Về quê sau giãn cách: Để những chuyến trở về bớt nỗi lo âu

Các địa phương sẵn sàng đón người dân có nguyện vọng về quê, nhưng khuyến cáo đồng bào không nên ồ ạt, tự phát trở về mà cần đăng ký để địa phương thu xếp cơ sở vật chất, đảm bảo phòng dịch.
Về quê sau giãn cách: Để những chuyến trở về bớt nỗi lo âu ảnh 1Lực lượng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Gia Lai đưa công dân từ Thành phố Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)

Với người lao động xa quê, sau những tháng ngày làm việc, mưu sinh, hành trình trở về thường là niềm vui, hạnh phúc đoàn viên và những thành quả mà họ đã tích lũy, dành dụm được.

Thế nhưng, với những người lao động quyết định “khăn gói” về quê ngay khi các địa phương vừa nới lỏng giãn cách sau thời gian dài thực hiện nghiêm việc “ai ở đâu ở yên đó” để phòng, chống dịch COVID-19, chuyến trở về thật sự gian nan.

Còn quê hương - nơi họ quay về đang “căng mình” thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho từng người dân, để “làn sóng” trở về ấy không làm bùng phát dịch COVID-19 trên chính quê hương của họ.

Nguyện vọng chính đáng

Từ Bình Dương, ngay sau khi trở về quê hương ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) vào ngày 2/10, gia đình chị Lý Thị Xuân Duyên gồm 4 người đã được chính quyền địa phương đón đến khu cách ly y tế của huyện Mỹ Tú.

Sau 3 tháng mất việc làm do ảnh hưởng dịch bệnh, thu nhập không có, nguồn tích lũy đã cạn kiệt, cả gia đình chị về quê không phải với tâm trạng mừng vui mà là dằng dặc nỗi lo cho những ngày tháng tới.

Chị Xuân Duyên cho biết, khi dịch COVID-19 chưa bùng phát, gia đình chị làm việc tại một xưởng mộc ở thị xã Tân Uyên (Bình Dương). Tổng thu nhập của gia đình mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng.

Thế nhưng, dịch bệnh kéo dài khiến cả gia đình chị bị mất việc đã 3 tháng, nên không còn đủ tiền thuê trọ và trang trải sinh hoạt hằng ngày. Do đó, ngay sau khi Bình Dương nới lỏng giãn cách, có thể đi lại được, gia đình chị quyết định “khăn gói” về quê.

Về quê sau giãn cách: Để những chuyến trở về bớt nỗi lo âu ảnh 2Đoàn xe đưa công dân Bình Thuận từ thành phố Hồ Chí Minh về thành phố Phan Thiết quê tránh dịch COVID-19. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Về quê mà các thành viên trong gia đình chị luôn thấp thỏm bởi nỗi lo “cơm áo gạo tiền” những ngày tháng tới, trong khi chưa có ý định sẽ quay trở lại Bình Dương làm việc trong tương lai gần. Tương lai ổn họ mới tính tiếp.

Còn vợ chồng chị Lý Thị Mỹ Danh ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) làm công nhân may mặc ở Bình Dương. Trước đây, công việc và thu nhập ổn định, vợ chồng chị chỉ về thăm quê vào dịp lễ, tết.

Nhưng nay, do ảnh hưởng của dịch, bị mất việc, nên ngay sau khi hết giãn cách, vợ chồng chị đã quyết định tạm trở về quê. Chị Danh cho biết, do chưa đi làm trở lại, vừa nhớ nhà, nhớ con nên vợ chồng chị tạm thời về quê.

Một thời gian nữa, có thể vợ chồng chị sẽ quay trở lại Bình Dương làm việc. Khi về đến địa phương, anh chị đã được hướng dẫn làm các thủ tục khai báo y tế, test nhanh và hướng dẫn đến nơi thực hiện cách ly y tế theo quy định.

Trong khi đó, anh Trần Văn Hiếu ngụ huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) chia sẻ, vợ chồng anh lên Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê đã hơn 5 năm, cơ bản thu nhập tương đối ổn định.

Nhưng vừa qua dịch bệnh kéo dài, vợ anh lại sắp sinh con, nên gia đình anh trở về quê và dự tính tạm thời tìm việc ở quê để làm một thời gian, sau đó có thể anh sẽ quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh tìm việc.

Nguy cơ hiện hữu 

Thực sự, những trường hợp người dân quyết định trở về quê hương ngay sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách, trở về trạng thái “bình thường mới” là nguyện vọng chính đáng, là mong muốn rất cần được sự cảm thông và chia sẻ.

Song, trong bối cảnh dịch COVID-19 dù đã từng bước được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp. Việc người dân tự phát cùng trở về quê trong cùng một thời điểm đang tạo áp lực, gây khó khăn rất lớn cho các địa phương trong công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe, vừa chăm lo chu đáo cho đời sống người dân tại chỗ và cả số người mới quay trở về quê hương.

[Không cách ly tập trung với người về từ TP.HCM đã tiêm 2 mũi vaccine]

Theo thông tin từ Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng, chỉ từ ngày 1-5/10, số người từ các tỉnh, thành phố trở về Sóc Trăng đã lên tới gần 40.000 người.

Với số lượng hàng chục ngàn người từ các địa phương về quê, những ngày qua, dù chưa xét nghiệm hết, nhưng đã ghi nhận 60 trường hợp F0 và rất nhiều khả năng con số trên có thể còn tăng trong thời gian tới. 

Về quê sau giãn cách: Để những chuyến trở về bớt nỗi lo âu ảnh 3Công dân Bình Thuận có hộ khẩu tại thành phố Phan Thiết được cách ly tập trung tại ký túc xá trường chuyên Trần Hưng Đạo (thành phố Phan Thiết). (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, tỉnh sẵn sàng đón người dân có nguyện vọng về quê, nhưng khuyến cáo đồng bào không nên ồ ạt, tự phát trở về mà cần đăng ký để tỉnh có điều kiện thu xếp cơ sở vật chất, khu cách ly đón người dân cũng như đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Tương tự, tại tỉnh Bạc Liêu, sau khi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... nới lỏng các biện pháp kiểm soát, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho biết từ ngày 1/10 đến nay, số công dân Bạc Liêu từ những địa phương trên trở về quê gần 11.000 người. Dự báo, trong đợt này sẽ có khoảng 30.000 công dân Bạc Liêu về từ các tỉnh, thành có dịch. 

An Giang cũng là một trong những địa phương có lượng lớn người lao động trở về  trong dịp này. Theo Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, đến 11 giờ ngày 5/10, tỉnh đã tiếp nhận gần 35.130 người từ ngoài tỉnh trở về.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã chỉ đạo thành lập Ban Tổ chức tiếp nhận công dân An Giang từ các tỉnh, thành phố tự phát trở về và kêu gọi sự hỗ trợ của xã hội, chung tay chăm lo cho người dân.

Theo báo cáo từ 7/11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh An Giang, trong số người đã tiếp nhận về các địa phương đã ghi nhận 80 trường hợp có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với SARS-CoV-2 và 50 trường hợp test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.

Cũng thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tính đến hết ngày 4/10, Tiền Giang đã tiếp nhận hơn 3.500 người dân của tỉnh từ Thành phố Hồ Chí Minh về địa phương. Qua phân loại, sàng lọc, xét nhiệm nhanh, lực lượng y tế các huyện, thành phố và thị xã trên địa bàn Tiền Giang đã phát hiện 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2./.

Về quê sau giãn cách: Bài 2 - Chính quyền nỗ lực, người dân đồng thuận

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục