Vai trò của doanh nghiệp trong cuộc chiến chống nô lệ thời hiện đại

Để xóa bỏ nạn nô lệ thời hiện đại, các doanh nghiệp cần đóng vai trò lớn hơn thông qua việc đảm bảo chuỗi cung ứng của họ không sử dụng lao động nô lệ.
Vai trò của doanh nghiệp trong cuộc chiến chống nô lệ thời hiện đại ảnh 1Người lao động làm việc tại công trường xây dựng ở Amritsar, Ấn Độ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo số liệu của Liên hợp quốc, các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang đẩy mạnh chi tiêu trong cuộc chiến nhằm xóa bỏ nạn nô lệ thời hiện đại.

Tuy nhiên, để đạt được những kết quả đáng kể, các doanh nghiệp cần đóng vai trò lớn hơn thông qua việc đảm bảo chuỗi cung ứng của họ không sử dụng lao động nô lệ.

Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy viện trợ nước ngoài cho sáng kiến chống nạn nô lệ của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã vượt quá mức 400 triệu USD năm 2013. Trong thập kỷ trước đó, các quốc gia hàng đầu OECD đã chi trung bình 124 triệu USD/năm cho sáng kiến này.

Khi cưỡng ép lao động đang ngày càng trở thành vấn đề toàn cầu, câu hỏi được đặt ra là cần bao nhiều tiền mới có thể đáp ứng mục tiêu của Liên hợp quốc là vào năm 2030 chấm dứt hoạt động thương mại đang khiến 40 triệu người trở thành nô lệ và tạo ra khoản lợi nhuận bất hợp pháp lên tới 150 tỷ USD này. Các chuyên gia nhận định sự khan hiếm dữ liệu, phối hợp hạn chế giữa các chính phủ, sự khác biệt trong quan điểm là những nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng nô lệ thời hiện đại.

Hiện chưa có đánh giá nào về tính hiệu quả của chi tiêu trong cuộc chiến chống nạn cưỡng ép lao động. Nick Grono, người đứng đầu Quỹ Tự do - nhà tài trợ tư nhân đầu tiên nhằm chấm dứt nạn nô lệ- cho biết dù quỹ của chính phủ rất hữu ích, song các công ty mới giữ vai trò quan trọng đối với sự thay đổi dài hạn, thông qua việc xóa bỏ chuỗi cung ứng sử dụng lao động cưỡng ép.

Từ sản xuất hàng may mặc, mỹ phẩm đến điện thoại thông minh, các thương hiệu đang chịu áp lực ngày càng lớn nhằm đảm bảo sản phẩm của họ không sử dụng nhân công bị cưỡng ép lao động hay lao động trẻ em.

[Cảnh sát Anh giải cứu hàng chục 'nô lệ thời hiện đại']

Tại Thái Lan, các cuộc điều tra về lạm dụng lao động cưỡng ép trong ngành thủy sản đã thúc đẩy sự thay đổi. Lĩnh vực mang lại lợi nhuận hàng tỷ USD này đã bị theo dõi sát sao và đối mặt với áp lực toàn cầu đòi cải cách sau khi điều tra cho thấy tình trạng sử dụng nô lệ và nạn nhân các đường dây buôn người trên các thuyền đánh cá, cũng như tại các cơ sở chế biến.

Chuyên gia nhận định sẽ cần thêm ngân sách để có thể đánh giá được tác động, cũng như hiệu quả của những nỗ lực chống nạn nô lệ khi mà thế giới còn thiếu cơ chế giám sát các quỹ như vậy. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) của Liên hợp quốc và Quỹ Walk Free, trong năm 2016 khoảng 40 triệu người, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã trở thành nô lệ. Tuy nhiên, con số này bị cho là vẫn chưa phản ánh đầy đủ khi thiếu đi dữ liệu từ các quốc gia vùng Vịnh và vùng xung đột, cũng như không cập nhật những tiến triển trong cuộc chiến chống nô lệ.

Theo học giả người Mỹ Siddharth Kara, sẽ cần tới siêu dữ liệu để phong trào chống nô lệ toàn cầu có thể thu hút được khoản ngân sách lớn.

Hiện các quỹ hỗ trợ cũng đang có chiều hướng tăng mạnh với gần 100 triệu USD được quyên góp cho các sáng kiến chống nô lệ thời hiện đại vào năm 2014, tăng 63 triệu USD so với năm 2012. Thêm nhiều quỹ cũng đã tham gia vào cuộc chiến này, như HU, Walk Free và Ford Foundation.

Các nhà hoạt động cho rằng Quỹ Toàn cầu nhằm chấm dứt tình trạng nô lệ hiện đại (GFEMS) sẽ thực sự thay đổi được tình hình. Hoạt động vào năm 2015, quỹ đã quyên góp được 1,5 tỷ USD nhằm giảm một nửa số lao động cưỡng bức tại những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thông qua việc đoàn kết chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức từ thiện.

Khi vấn nạn nô lệ không thực sự thu hút được sự quan tâm so với những vấn đề khác như HIV, giáo dục, xung đột, sự tham gia của lĩnh vực tư nhân có vai trò rất quan trọng. Nếu như số tiền quyên góp được phân bổ hợp lý, thắng lợi trong cuộc chiến chống nạn nô lệ hiện đại là hoàn toàn khả thi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục