Vì sao số sinh viên Lào sang học tại Trung Quốc tăng mạnh?

Năm 2018-2019, con số sinh viên Lào theo học tại Trung Quốc là 7.271 người, trong đó ở cấp đại học có hơn 3.000 người, thạc sỹ hơn 900 người, tiến sỹ trên 100 người.
Vì sao số sinh viên Lào sang học tại Trung Quốc tăng mạnh? ảnh 1Sinh viên Lào. (Nguồn: China Report ASEAN)

Một bài viết được Thông tấn xã Lào (KPL) đăng tải mới đây cho biết số lượng sinh viên Lào sang học tại Trung Quốc tăng đột biến, lên tới trên 7.000 người.

Theo bài viết, nguyên nhân khiến lượng sinh viên Lào sang học tại Trung Quốc tăng đột biến thời gian gần đây là do chất lượng-tiêu chuẩn giáo dục tại Trung Quốc cao hơn so với một số quốc gia đang phát triển và ngang bằng với một số quốc gia phát triển.

Đối với sinh viên Lào, lý do họ chọn học tại Trung Quốc là do sự tương đồng về hệ thống chính trị cũng như sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) hiện đang được triển khai chính là sức hút khiến lượng sinh viên chọn du học Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Họ cho rằng sau khi tốt nghiệp tại Trung Quốc, cơ hội thành công trong sự nghiệp sẽ nhiều hơn.

Theo bài viết trên, tháng Sáu vừa qua, Đoàn thanh niên Đại sứ quán Lào tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã tổ chức Đại hội lần thứ I với sự tham dự của 124 sinh viên Lào đang học tại Trung Quốc. Tại Đại hội này, Tham tán văn hóa-giáo dục Đại sứ quán Lào tại Trung Quốc Vongsine Xayavong cho biết hiện xu hướng sinh viên Lào chọn học tại Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Năm 2018-2019, con số sinh viên Lào theo học tại Trung Quốc là 7.271 người, trong đó ở cấp đại học có hơn 3.000 người, thạc sỹ hơn 900 người, tiến sỹ trên 100 người, còn lại là các lĩnh vực khác.

Theo khuôn khổ hợp tác song phương Lào-Trung trong lĩnh vực giáo dục, mỗi năm Trung Quốc sẽ dành cho Lào 350 suất học bổng, ngoài ra còn học bổng cao học, tập huấn chuyên ngành ngắn hạn-dài hạn và trao đổi chuyến thăm.

Đặc biệt, Chính phủ Trung Quốc còn hỗ trợ cho Lào trên 20 học bổng ngành phát triển đường sắt vì đây là một lĩnh vực quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, đồng thời đáp ứng nhu cầu hai nước Lào-Trung trong việc triển khai Sáng kiến BRI.

Bài viết còn dẫn trả lời phỏng vấn phóng viên KPL của một số sinh viên Lào đang theo học đại học tại Trung Quốc. Theo đó, các sinh viên đều ca ngợi sự phát triển của Trung Quốc, khen ngợi con người và bày tỏ mong muốn sẽ học tập kinh nghiệm của người dân Trung Quốc để về phát triển đất nước. Họ khẳng định quyết định sang theo học tại Trung Quốc là lựa chọn đúng đắn nhất trong cuộc đời và coi Trung Quốc là ngôi nhà thứ hai của mình.

[Trung Quốc trở thành nước đứng đầu châu Á về thu hút lưu học sinh]

Một số sinh viên còn khẳng định dự án đường sắt Lào-Trung giống như "dòng máu lớn" làm thay đổi tình hình ở Lào, đưa nước này từ một quốc gia không có đường biên giới biển trở thành quốc gia kết nối với khu vực và thế giới, đưa Lào trở thành "cửa ngõ" trung chuyển của 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với số dân trên 600 triệu người, đồng thời giúp cộng đồng ASEAN được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp trong dài hạn.

Sau khi tuyến đường sắt Lào-Trung được hoàn thành, vận tải, hàng hóa, du lịch, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác giữa hai nước sẽ không ngừng phát triển.

Theo dự đoán của một số cán bộ cấp cao của Lào, lượng sinh viên Lào sang Trung Quốc học tập, nghiên cứu sẽ còn gia tăng vì sau khi tốt nghiệp trở về, họ không cần làm việc cho nhà nước, cơ hội được làm việc với người Trung Quốc rất nhiều mà tiền lương thậm chí còn cao hơn làm trong nhà nước.

Dư luận tại Lào cũng có cùng quan điểm này. Họ cho rằng với thực trạng kinh tế Lào như hiện nay, nếu làm việc với nhà nước thì rất khó đảm bảo cuộc sống gia đình, trong khi chính phủ ngày càng có nhiều chính sách thắt chặt để hạn chế tiêu cực. Họ sẽ chịu nhiều áp lực nếu làm việc trong nhà nước khi mức lương không đủ trang trải cuộc sống, thậm chí trong một vài lĩnh vực còn bị chậm lương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục