(Tiếp chương II: Glasgow nguồn cội)
Vào thứ Năm, ngay sau trận đấu hôm thứ Bảy ở Wembley, tôi đang nằm nhà thì điện thoại réo. Đó là Anna, vợ của Billy. "Cathy, ra hỏi Alex xem Billy nhà tôi đâu rồi" Anna cấm cảu. Tôi lập tức bao che. Có thể bốn chục khách hàng của chúng tôi đã đi thăm thú toà tháp đôi và tôi làm sao biết được làm cách nào để Billy có thể vắng mặt lâu thế mà không xin phép vợ. Nhưng với những người cần lao ở thế hệ tôi, một trận đấu bóng không khác gì một đợt hành hương thiêng liêng về thánh địa, và họ cũng đề cao tình bằng hữu chả khác gì đề cao giá trị của trận cầu ấy cả.
Quán rượu mà chúng tôi có được nằm ở đường Main Street, Bridgeton, một trong những quận lớn nhất của cộng đồng Tin Lành ở Glasgow. Thứ bảy trước khi diễn ra buổi Tuần Hành Cam, Tam "bự", người đưa thư, đã lại gần tôi và nói: "Alex, đám thanh niên nhờ tớ hỏi mấy giờ cậu sẽ mở cửa vào sáng thứ Bảy tới. Để phục vụ bữa tuần hành đó. Chúng tôi sẽ xuống dưới ngả Ardrossan," (khu này nằm ở bờ Tây của Scotland). "Xe buýt sẽ khởi hành lúc 10 giờ sáng đấy", Tam nói tiếp. "Tất cả các hội quán đều mở, thế nên cậu cũng nên mở cửa sớm."
Tôi bối rối: "Ồ, tớ nên mở lúc mấy giờ?"
Tam đáp: "Bảy nhé"
Vậy là tôi có mặt từ 6 giờ 15 phút sáng, cùng với ông cụ thân sinh của mình, với Martin, và cả một gã pha rượu người Ý nhỏ xíu đang làm công cho chúng tôi. Chúng tôi chuẩn bị rất đầy đủ vì Tam đã nói với tôi rằng: "Trữ cho nhiều hàng vào, sẽ cần nhiều rượu lắm đấy". Mở cửa lúc 7 giờ sáng, đúng boong. Lập tức quán rượu chật kín những người của nhóm Cam (Orangemen) với đủ mọi giọng điệu khác nhau trong khi cảnh sát thì đi tuần bên ngoài, người ngựa ngậm tăm.
Từ 7 giờ sáng tới 9 giờ rưỡi tôi bán được những 4.000 bảng.
Vodka ly đúp, bán cả lô. Cha tôi ngồi gật gù. Tới 9 giờ 30 phút chúng tôi làm việc quá vất vả để phục vụ cả đám khách hàng còn lại. Lau dọn sạch sẽ quán rượu, chúng tôi cũng làm hết. Nhưng quên mất tiêu là 4.000 bảng còn để nguyên trong két.
Kinh doanh quán rượu quả là công việc khó khăn. Tới năm 1978 tôi đã sẵn sàng rời bỏ những trách nhiệm nặng nề của việc điều hành hai cái hố rượu ấy. Dẫn dắt câu lạc bộ Aberdeen không chừa cho tôi chút thời gian nào mà vật lộn với đám dân nhậu nữa. Nhưng những câu chuyện hay ho của thủa đó thì vẫn còn như in trong trí nhớ của tôi. Họ, những thợ thuyền, kéo đến vào mỗi sáng thứ Bảy, cùng với vợ của mình, sau khi nhận lương tuần vào tối thứ Sáu và lập tức đến đặt cọc tiền cho tôi ở sau quầy bar, trong một cái két đẹp đẽ. Trong đêm thứ Sáu đó, bạn sẽ cảm thấy mình như một triệu phú. Bạn không thể biết được tiền trong két hay trong ngăn kéo là của mình hay của họ nữa. Và những ngày đầu tháng, Cathy sẽ ngồi rải tiền ra trên tấm thảm mà đếm. Đúng một sáng thứ Bảy khác, tiền sẽ lại ra đi khi những thợ thuyền nọ sẽ tới nhận chúng. Tất cả các bút toán ghi lại các giao dịch này được gọi là “Sổ đánh dấu."
Một người đàn bà tên Nan đặc biệt rất cẩn trọng trong việc theo sát các giao dịch tiền bạc này của chồng mình. Cô ấy có giọng lưỡi cũng thợ thuyền lắm. "Bộ các người tưởng rằng chúng tôi khờ lắm ư?" cô ấy luôn nói vậy, ném về phía tôi một dấu hiệu nào đó.
"Gì thế?" Tôi đáp kiểu câu giờ.
"Bộ mấy người nghĩ tôi khờ sao? Cuốn Sổ đánh dấu kia kìa. Tôi muốn kiểm tra nó."
"Ồ, cô không thể kiểm tra nó được." tôi đáp, với vẻ nghiêm trọng hơn, "nó là bất khả xâm phạm. Thuế vụ sẽ không cho phép cô làm điều đó. Họ kiểm tra nó hàng tuần. Cô không được xem."
Nan quay sang chồng mình, vẻ đã hơi bị thuyết phục, và hỏi "Đúng vậy hả anh?"
"À, Anh cũng chả biết nữa," chồng cô ta đáp lại.
Bão tố tạm lắng. "Nhưng nếu tôi mà phát hiện tên của chồng tôi trong đó thì đừng có trách tôi, tôi sẽ không bao giờ quay lại đây đâu" - Nan hằn học.
Đó là những ký ức khó phai về một thời trai trẻ sống quanh những người có cá tính tuyệt vời và có sức chịu đựng kinh khủng. Và cả những người bản lĩnh nữa. Đôi khi tôi về nhà với đầu có vết rách và mắt thì bầm tím. Cuộc sống ở quán rượu là thế. Khi nó bắt đầu hỗn loạn và đánh đấm diễn ra, điều cần làm là nên nhảy vào can thiệp ngay nhằm vãn hồi trật tự. Bạn sẽ cố tách hai kẻ hăng máu ra nhưng thường thì bạn cũng dễ dính ngay một cú vào cằm. Tôi vẫn thi thoảng nhìn lại và nghĩ cuộc sống khi ấy mới tuyệt làm sao. Những cá tính; những tấn hài kịch thực sự.
Tôi vẫn còn nhớ một gã tên là Jimmy Westwater khi gã bước vào quán, gần như không thể thở được nữa. Người gã xám ngoét. "Chúa ơi, anh ổn không?" tôi hỏi. Hoá ra Jimmy đã bó mình bằng lụa Sơn Đông để mang ra khỏi cảng mà không bị bắt quả tang. Cả một kiện luạ Sơn Đông lận. Nhưng vì gã quấn quá chặt nên hắn gần như không thể thở nổi nữa.
Một gã khác, cũng tên Jimmy, làm công cho tôi, một đêm nọ hắn xuất hiện và gạ bán một cái nơ rất điệu. Một khách hàng quen của tôi đã thốt lên đầy ngờ vực rằng "Đeo nơ ở Govan ư? Mày giỡn à.". Một tối thứ Sáu nào đó tôi còn thấy cả một gã rao bán các túi hạt thức ăn cho chim ở quầy bar của mình nữa. Ở khu ấy của Glasgow, ai cũng nuôi bồ câu cả.
"Gì thế?" - Tôi hỏi.
"Hạt thức ăn cho chim" - một câu trả lời như vạn câu trả lời khác trên đời.
