Văn kiện Hội nghị cấp cao ASEAN 37 tạo cơ sở hợp tác, phục hồi kinh tế

Đại sứ Trần Đức Bình - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN cho biết tổng cộng có hơn 10 văn kiện cần hoàn tất, trong đó có 5 văn kiện ưu tiên.
Văn kiện Hội nghị cấp cao ASEAN 37 tạo cơ sở hợp tác, phục hồi kinh tế ảnh 1Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, đại diện cho nước Chủ tịch ASEAN năm 2020. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)

Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN cùng Ủy ban các đại diện thường trực tại ASEAN (CPR) đang tập trung cao độ cho việc hoàn tất các văn kiện để trình thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan. 

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ Trần Đức Bình - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN cho biết tổng cộng có hơn 10 văn kiện cần hoàn tất, trong đó có 5 văn kiện ưu tiên như Tuyên bố kỷ niệm 15 năm Hội nghị cấp cao Đông Á; Tuyên bố hợp tác biển bền vững; Tuyên bố Hội nghị cấp cao ASEAN+3 về tăng cường năng lực tài chính cũng như kinh tế để ứng phó với những thách thức hiện nay. 

“Chúng tôi tự tin là sẽ có các văn kiện chất lượng, có ý nghĩa trình các lãnh đạo thông qua để khẳng định rằng ASEAN là một cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng trong trong bối cảnh hiện nay và ASEAN tiếp tục mở rộng hợp tác với tất cả các đối tác trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng như nỗ lực phục hồi kinh tế và các hoạt động xã hội,” Đại sứ Trần Đức Bình nhấn mạnh. 

Ngoài ra, Phái đoàn cũng phối hợp với CPR hoàn tất văn kiện về Tuyên bố thiết lập khuôn khổ hành lang di chuyển giữa các nước ASEAN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đi lại một cách an toàn nhưng vẫn đảm bảo được các nguyên tắc y tế; sớm khôi phục lại các hoạt động kinh tế và kết nối giao thương, từ đó tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi kinh tế khu vực ASEAN trong những năm tới.

[Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN - Mười năm một chặng đường]

Theo Đại sứ Trần Đức Bình, “điểm nhấn” lớn nhất của các Hội nghị cấp cao lần này là việc thông qua rất nhiều văn kiện cũng như tài liệu mà các nước ASEAN và các nước đối tác đã dành thời gian xây dựng trong suốt một năm qua trong bối cảnh đại dịch COVID-19. 

Mục đích của các văn kiện, tài liệu này là tạo cơ sở hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 cũng như nâng cao năng lực xử lý nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai; tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế và kết nối về thương mại, đầu tư, di chuyển của người dân trong khu vực cũng như với các nước đối tác. 

Đại sứ Trần Đức Bình cũng cho biết trong năm vừa qua, Phái đoàn Việt Nam đã phối hợp với CPR hoàn tất các kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025 giữa ASEAN và các đối tác bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand, Ấn Độ và Liên hợp quốc.

Bên cạnh đó, các nước ASEAN dưới sự dẫn dắt của Việt Nam cũng đã thực hiện đánh giá, kiểm điểm Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng ASEAN gồm 3 trụ cột, qua đó tạo nền tảng quan trọng cho việc xây dựng cộng đồng vững chắc hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới. 

Cùng với Kế hoạch trên, Phái đoàn đã phối hợp với CPR xây dựng báo cáo đánh giá thực hiện Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC), góp phần thúc đẩy kết nối khu vực trong lĩnh vực thương mại, cung ứng và hỗ trợ phục hồi kinh tế khu vực. 

Một trọng tâm công tác khác là Phái đoàn và CPR đã xây dựng xong báo cáo để trình lãnh đạo cấp cao thông qua Kế hoạch tăng cường liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn 2021-2025. Đây là kế hoạch tổng thể rất quan trọng giúp ASEAN thu hẹp khoảng cách cũng như tăng cường tính cạnh tranh của toàn bộ khu vực. 

Thực tế cho thấy trong thời gian qua, Phái đoàn đã chủ động thích nghi để ứng phó với COVID-19, xây dựng các kịch bản, các kế hoạch và chương trình hợp tác với tất cả các đối tác để vượt qua đại dịch, duy trì kết nối kinh tế khu vực cũng như với các đối tác của ASEAN.

Đại sứ Trần Đức Bình cho biết kỳ vọng lớn nhất của cả năm qua là hoàn tất và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây cũng là nỗ lực rất lớn của các thành viên khối kinh tế cũng như ngành ngoại giao nhằm vận động, thúc đẩy việc hoàn tất và ký kết RCEP trong Hội nghị lần này.

Thông qua RCEP, các nước ASEAN cũng như các nước đối tác tham gia hiệp định khẳng định tầm quan trong của hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì thị trường mở và tăng cường liên kết thương mại, đầu tư, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục