Ngày 27/1, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua dự thảo báo cáo kết luận rằng Hy Lạp lơ là nghĩa vụ kiểm soát đường biên giới bên ngoài khối Schengen, nguyên nhân dẫn đến những lỗ hổng nghiêm trọng làm bùng phát cuộc khủng hoảng người di cư thời gian qua.
Việc thông qua dự thảo báo cáo được xem là bước đi đầu tiên của lộ trình cho phép các nước thành viên khu vực Schengen kéo dài việc kiểm soát đường biên giới nội khối, đặc biệt là biên giới với Hy Lạp, trong hai năm.
Theo Ủy viên châu Âu Valdis Dombrovskis, dự thảo báo cáo này dựa trên những ghi nhận của một nhóm chuyên gia sau chuyến thăm thực địa tại biên giới Hy Lạp với Thổ Nhĩ Kỳ và một số đảo của Hy Lạp vào tháng 11 vừa qua. Theo đó, EC thừa nhận sức ép mà nhà chức trách Hy Lạp phải hứng chịu đồng thời cũng nhấn mạnh tại biên giới Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ không hề có việc xác định danh tính và thống kê đối với những nhóm người di cư nhỏ lẻ.
Việc lấy dấu vân tay, kiểm tra giấy tờ nhân thân của người di cư không được thực hiện một cách có hệ thống để kiểm tra tính xác thực của các đối tượng cũng như xác định những nguy cơ tiềm tàng từ những kẻ xấu trà trộn vào những người di cư dựa trên việc tra cứu các cơ sở dữ liệu an ninh.
Đáp lại những chỉ trích của EC, Bộ trưởng Hy Lạp phụ trách Chính sách nhập cư Yannis Mouzalas biện minh rằng đây là một bản báo cáo từ tháng 11 năm ngoái. Từ đó đến nay, nhà chức trách nước này đã có nhiều cố gắng để sửa chữa những hạn chế đó. Bộ trưởng Mouzalas cũng quả quyết rằng chắc chắn những bản báo cáo sau này sẽ có kết quả khác hẳn bản báo cáo trước đây.
Nếu bản báo cáo này được ủy ban đánh giá bao gồm các quốc gia thành viên EC thông qua, đây sẽ là điều kiện để EC khởi động một chương trình hành động, với những giải pháp được đề xuất nhằm khắc phục các điểm yếu trong việc quản lý đường biên giới bên ngoài khối Schengen, giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
EC tuyên bố Hy Lạp sẽ có ba tháng để hành động. Nếu quốc gia này không có các biện pháp thích hợp, các quốc gia thành viên EC sẽ phải tính đến việc kéo dài thêm việc kiểm soát đường biên giới nội khối trong vòng tối đa hai năm.
Sau nhiều giờ tạm đóng cửa, ngày 27/1, Macedonia đã mở cửa trở lại biên giới của nước này với Hy Lạp, cho phép người tị nạn tiến về Tây Âu. Do việc Macedonia tạm đóng cửa biên giới, đã có trên 2.000 người tị nạn xếp hàng chờ ở khu vực biên giới. Nhiều người chờ đợi tại một trại tị nạn gần đó, số khác tụ tập ở một cây xăng gần cửa khẩu. Những người này phải chờ đợi tới khi được cảnh sát cho phép qua cửa khẩu.
Cũng liên quan đến cuộc khủng hoảng người di cư, Thụy Điển muốn trục xuất 80.000 người di cư đến quốc gia này vào năm 2015. Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển, Anders Ygeman tuyên bố sẽ bác đơn xin tị nạn của những người này.
Tuyên bố với báo giới, bộ trưởng nói rõ rằng chính phủ đã yêu cầu cảnh sát và Cơ quan phụ trách di trú tổ chức việc đưa người di cư quay trở về quê nhà. Ông cũng cho biết thêm là việc đưa người di cư quay về sẽ được tiến hành trên các chuyến bay giá rẻ được thuê riêng và có thể diễn ra trong vài năm./.