Một gã Ireland tên Martin Corrigan luôn tự hào bản thân hắn có khả năng cung cấp bất cứ thứ hàng gì người ta cần. Bát đĩa sành, dao kéo, tủ lạnh… bất kỳ thứ gì bạn muốn. Trong khi đó, một gã khác thì bước vào và thông báo “Muốn mua ống nhòm không?”. Rồi sau đó rút ra một cặp ống nhòm còn bọc trong giấy không thấm dầu. "5 bảng", hắn ta nói.
"Một điều kiện duy nhất" Tôi bảo. "5 bảng với điều kiện cậu phải uống tại đây. Không mang sang bên Baxter’s". Quả thật, hắn là một kẻ dễ thương với khả năng nói không được lưu loát lắm. Và tôi có cặp ống nhòm còn hắn nhận tiền và uống ngay hết 3 bảng ngay trên quầy bar.
Lúc tôi mang những thứ mình mua được về, Cathy luôn cảm thấy khó chịu. Tôi vẫn nhớ một lần tôi mang về một cái bình của Ý rất đẹp mà Cathy đã thấy nó được bán ngoài hiệu với giá 10 bảng Anh. Vấn đề là tôi đã mua nó với giá 25 bảng ở tại quầy bar. Còn một hôm thì tôi xúng xính trong cái áo jacket trông như sắp toạc ra tới nơi.
"Bao nhiêu?" - Cathy hỏi.
"Bảy bảng" -Tôi trả lời mặt đầy rạng rỡ.
Treo cái áo lên, tôi bỏ nó đó. Hai tuần sau, chúng tôi tới ăn tiệc ở nhà chị gái của Cathy. Mặc cái áo vào, tôi đứng trước gương và ngắm nghía trầm trồ với cái áo được cắt khéo. Và bạn biết mỗi khi mặc áo khoác thì một người vẫn hay kéo hai ống tay áo xuống cho thẳng như thế nào rồi phải không? Tôi cũng làm y chang. Và cả hai ống tay áo rơi xuống trước mắt tôi. Tôi đứng đó với chiếc áo không còn tay nữa.
Cathy đi ngang qua khi tôi đang gầm lên "Tôi sẽ giết thằng đó". Thậm chí áo còn không còn cả lần lót nữa cơ chứ.
Trên tường ở phòng chơi snooker của tôi có treo tấm ảnh của Bill, bạn thân nhất của tôi. Cậu ấy thuộc dạng công tử bột, gọi thân mật là Billy. Thậm chí pha cho mình tách trà cũng chẳng biết đằng làm. Qua nhà cậu ấy một bữa, sau khi hai thằng đã kéo nhau đi ăn tối, tôi bảo cậu ấy “Đun nước đi”. Và cậu ấy đứng dậy. Nhưng Billy đi tới 15 phút lận. Chả hiểu cậu ấy đi đâu? Hoá ra, cậu ấy đang nói chuyện với Anna, vợ của mình, và hỏi “Em làm thế quái nào với trà ấy nhỉ?"
Anna để một cái bánh nhân thịt bò trong lò nướng một đêm nọ, trong khi Billy đang xem phim, bộ phim The Towering Inferno. Anna trở lại sau hai tiếng đồng hồ và phát hiện khói cuộn trong bếp.
"Chúa ơi, anh không thèm tắt cái lò sao? Nhìn khói kìa", nàng làm ầm lên.
"Ối, anh tưởng khói từ truyền hình ra chứ em", Billy khóc lóc. Cậu ấy cứ ngỡ đó là một hiệu ứng đặc biệt từ cái tháp đang cháy trong TV.
Mọi người hay tụ nhau lại ở nhà Billy. Họ như thể thiêu thân lao về phía ánh sáng của cậu ấy vậy. Và không ai biết cậu ấy có tên là Billy cả. Ai cũng gọi cậu ấy là McKechnie. Hai đứa con trai của cậu ấy với Anna, Stephen và Darren, giờ vẫn còn thân với đám con trai tôi. Nhưng Billy thì không còn nữa. Nhưng tôi sẽ luôn nhớ tới cậu ấy với tất cả những niềm vui mà chúng tôi đã cùng chung với nhau./.