Trung Quốc và cơ hội tăng cường ảnh hưởng tại Balkan

Việc EU không có khả năng cung cấp vaccine cho các quốc gia thân thiện ở Balkan chính là một “món quà” cho Trung Quốc và Nga, giúp Trung Quốc tận dụng cơ hội tăng ảnh hưởng từ đại dịch.
Trung Quốc và cơ hội tăng cường ảnh hưởng tại Balkan ảnh 1Vaccine phòng COVID-19 CoronaVac do Sinovac sản xuất. (Ảnh: Getty Images)

Trang mạng Zeit.de đã đăng bài phân tích với tựa đề “Trung Quốc và Balkan - Cảm ơn người anh em mới rất nhiều,” nội dung chính như sau:

Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ rơi Tây Balkan trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Người Balkan cảm thấy bị phản bội và bị lãng quên. Trung Quốc đã tận dụng điều này một cách khéo léo.

Trong vài năm trở lại đây, quan hệ giữa Serbia và Trung Quốc đã trở nên thân thiết, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã viết thư cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đề nghị “người bạn, người anh em” hỗ trợ Serbia trong cuộc chiến chống đại dịch.

Ngay lập tức, Bắc Kinh đã nhận thấy cơ hội để lôi kéo Serbia về phía họ. Năm ngoái, khẩu trang từ Trung Quốc đã được vận chuyển đến Belgrade, vài tháng sau là vaccine ngừa COVID-19.

Ở chiều ngược lại, Serbia đảm nhận vai trò người tuyên truyền cho Trung Quốc. Khi máy bay chở các bác sỹ Trung Quốc đáp xuống Serbia để hỗ trợ chống dịch, Tổng thống Vucic đã đăng trên Twitter: “Chào mừng các bạn đến với Serbia. Xin chân thành cảm ơn người anh em của tôi, Chủ tịch Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc. Tình bạn keo sơn của chúng ta muôn năm!”

Cứ như thể đang trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh vậy! Người ta có thể nhìn thấy khẩu hiệu “Cảm ơn Tập Cận Bình” trên các áp phích và biểu ngữ, như thể Chủ tịch Trung Quốc đã đích thân mang hàng viện trợ đến cho người Serbia.

[Serbia công bố kế hoạch sản xuất vaccine của Nga và Trung Quốc]

Kinh phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Serbia thực tế là do EU tài trợ. Đầu năm 2020, EU đã viện trợ khẩn cấp 38 triệu Euro cho 6 quốc gia không thuộc EU ở khu vực Balkan. Đến nay, phần lớn số này (15 triệu Euro) đã được trao cho Serbia để tài trợ cho 5 chuyến bay vận chuyển hàng hóa và dụng cụ y tế từ Trung Quốc.

Bức tranh ảm đạm

Tuy nhiên, trái ngược với Trung Quốc, EU đã cho thấy một bức tranh ảm đạm với người Balkan. Một mặt, vì sự hỗn loạn trong việc mua vaccine ở EU, mặt khác chính là sự thất bại của liên minh này khi thiếu đi sự hiện diện tại các quốc gia láng giềng lân cận trong những thời khắc khó khăn như hiện nay.

Vì vậy, người Balkan cảm thấy bị phản bội và bị lãng quên. Khi đại dịch bắt đầu bùng phát, việc xuất khẩu các mặt hàng y tế thiết yếu sang 6 quốc gia không thuộc EU ở Đông Nam Âu đã bị chặn lại. Chính điều này đã “đầu độc” mối quan hệ giữa Brussels và Tây Balkan.

Cho đến tháng 1/2021, người dân ở các quốc gia như Bắc Macedonia, Montenegro hay Bosnia-Herzegovina đều hiểu rằng họ không thể trông chờ vào sự đoàn kết quốc tế khi nói đến việc tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Chỉ có Serbia không tham gia chương trình tiếp cận vaccine Covax của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để triển khai chương trình tiêm chủng với sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Các quốc gia khác chưa thể triển khai tiêm chủng.

Tình hình ở Bosnia-Herzegovina đặc biệt đáng lo ngại

Nhưng những nỗ lực của EU thường bị đánh giá thấp vì các phương tiện truyền thông địa phương và các chính trị gia thường không đề cập đến chúng. Ngược lại, các đại diện của EU dường như không hiểu rằng đối với khu vực này, cho đến nay EU đóng vai trò quan trọng nhưng chỉ trên góc độ tượng trưng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã không đến thăm khu vực này, mặc dù chỉ cần một động thái như vậy cũng sẽ làm giảm bớt cảm giác bị cô lập vốn đã phủ bóng toàn khu vực Balkan và sự tuyệt vọng khi phải đối mặt với đại dịch. Khi EU càng ít hiện diện, Trung Quốc và Nga càng có cơ hội ghi điểm bằng những chiến dịch tuyên truyền của họ.

Tình hình ở Bosnia-Herzegovina đặc biệt đáng lo ngại. Tại quốc gia này, tỷ lệ người đã được tiêm chủng rất thấp, thậm chí số liệu này chưa một lần xuất hiện trong các thống kê quốc tế. Thay vào đó, người ta có thể dễ dàng nhận thấy đại dịch đã và đang gây ra nhiều bi kịch cho người dân ở đây qua những bảng cáo phó được đặt hàng ngày trước cửa các nhà thờ Hồi giáo hay Công giáo.

Hầu như gia đình nào cũng có người nhập viện quá muộn hoặc chết bên máy thở. Ở Bosnia-Herzegovina, tỷ lệ tử vong do COVID-19 là 3,9%, cao nhất ở châu Âu. Con số các ca nhiễm mới hàng ngày ở quốc gia 3,5 triệu dân này cũng rất lớn.

Dự kiến trong tháng 4 này các đợt chuyển giao vaccine đầu tiên theo chương trình Covax mới được thực hiện - tổng số 650.000 liều vaccine của EU sẽ được phân phối đến 6 quốc gia Balkan trong vài tháng tới.

Trong khi đó, số ca lây nhiễm đã tăng vọt, mặc dù chưa thể thống kê hết số ca nhiễm mới do tỉ lệ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ở đây còn rất thấp.

Nguồn kinh phí dành cho hệ thống y tế rất hạn chế

So với Trung và Tây Âu, ở khu vực nghèo như Đông Nam Âu, ngân sách dành cho hệ thống y tế thấp hơn rất nhiều. Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), trong khi tại 27 quốc gia EU, ngân sách dành cho lĩnh vực y tế chiếm trung bình 7,9% GDP thì ở Kosovo và Albania, con số này lần lượt là 2,7% và 3%...

Ngoài ra, các quốc gia Đông Nam Âu không đủ ngân sách để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp trong trường hợp họ phải tạm ngừng hoạt động. Đó là lý do rất nhiều doanh nghiệp không thể đóng cửa khi đại dịch vẫn hoành hành.

Mặc dù vậy, hàng trăm nghìn người vẫn bị mất việc làm, nhất là trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và du lịch. Nhiều người trong số họ không có bảo hiểm.

EU đã tài trợ cho các nước không thuộc EU ở Balkan 374 triệu Euro để hỗ trợ giảm bớt tác động của đại dịch đến kinh tế xã hội, nhưng rất ít người biết điều này vì chính quyền các quốc gia sở tại hầu như không thông báo về các khoản tài trợ của EU.

Đặc biệt là ở Serbia, nhiều người dân tin rằng Nga và Trung Quốc mới là những nước cung cấp viện trợ cho nước này nhiều nhất, mặc dù số liệu cho thấy rõ ràng EU tài trợ cho hầu hết các dự án lớn ở nước này. Đó là do có những chiến dịch tuyên truyền thường xuyên của Nga và Trung Quốc.

“Chúng tôi tự lo cho mình”

Từ khi Pháp từ chối khởi động các cuộc đàm phán để một số quốc gia Balkan như Bắc Macedonia gia nhập EU, người Đông Nam Âu không còn tin vào những lời hứa từ Brussels.

Do đó, lòng nhiệt thành với EU và các giá trị của liên minh này cũng ngày càng phai nhạt. Như Tổng thống Serbia Vucic đã nói hồi năm 2019: “Chúng tôi tự lo cho mình. Chúng tôi cũng có quan hệ tốt với Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.” Lâu nay, tại Serbia và Montenegro, ảnh hưởng chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin là rất lớn.

Trên thực tế, có một biên giới vô hình ở Balkan: Các chính phủ thân phương Tây trong một thời gian dài đã không kết giao với Trung Quốc và Nga. Thủ tướng Albania Edi Rama mới đây tuyên bố: “Không phải chúng tôi định kiến hay chỉ trích các nhà khoa học nghiên cứu vaccine của Nga hay Trung Quốc, tuy nhiên giải pháp của chúng tôi là tìm kiếm vaccine từ phương Tây, không phải phương Đông.” Ở Kosovo, người ta cũng có suy nghĩ tương tự.

Nhưng trong bối cảnh thiếu sự trợ giúp từ EU, Bắc Macedonia, Bosnia-Herzegovina hay Montenegro đã bắt đầu đặt hàng các loại vaccine của Nga và Trung Quốc. Việc EU không có khả năng cung cấp vaccine cho các quốc gia thân thiện ở Balkan chính là một “món quà” cho Trung Quốc và Nga.

Mất niềm tin sẽ gây ra hậu quả lâu dài

Đó là lý do dẫn tới tỷ lệ tiêm chủng tại Serbia cho đến nay khá cao. Khoảng 1 triệu liều vaccine từ nhà sản xuất Trung Quốc Sinopharm đã được cung cấp cho nước này, và 2 triệu liều nữa đang được đặt hàng.

Thậm chí, Belgrade đã quyết định sẽ sản xuất vaccine Trung Quốc ngay tại Serbia từ giữa tháng 10 tới. Serbia muốn cung cấp vaccine Trung Quốc cho toàn bộ khu vực, điều này hoàn toàn nằm trong lợi ích của Trung Quốc.

Đối với EU, việc mất uy tín và lòng tin từ các nước không thuộc EU ở Đông Nam Âu sẽ gây ra những thiệt hại lâu dài. Không có khu vực nào khác trên thế giới mà Brussels thực sự kết nối chặt chẽ hơn về kinh tế cũng như về xã hội - thông qua hàng trăm nghìn người Serbia, Bosnia và Kosova đang sinh sống tại EU.

Trung Quốc và Nga đang tận dụng cơ hội từ đại dịch và việc EU phản ứng do dự để phá hoại mối quan hệ này, đồng thời cải thiện hình ảnh của chính họ, trong khi chính Brussels phải trả giá.

Trong tương lai, các mối quan tâm của châu Âu tới Đông Nam Âu, ví dụ như việc tăng cường các nguyên tắc pháp quyền, sẽ khó thực thi hơn nhiều. Một cơ hội đã bị bỏ lỡ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục