Lean Louis Taberd vẽ vào năm 1838; bản đồ vẽ xứ Quảng Ngãi trong Toàn tập “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” do Đỗ Bá, tự Công Đạo, soạn thời Chính Hòa (1680-1705) triều Lê... đều khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trong một thư tịch cổ nhà vua truyền cho bộ Công rằng: “Vùng biển Quảng Ngãi liền một dải với Hoàng Sa, trông xa hẳn trời nước một màu, không thể biết nông-sâu. Thuyền buôn từ xa tới thường vì đó mà mắc nạn. Nay nên sắp sẵn tàu thuyền để đến năm tới sai đi, nhằm xây miếu dựng bia nơi ấy, lại trồng nhiều cây gỗ, sau này lớn lên xanh tốt cho dễ nhận biết, khỏi lầm đường mắc cạn. Đó cũng là làm lợi cho muôn đời sau vậy”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục