Vắcxin COVID-19 và những liên minh địa chính trị mới

Bất chấp những quan ngại (mà phần lớn là không có cơ sở) về chất lượng vắcxin của Trung Quốc và Nga song những liên minh địa chính trị mới đã và đang được hình thành theo "dòng vắcxin."
Vắcxin COVID-19 và những liên minh địa chính trị mới ảnh 1Một loại vắcxin phòng COVID-19. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo asiatimes.com, chúng ta hãy cùng tưởng tượng viễn cảnh này: Liên quan đến chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Trung Đông và quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế tiến hành điều tra những tội phạm chiến tranh tại khu vực Bờ Tây và dải Gaza, Israel quyết định tìm cách giành được thiện cảm của các nước và tuyên bố sẽ tiêm vắcxin COVID-19 cho toàn bộ người dân Palestine.

Quyết định như vậy của Israel sẽ là một chiến thắng chớp nhoáng về quan hệ đối ngoại. Thế nhưng, đó chỉ là mơ hão. Mặc dù Israel là một trong số những quốc gia đi đầu thế giới trong chiến dịch tiêm vắcxin cho người dân của mình, song nước này lại không thể hiện khuynh hướng chăm lo y tế cho tất cả người dân sinh sống trong khu vực mà họ kiểm soát - người dân Palestine nằm trong số này.

Tồi tệ hơn, Israel dường như tìm cách cản trở một xe tải chở vắcxin mà Chính quyền Palestine nhận được từ Nga.

Tuy nhiên, tình hình ở Israel-Palestine không phải là "độc nhất vô nhị" trong cách hành xử phi ngoại giao liên quan đến vắcxin. Đại dịch COVID-19 chưa thể trở thành chiêu bài quảng bá cho tính ưu việt về đạo đức mà phương Tây tuyên bố đối với phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, trước hết, hãy trở lại với câu chuyện của Israel. Đáng chú ý, Israel cho rằng họ là quốc gia phương Tây duy nhất, hay ít nhất là mang phong cách phương Tây duy nhất, ở Trung Đông.

Cũng cần thừa nhận rằng luật pháp quốc tế không quy định rõ ràng về nghĩa vụ của Israel tiêm vaccine cho người dân Palestine sinh sống ở khu vực chiếm đóng quân sự.

[Tiến độ tiêm chủng vắcxin phòng COVID-19 tại một số nước châu Âu]

Là nước chiếm đóng, Israel có những nghĩa vụ cụ thể đối với những nhu cầu về y tế của người dân thuộc khu vực bị chiếm đóng. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 toàn cầu này là tình huống duy nhất từ trước đến nay mà Israel vẫn chưa có biện pháp giải quyết cụ thể đối với người dân Palestine.

Mặc dù vậy, người ta có thể cho rằng sự giúp đỡ ở đây có thể xuất phát từ những lý do đạo đức cũng như từ sự tự nhận thức bởi suy cho cùng thì người dân Israel vẫn tiếp xúc hàng ngày với người dân Palestine.

Một người theo chủ nghĩa biện hộ có thể lập luận rằng Israel không đủ vaccine để chia sẻ với Palestine. Trên thực tế, điều này nói lên bản chất vô đạo đức rộng lớn của các nước phương Tây khi họ chiếm giữ và thu gom vaccine một cách độc quyền và rõ ràng.

Trong cuộc đua giành giật vắcxin cho riêng mình, các nước giàu có phương Tây gồm Mỹ và một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã quay lưng lại với nhiều nước đang phát triển.

Canada đã có đủ vắcxin để tiêm cho số người gấp 5 lần dân số của họ, trong khi Nam Phi chỉ có thể mua được chỉ 1 triệu liều cho dân số 55 triệu dân của họ.

Khả năng mua được vắcxin củng cố động lực quyền lực giữa những nước phát triển và những nước đang phát triển. Trong khi các nước giàu thu gom bất kỳ loại vắcxin nào mà họ có thể tiếp cận thì những nước còn lại băn khoăn lo lắng không biết liệu còn bất kỳ liều vắcxin nào cho họ nữa hay không. Và e rằng nếu có ai cho rằng nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cam kết thay đổi điều này thì nên nhớ một minh chứng như nước Anh chỉ cam kết hỗ trợ những vắcxin còn thừa của mình.

Tiếp đến là vấn đề liên quan chính vắcxin. Những loại vắcxin do các nước phương Tây sản xuất như Moderna, Pfizer-BioNTech và AstraZeneca đều được thẩm định có tiêu chuẩn "vàng" về chất lượng và tính hiệu quả. Vậy còn những loại vắcxin do Nga và Trung Quốc sản xuất thì sao?

Định kiến ngầm ẩn đối với những loại vắcxin "cấp thấp hơn" do Nga và Trung Quốc sản xuất đã làm xuất hiện một bài bình luận trên tờ New York Times trong tháng này với nội dung kêu gọi "đã đến lúc tin tưởng vắcxin của Nga và Trung Quốc."

Bất chấp những quan ngại (mà phần lớn là không có cơ sở) về chất lượng vắcxin của Trung Quốc và Nga song những liên minh địa chính trị mới đã và đang được hình thành theo "dòng vắcxin."

Cụ thể, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Serbia và Pakistan là những nước đã phê chuẩn sử dụng vắcxin Sinopharm của Trung Quốc.

Bolivia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil đã phê duyệt sử dụng một loại vắcxin khác của Trung Quốc do hãng dược phẩm Sinovac sản xuất. Hơn 10 quốc gia đang phát triển khác thì sử dụng vắcxin COVID-19 của Nga.

Khi thế giới trở nên phân tách hơn khi phân chia theo các nhóm nước được tiếp cận với vắcxin cũng như các nhóm nước tiếp cận với từng loại vắcxin khác nhau thì việc đánh giá mức độ thế giới đã bị hất khỏi quá trình toàn cầu hóa vốn được thúc đẩy hơn 30 năm qua ở phương Tây là một việc làm hữu ích.

Ý tưởng không tưởng về một "Thế giới phẳng" trong cuốn sách cùng tên của Thomas Friedman, biên tập viên chuyên mục ngoại giao và kinh tế của tạp chí New York Times, đã chứng minh sự hoang tưởng trớ trêu trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Quan điểm "thế giới phẳng" cho rằng nhân loại được liên kết bởi thương mại hóa toàn cầu, truyền thông số và các thể chế mạnh mẽ theo kiểu của phương Tây và do phương Tây lãnh đạo.

Thế nhưng, trong thời kỳ đại dịch, các thể chế quốc tế lại bị tấn công, những nỗ lực điều chế và tiêm vaccine giúp các nước kiểm soát loại virus chết người này lại bị hủy hoại và nhuốm màu chủ nghĩa dân tộc. Sự lãnh đạo mang tính nhân từ của Mỹ, chìa khóa cho giả thuyết trái đất phẳng của Friedman, đã "bốc hơi."

Về bản chất, phương Tây cho rằng họ đóng vai trò quan trọng hơn phần còn lại của thế giới và xứng đáng hơn để tiếp nhận và sử dụng các loại vắcxin của phương Tây sẵn có hiện nay.

Mặc dù trên thực tế quá trình toàn cầu hóa là một ý tưởng tốt song điều hổ thẹn ở đây là phương Tây không bao giờ đưa ra cam kết đầy đủ với phần còn lại của thế giới khi đụng chạm đến những lợi ích quan trọng nhất của họ.

Đối với các nước đang phát triển, khi bị phương Tây rũ bỏ trong tình cảnh khó khăn, họ sẽ đánh giá lại xem những nước phương Tây nào thực sự là bạn bè của mình. Vào lúc gặp hoạn nạn khó khăn nhất, nguy kịch hơn cả bất kỳ cuộc suy thoái kinh tế nào hoặc tình trạng lạm phát hoặc khủng hoảng tiền tệ, chính Trung Quốc và Nga lại giang tay cứu các nước nghèo.

Cho dù động thái của Trung Quốc là gì thì đại dịch đã phân chia lại sức mạnh và tầm ảnh hưởng theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

Điều đó có quan trọng hay không? Phương Tây giả bộ quan tâm lo lắng cho tất cả các nước khác trên thế giới song họ lại tự cho mình đóng vai trò quan trọng hơn cả. Suy cho cùng, những giá trị mà phương Tây tuyên bố lâu nay về họ giờ trở nên không còn giá trị.

Ngược lại, Trung Quốc đã không hề che giấu lợi ích của riêng mình cũng như tham vọng không hổ thẹn của họ để giành được vị thế siêu cường thế giới lại trở thành căn nguyên của sự lo lắng.

Cả phương Tây và Trung Quốc có thể không phải là một đối tác lý tưởng đối với một nước nghèo. Tuy nhiên, Trung Quốc thậm chí còn không thể là một mô hình noi theo của thế giới, thậm chí còn là mối đe dọa đối với những nhóm dân tộc muốn thành lập những nhà nước tự trị của riêng họ trong lòng đại lục. Điều này có thế thấy rõ đối với tình cảnh của người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Hong Kong và Đài Loan. 

Hành động can dự gần đây, hoặc có thể coi là sự quay lưng gần đây của Israel đối với người dân Palestine sinh sống trong khu vực chiếm đóng của Israel là một minh chứng rõ ràng cho thấy điều gì có thể xảy ra nếu phương Tây (hoặc các nước 'gần phương Tây') không thực hiện đúng theo cam kết của mình.

Chuyến hàng chở vắcxin bị chặn lại khi đang trên đường đến dải Gaza để cung cấp cho Palestine có nguồn gốc từ Nga. Trung Quốc không thể chậm chễ hơn nữa trong vấn đề cung cấp vắcxin./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục