Từ huyền thoại đội quân tóc dài đến những sứ giả hòa bình quốc tế

'Đội quân tóc dài' là những người thổi bùng ngọn lửa nổi dậy Đồng khởi “long trời, lở đất” trên toàn miền Nam mà tiếng vang đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam.
Từ huyền thoại đội quân tóc dài đến những sứ giả hòa bình quốc tế ảnh 1'Đội quân tóc dài ' Bến Tre đi biểu tình đòi Ngụy quyền chấm dứt việc bắt thanh niên đi lính, đòi quân đội Mỹ-Diệm chấm dứt khủng bố. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có một “binh chủng” đặc biệt đã góp phần viết nên huyền thoại về cuộc chiến tranh nhân dân. Đó là “Đội quân tóc dài” trong cuộc nổi dậy Đồng khởi trên toàn miền Nam, tạo nên hào khí một thời "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước."

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đội quân đặc biệt ấy lại tiếp tục góp sức tích cực vào xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa cũng như sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

Chân yếu tay mềm nhưng họ kiên cường đương đầu với đại bác, phá thế kìm kẹp, ngăn chặn những trận càn tàn phá xóm làng của quân địch. Họ sẵn sàng đối diện với tù đày, tra tấn, nhà cửa bị phá, thậm chí là đối diện với cái chết do bị xử tử, thủ tiêu. Họ là những người thổi bùng ngọn lửa nổi dậy Đồng khởi “long trời, lở đất” trên toàn miền Nam mà tiếng vang đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam.

Phá thế kìm kẹp

Đất nước thống nhất đã hơn 45 năm và tuổi bước vào tám mươi sáu, song nhắc đến Đồng khởi và chuyện Đội quân tóc dài chống Mỹ, Ngụy, những ký ức lại ùa về trong bà Ca Lê Du, ở xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.

Bà nói rằng phong trào nổi dậy nổ ra ở mảnh đất Cù lao rồi rộng khắp Nam bộ là từ những uất hận dồn nén. Mỹ-Diệm phá vỡ Hiệp định Geneva 1954, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và là căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ. Còn Ngô Đình Diệm ra Luật 10-59 công khai "đặt Cộng sản ngoài vòng pháp luật," lê máy chém khắp miền Nam, tàn sát, bắt giữ hàng chục vạn đồng bào. Tất cả đó đã khiến nhân dân vùng lên phá gông xiềng của địch.

Trong trí nhớ của bà Ca Lê Du, đồng bào ở hai miền Nam-Bắc lúc đó không ai không đau xót vì hòa bình lập lại đã năm, sáu năm rồi mà Tổ quốc vẫn bị chia cắt. Người dân Nam bộ sống trong cảnh nhà tan, nước mất, tang tóc chia ly. Những người tham gia kháng chiến và đồng bào yêu nước bị chính quyền Sài Gòn thẳng tay giết hại.

“Có lần địch càn giết hại mười thanh niên trong ấp, tôi cùng chị em trong xã bí mật đưa xác thanh niên bị giết xuống xuồng rồi hừng đông chở qua sông để đến chợ Bến Tre. Khi chợ họp, những chị em cùng đấu tranh mang xác thanh niên bị giết đòi địch không đi càn, giết hại đồng bào vô tội," bà Ca Lê Du kể.

Phong trào cách mạng Bến Tre cũng như khắp Nam bộ rơi vào hoàn cảnh khó khăn do âm mưu tàn bạo của địch. Trong 3 năm, từ 1957 đến 1959, mảnh đất cù lao Bến Tre đã có 17.000 người bị bắt, tù đày, đánh đập thành tàn phế; hàng trăm cán bộ, đảng viên bị thủ tiêu. Đảng bộ Bến Tre, từ hơn 2.000 đảng viên, chỉ còn trên dưới 160 đảng viên.

Cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu, nhân dân vô cùng căm uất. Khắp Nam bộ đã dấy lên phong trào đấu tranh chống khủng bố, đàn áp, chống chính sách "tố cộng, diệt cộng," đòi dân chủ, dân sinh một cách mạnh mẽ và sục sôi khí thế cách mạng.

Trước tình thế đó, Tỉnh ủy Bến Tre quyết định một tuần lễ Đồng khởi với phương châm “Đồng lòng, đồng bộ, đồng loạt," vùng lên diệt ác ôn, phá thế kìm kẹp, giải phóng nông thôn, làm chủ ruộng vườn.

Ngày 17 tháng 1 năm 1960, theo kế hoạch đã định, dưới sự lãnh đạo của bà Nguyễn Thị Định, cuộc Đồng khởi nổ ra tại ba xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh của huyện Mỏ Cày rồi chuyển hướng ra các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú.

Từ huyền thoại đội quân tóc dài đến những sứ giả hòa bình quốc tế ảnh 2'Đội quân tóc dài' Bến Tre biểu tình chống Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Khoảng mười ngày sau, quân địch phản kích, chúng huy động hàng ngàn tên lính đánh vào các xã Ðịnh Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh. Ði đến đâu, chúng đốt phá nhà cửa, cướp bóc, hãm hiếp, bắn giết một cách tàn bạo.

“Ðối phó lại âm mưu của địch, Tỉnh ủy Bến Tre chủ trương tập hợp lực lượng tổ chức cuộc đấu tranh chính trị, nòng cốt là phụ nữ do Ðội quân tóc dài gồm khoảng 5.000 người, đi trên hằng trăm ghe, xuồng, kéo lên thị trấn…," bà Ca Lê Du thuật lại.

Bồi hồi nhắc lại ký ức “như nước lũ tràn về,” bà Nguyễn Thị Khao, bí danh Nguyễn Thị Thắng, tức Út Thắng - nguyên là Thường vụ Tỉnh ủy, Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Bến Tre cho biết đêm trước Đồng khởi, nặng trĩu, day dứt trong bà là cảnh tượng điêu tàn, đổ nát trên ba dãy cù lao Bến Tre.

Mảnh đất quê hương vốn trù phú, yên bình với những hàng dừa xanh ngắt bất tận ven sông, những rặng bần lập lòe ánh sáng của đom đóm về đêm, nay ngút ngàn khói lửa chiến tranh. Sông Hàm Luông bình yên với xuồng, ghe của đồng bào qua lại thì nay, luôn bị tàu tuần tra của giặc lùng sục, chạy ngang dọc bất kể sớm tối... Nhưng những ngày đen tối, gian khó ấy, có những người mẹ, người chị vẫn cưu mang, nuôi giấu cán bộ cách mạng bất chấp máy chém của Luật 10/59.

“Lúc đó tôi là cán bộ chuyên trách công tác vận động quần chúng, phụ trách công tác Phụ nữ của Tỉnh ủy Bến Tre, có trách nhiệm chỉ đạo và phát động phong trào đấu tranh chính trị của chị em, chống lại chính sách khủng bố, đàn áp của địch, bảo vệ cơ sở cách mạng còn lại. Giữa năm 1959, tôi được điều động về công tác ở Huyện ủy Mỏ Cày để chuẩn bị cho Đồng khởi," bà Nguyễn Thị Khao nhớ lại.

Thay đổi cục diện

Dưới sự chỉ huy của bà Nguyễn Thị Định - một trong những người lãnh đạo, linh hồn của cuộc Đồng khởi Bến Tre và phong trào Đồng khởi ở miền Nam, Đội quân tóc dài với thành viên là hàng vạn phụ nữ như bà Ca Lê Du, bà Nguyễn Thị Khao…, đã đấu tranh trực diện với địch, đòi chấm dứt càn quét, bắn giết, yêu cầu bồi thường nhân mạng. Tay không tấc thép song họ kiên cường đương đầu trước mũi súng, ngăn chặn những trận càn tàn phá xóm làng. Họ sẵn sàng đối diện với tù đày, tra tấn, nhà cửa bị phá, thậm chí là cái chết do bị xử tử, thủ tiêu.

Nhưng không chỉ đấu tranh chính trị, họ còn trực tiếp cầm súng chiến đấu. Vào cuối năm 1961, số nữ du kích xã, ấp ở Bến Tre đã lên đến 3.086 người, chiếm 1/9 số nữ du kích trong toàn miền Nam lúc đó. Nhiều đội du kích độc lập tác chiến rất hiệu quả.

So với nam giới, chị em có ưu thế hơn ở chỗ vừa tổ chức đánh địch ngay tại mặt trận mà vẫn giữ được thế sống hợp pháp trong vùng kiểm soát, nhất là các đội biệt động. Và năm 1964, đơn vị vũ trang nữ đầu tiên mang phiên hiệu C710 ra đời, là lực lượng bộ đội nữ đầu tiên của chiến trường Khu 8, Quân khu 9.

Nữ cựu chiến binh Nguyễn Thị Khích (bí danh Minh Tâm), nguyên Trung đội phó C710 - người tham gia đơn vị từ năm 18 tuổi nhớ lại nhiệm vụ của đơn vị là cải trang hợp pháp nắm tình hình trong lòng địch tại nội ô, kêu gọi thanh niên tòng quân và trực tiếp cầm súng chiến đấu.

Đơn vị hoạt động trên chiến trường Bến Tre từ năm 1964 đến năm 1974 và đã lập nhiều chiến công xuất sắc, tạo nên những trận đánh “xuất quỷ nhập thần” ngay giữa hang ổ địch. Đã có 8 chiến sỹ hy sinh và 14 người mang thương tật, tính đến ngày đơn vị giải thể.

“Đơn vị là điểm sáng của phụ nữ trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ của Bến Tre," bà Nguyễn Thị Khích tự hào kể.

Làn sóng Đồng khởi từ Mỏ Cày như nước vỡ bờ ra toàn tỉnh Bến Tre và khắp các tỉnh Nam bộ, Tây nguyên, Trung Trung bộ đã tạo bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược, làm thay đổi cục diện cách mạng miền Nam. Từ thế giữ gìn lực lượng, cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến công mạnh mẽ, rộng khắp liên tục, tạo cơ sở vững chắc để nhân dân miền Nam Việt Nam đánh thắng “Chiến lược chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Lần giở những trang sử vàng thấy ghi lại phong trào Đồng Khởi với nòng cốt là Đội quân tóc dài là một điển hình về sự nổi dậy của quần chúng, đánh địch sáng tạo, hiệu quả với sự kết hợp 3 mặt: Chính trị, vũ trang và binh vận.

Thắng lợi của cuộc Đồng Khởi Bến Tre và các cuộc Đồng Khởi trong toàn miền Nam tiếp sau đó đã đưa đến việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 20/12/1960.

Đầu năm 1961, Quân Giải phóng miền Nam cũng được thành lập bằng cách thống nhất các lực lượng du kích ở từng địa phương và thành lập mới những tiểu đoàn bộ đội tập trung.

Ngọn lửa trên đất cù lao lan rộng ra khắp miền Nam làm địch lúc bấy giờ vô cùng bất ngờ, hoang mang, lo sợ. Trong một báo cáo gửi Tổng thống Mỹ Kennedy, Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ thừa nhận: Thời kỳ hết sức nghiêm trọng đối với chế độ Ngô Đình Diệm “đã ở ngay trước mặt."

Từ huyền thoại đội quân tóc dài đến những sứ giả hòa bình quốc tế ảnh 3Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu 'đội quân tóc dài.' (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Nhìn lại 60 năm sau Ngày Bến Tre Đồng khởi với Đội quân được phong tặng tám chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy," Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định: “Đây là một binh chủng đặc biệt trong đấu tranh chính trị với địch một cách sáng tạo, độc đáo của Bến Tre, của đồng bào miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ. Đội quân tóc dài là biểu tượng sinh động của truyền thống toàn dân đánh giặc, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của dân tộc ta."

Nhưng không chỉ ở Nam Bộ, khi đế quốc Mỹ leo thang và mở rộng chiến tranh phá hoại ra hậu phương lớn miền Bắc thì một “đội quân tóc dài” cũng xuất hiện tại tuyến lửa Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh. Nơi chiến sự ác liệt ấy, họ - những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi đã đi qua bom đạn, đi qua sự sống cái chết, đã dốc sức trẻ, tuổi thanh xuân cho khát vọng nối liền hai miền Nam Bắc./.

Đón đọc bài 2: Từ huyền thoại đội quân tóc dài đến những sứ giả hòa bình quốc tế: Những bông hồng thép Trường Sơn

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục