UNICEF kêu gọi đổi mới sáng tạo để hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi

Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú, nghiên cứu sản xuất thực phẩm HEBI điều trị suy dinh dưỡng nặng cho trẻ em ở Kon Tum... là những biện pháp sáng tạo trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
UNICEF kêu gọi đổi mới sáng tạo để hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi ảnh 1Mô hình trường dân tộc bán trú là sáng kiến giúp tăng tỷ lệ trẻ em đi học ở Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Một số giải pháp của Việt Nam nhằm cải thiện cuộc sống của trẻ em như: Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú, nghiên cứu sản xuất thực phẩm Hebi điều trị suy dinh dưỡng nặng cho trẻ em ở Kon Tum, thi lập trình về đề tài sáng tạo cho trẻ em trên thiết bị di động… đã được đề cập đến trong Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2015 như những minh họa cho sự sáng tạo trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi lễ công bố Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2015 do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 4/12, tại Hà Nội.

Báo cáo mới về tình hình trẻ em thế giới năm 2015 có chủ đề “Hình dung mới về tương lai: Đổi mới sáng tạo cho mọi trẻ em”. Báo cáo này được UNICEF công bố nhân kỷ niệm 25 năm ngày ra đời Công ước Quốc tế về quyền trẻ em.

Báo cáo cho biết những đổi mới sáng tạp đơn giảm như điện giải Oresol bù nước hay các thực phẩm chức năng trị bệnh đã giúp mang lại thay đổi to lớn cho hàng triệu trẻ em trong suốt 25 năm qua.

Nói về những sáng tạo đã thay đổi cuộc sống của những trẻ em bị thiệt thòi ở Việt Nam, ông Youssouf Abdel-Jelil, đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng trường phổ thông dân tộc bán trú do cộng đồng và cha mẹ trẻ em dân tộc thiểu số khởi xướng là một giải pháp có hiệu quả để tăng tỷ lệ trẻ em đi học và nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình trường dân tộc bán trú đã được nhà nước công nhận, hỗ trợ và mở rộng từ 13.230 học sinh ở 2 tỉnh trong năm học 2010-2011 lên đến 128.643 học sinh ở 26 tỉnh năm học 2013-2014.

Tuy nhiên, theo ông Youssouf Abdel-Jelil, báo cáo cũng chỉ ra rằng Việt Nam vẫn còn những công việc chưa hoàn thành trong phát triển con người liên quan đến trẻ em tộc thiếu số ở vùng sâu, vùng xa, những người di cư lên thành phố và những nhóm người dễ bị tổn thương khác.

Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: “Việt Nam đang xây dựng kế hoạch cho trương trình phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. Trong quá trình này, để giải quyết được những thách thức hiện nay trong công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em, chúng ta cần có những suy nghĩ và tư duy mới mẻ, những biện pháp sáng tạo vượt ra khỏi những cách thức truyền thống.”

Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2015 kêu gọi Chính phủ các nước, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà hoạt động xã hội và cộng đồng chung tay đưa ra những ý tưởng mới tạo nên sự thay đổi cho những trẻ em thiệt thòi./.

Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào năm 1990. Kể từ đó, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc thực hiện quyền trẻ em như: hầu hết các trẻ em đều được đi học tiểu học, tỷ lệ tiêm chủng cao đã loại trừ bệnh bại liẹt vào năm 2000 và xóa bỏ bệnh uốn ván ở bà mẹ và trẻ sơ sinh vào năm 2005…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục