Việt Nam là “ngôi sao đang lên” để trở thành thị trường mới nổi

Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thăng hạng từ vị thế thị trường cận biên hiện nay thành thị trường mới nổi theo chỉ số MSCI.
Việt Nam là “ngôi sao đang lên” để trở thành thị trường mới nổi ảnh 1Việt Nam, với chính sách phòng chống dịch bệnh hiệu quả và nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất, mở cửa kinh tế, được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. (Nguồn: Vietnam+)

Trang portfolio-adviser.com (Anh) ngày 21/6 có bài viết nhan đề "Việt Nam - ngôi sao đang lên trong số các thị trường mới nổi," trong đó nhận định là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, Việt Nam có thể sẽ được thăng hạng từ thị trường cận biên.

Việt Nam có nguồn nhân lực đang phát triển mạnh, với hơn 70% dân số ở độ tuổi dưới 35 tuổi, và lợi thế về chi phí lao động cạnh tranh so với nhiều quốc gia khác

Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức cao trong nhiều năm liên tục. Kết quả này là nhờ sự kết hợp rất hấp dẫn giữa ổn định chính trị với việc định hướng phát triển thị trường lành mạnh của Chính phủ, vốn đã thành công trong việc giảm tỷ lệ nghèo từ 17% xuống dưới 5% trong thập kỷ qua.

[Kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 4,2% trong năm 2023]

Có lẽ động lực tăng trưởng nổi bật nhất đối với Việt Nam là bước chuyển mình trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), được hưởng lợi nhờ chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm chi phí và giảm rủi ro của các tập đoàn quốc tế

Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là sang Hoa Kỳ, đã tăng dầnliên tục trong những năm qua. Đại dịch COVID-19, với hàng loạt tác động trên bình diện toàn cầu, đã dẫn đến sự thay đổi trong chuỗi cung ứng và các công ty, tập đoàn đa quốc gia đều đang cân nhắc cách cơ cấu lại hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh đó, Việt Nam, với chính sách phòng chống dịch bệnh hiệu quả, việc mở cửa nền kinh tế và thu hút đầu tư ổn định và rộng mở, đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao.

Việt Nam là “ngôi sao đang lên” để trở thành thị trường mới nổi ảnh 2Việt Nam đang chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng, nhất là hàng điện tử. (Nguồn: Vietnam+)

Việt Nam tiếp tục ký hơn một chục hiệp định thương mại quan trọng trong thời gian phong tỏa vì đại dịch COVID-19 và những quan hệ đối tác này giúp các công ty tại Việt Nam kinh doanh dễ dàng hơn, qua đó định vị bản thân là một trung tâm sản xuất, dễ dàng tiếp cận các thị trường quốc tế và hưởng lợi thế nhờ 3.000km bờ biển và các kết nối gần gũi với Trung Quốc.

Không thể phủ nhận rằng dư địa tăng trưởng còn lớn cùng với các mục tiêu đầy tham vọng nhưng Việt Nam hiện đang chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn, chú trọng sản xuất hàng điện tử nhiều hơn so với hàng dệt may. Tỷ trọng hàng điện tử liên tục tăng trong những năm qua, chiếm hơn 40% hàng hóa xuất khẩu so với mức chưa đầy 15% trong năm 2010.

Một minh chứng khác là tháng 8 vừa qua Apple đã thông báo họ sẽ bắt đầu sản xuất MacBook và đồng hồ Apple thông qua các nhà cung cấp của họ ở Việt Nam, ngoài một số sản phẩm iPad mà hãng này đã chuyển sang sản xuất tại đất nước này trong thời kỳ đại dịch. Kế hoạch này cũng sẽ thúc đẩy việc xây dựng các nhà máy lớn và cam kết đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.

Một trong những nguồn vốn FDI quan trọng nhất của Việt Nam đến từ tập đoàn Samsung Electronics (Hàn Quốc). Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc sử dụng hàng chục nghìn công nhân tại Việt Nam và là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với 50% thiết bị cầm tay được sản xuất tại đây.

Việt Nam được kỳ vọng sẽ thăng hạng từ vị thế thị trường cận biên hiện nay thành thị trường mới nổi theo chỉ số MSCI. Thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung hiện đáp ứng các yêu cầu về quy mô và thanh khoản, với tỷ lệ tham gia của các nhà bán lẻ tăng gấp 4 lần trong 2-3 năm qua nhờ công nghệ tài khoản kỹ thuật số.

Sự đảo ngược quá trình phi toàn cầu hóa là một trong những vấn đề lớn nhất của thời đại hiện nay. Chiến tranh thương mại, thuế quan, đại dịch toàn cầu và thậm chí là cuộc chiến giữa hai nền dân chủ ở châu Âu có nghĩa là tất cả các công ty đều phải tập trung kiểm soát và duy trì khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.

Những biến động này, hơn bao giờ hết, sẽ tạo cơ hội cho các bên nếu đủ nhạy bén nắm bắt thế chủ động và hành động. Việt Nam chắc chắn ở vị trí tốt để trở thành một trong những nước hưởng lợi, trang portfolio-adviser.com nhận định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục