Trung Quốc soạn thảo dự luật mới về an ninh năng lượng

Theo luật mới, chính phủ Trung Quốc và khu vực tư nhân sẽ xây dựng một kho dự trữ năng lượng và tạo ra một cơ chế để sản xuất, vận chuyển trong trường hợp khẩn cấp.

Nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc đang soạn thảo luật an ninh năng lượng mới để tự chủ hơn, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu tài nguyên và tăng cường nguồn cung năng lượng tái tạo khi nước này chuẩn bị cho tình trạng căng thẳng liên tục với Mỹ.

Dự thảo luật đã được thảo luận tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp của nước này, bắt đầu vào thứ Ba (10/9). Luật này được định vị là cơ sở cho chính sách năng lượng của Trung Quốc.

Bắc Kinh đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống đảm bảo nguồn năng lượng ổn định trong thời kỳ thiếu hụt hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng.

Dự luật nêu rõ để làm được điều này, Trung Quốc phải tiếp tục phát triển các nguồn tài nguyên như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, đồng thời nâng cao công suất đầu ra.

Theo luật mới, chính phủ và khu vực tư nhân sẽ xây dựng một kho dự trữ năng lượng và tạo ra một cơ chế để sản xuất, vận chuyển trong trường hợp khẩn cấp.

Dự luật cũng kêu gọi những dự báo chính xác hơn về triển vọng cung-cầu năng lượng để nâng cao hiệu quả hành động.

Trung Quốc ước tính có tỷ lệ tự cung cấp năng lượng trên 80% tính đến năm 2022. Nước này đang tập trung vào việc củng cố an ninh năng lượng trong bối cảnh căng thẳng kéo dài với Mỹ cùng các đối tác của họ.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc báo cáo rằng nước này đã mua lượng dầu thô trị giá 60,7 tỷ USD từ Nga vào năm 2023, tăng 4% so với năm trước và giúp Nga thay thế Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu của nước này. Trung Quốc cũng dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu than của Australia trong khi tăng cường nhập khẩu từ Mông Cổ và Nga.

Dự thảo luật cũng kêu gọi xây dựng thêm các cơ sở điện gió, điện mặt trời và kêu gọi các tổ chức công tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo để đẩy nhanh nỗ lực phi carbon hóa. Trung Quốc đã cam kết đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2060.

Các nguồn năng lượng tái tạo đã chiếm hơn 50% tổng công suất sản xuất năng lượng của Trung Quốc vào năm 2023, lần đầu tiên vượt qua nhiệt điện chạy bằng than.

Công suất điện Mặt trời của nước này đã tăng 55% trong năm tính đến cuối tháng 3/2024, trong khi điện gió tăng 22% vào cùng kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục