Việt Nam tăng hai bậc trong xếp hạng toàn cầu về phát triển con người

Theo UNDP, mặc dù có những khó khăn do đại dịch nhưng Chỉ số phát triển con người của Việt Nam năm 2021 về cơ bản không thay đổi so với năm 2019, đưa Việt Nam tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Việt Nam tăng hai bậc trong xếp hạng toàn cầu về phát triển con người ảnh 1Theo phân tích của Báo cáo của UNDP, Việt Nam thuộc nhóm phát triển con người cao. (Ảnh minh họa: An Hiếu/TTXVN)

Ngày 9/9 tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo Phát triển con người (HDR) toàn cầu 2021/2022 với chủ đề "Thời đại bất định, cuộc sống bất an: Xây dựng tương lai trong một thế giới đang chuyển đổi."

Theo đánh giá của báo cáo, Việt Nam đã cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế trong những năm khó khăn nhất của đại dịch COVID-19. Mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình chậm lại, các nhóm và cá nhân dễ bị tổn thương đã trải qua những giai đoạn rất khó khăn, nhưng Việt Nam đã tránh được sự đảo ngược trong tiến độ phát triển con người. Giá trị Chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,703 vào năm 2021, về cơ bản chỉ số này không thay đổi so với năm 2019 (0,704). Việt Nam đã tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu từ 117/189 quốc gia vào năm 2019 lên 115/191 quốc gia vào năm 2021.

Theo phân tích của Báo cáo của UNDP, Việt Nam thuộc nhóm phát triển con người cao từ năm 2019. HDI dựa trên tổng thu nhập quốc dân trên đầu người, tuổi thọ trung bình và số năm đi học trung bình, đưa ra một thước đo tổng quát về sự phát triển của con người.

Việt Nam đã đạt được tiến bộ ổn định trong cả ba khía cạnh của HDI kể từ những năm 1990. Tốc độ gia tăng HDI chậm lại trong thập kỷ qua, chủ yếu là do Việt Nam đã là nước giàu hơn với mức tuổi thọ và trình độ học vấn tương đối cao so với mức thu nhập.

[Việt Nam đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các nhóm người dễ bị tổn thương]

Bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng Phát triển bao trùm của UNDP cho biết: “Chỉ số Bất bình đẳng giới (GII) của Việt Nam, đo lường sự sụt giảm phát triển con người do bất bình đẳng giữa nam và nữ, tiếp tục được cải thiện vào năm 2021. Đối với chỉ số GII xem xét sức khỏe sinh sản, trao quyền và sự tham gia vào lực lượng lao động, GII của Việt Nam là 0,296, xếp hạng 71 trong số 170 quốc gia. Việt Nam thực hiện tốt các khía cạnh về giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tăng tỷ lệ đi học của trẻ em gái, phụ nữ tham gia lực lượng lao động, nhưng tỷ lệ đại diện của phụ nữ trong Quốc hội vẫn còn thấp.”

Giáo sư Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP nhận định: “Việt Nam có đủ khả năng để khôi phục đà phát triển đã bị mất đi do COVID-19 và quản lý những bất ổn liên quan đến các cuộc khủng hoảng phân tầng được mô tả trong HDR.”

Ông Jonathan Pincus cho rằng: “Việc triển khai nhanh chóng và phổ cập vaccine đã giúp đưa cuộc sống trở lại bình thường, giảm áp lực cho các bệnh viện, trạm y tế và trường học. Chính sách linh hoạt và thích ứng của Chính phủ đã giúp các ngành như du lịch và vận tải có thể phục hồi ấn tượng vào năm 2022.”

Việt Nam tăng hai bậc trong xếp hạng toàn cầu về phát triển con người ảnh 2Đánh giá về tiến bộ trong phát triển con người tại Việt Nam.

UNDP cũng khuyến nghị Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian tới. Trong đó, biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất, làm người dân phải thay đổi chỗ ở và sinh kế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức độ phát triển con người ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào xu hướng tăng trưởng ở phần còn lại của thế giới. Khủng hoảng ở châu Âu, giá cả tăng cao và sự gián đoạn đối với các mô hình thương mại toàn cầu là những nguyên nhân quan trọng gây ra sự không chắc chắn. UNDP khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục-đào tạo và nghiên cứu để nâng cao khả năng chống chịu của quốc gia, năng lực điều chỉnh nhanh chóng và linh hoạt trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi.

UNDP nhấn mạnh hệ thống bảo trợ xã hội của Việt Nam cần được hiện đại hóa để giúp mọi người dân có thể ứng phó được với rủi ro kinh tế và thiên tai, duy trì mức sống ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất. Kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 cho thấy có những điểm yếu trong hệ thống trợ giúp và bảo trợ xã hội. Việc số hóa đăng ký và cung cấp trợ giúp xã hội, dựa trên căn cước công dân thay vì nơi cư trú tại địa phương sẽ giúp hệ thống phản ứng công bằng và nhanh chóng hơn trong những thời điểm rủi ro gia tăng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục