Triều Tiên cam kết phát triển kinh tế không cần sự hỗ trợ bên ngoài​

Triều Tiên cam kết tự lực thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ rơi vào bế tắc và các biện pháp trừng phạt cản trở tiến trình hợp tác với Hàn Quốc.
Triều Tiên cam kết phát triển kinh tế không cần sự hỗ trợ bên ngoài​ ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm một nhà máy ở thủ đô Bình Nhưỡng. (Nguồn: YONHAP/TTXVN)

Theo Yonhap, Triều Tiên ngày 4/9 đã tái khẳng định quyết tâm tự lực thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ rơi vào bế tắc và các biện pháp trừng phạt cản trở tiến trình hợp tác kinh tế với Hàn Quốc.

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đã gọi các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Bình Nhưỡng là âm mưu nhằm cô lập hoàn toàn và đưa Triều Tiên ra khỏi bản đồ.

[Chuyên gia: Điều khác thường liên quan đến kinh tế Triều Tiên]

Trong một bài bình luận, báo trên viết: "Chưa bao giờ chúng tôi từng nghĩ đến việc phát triển kinh tế với sự giúp đỡ từ bên ngoài," nói thêm rằng tình đoàn kết, sự nỗ lực và khoa học-công nghệ của chính nước này là động lực thúc đẩy kinh tế.

Lời khẳng định phát triển kinh tế mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài được Triều Tiên đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ rõ ràng đang rơi vào bế tắc. Washington tuyên bố các biện pháp trừng phạt nên được duy trì cho đến khi Bình Nhưỡng thực hiện các bước đi đáng kể trong việc từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Đàm phán hạt nhân bị đình trệ đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động trao đổi liên Triều vốn đang tiến triển nhanh do chính quyền Seoul dường như phải chịu sức ép từ đồng minh Mỹ.

Một số nhà quan sát cho rằng trọng tâm mới của Triều Tiên về sự tự lực có thể được coi là sự tuyên truyền cho người dân trước thềm lễ kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh vào ngày 9/9.

Giới quan sát cũng xem đó là một chiến thuật nhằm nâng đòn bẩy của Triều Tiên trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ bằng cách cho thấy rằng Bình Nhưỡng không quá nôn nóng phát triển nền kinh tế thông qua các nhượng bộ mà nước này có thể nhận được để từ bỏ vũ khí hạt nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục