Việt Nam thúc đẩy đối thoại doanh nghiệp ASEAN-Nga tại EEF 2024

Liên bang Nga coi trọng hợp tác với ASEAN, tính đến tiềm năng phát triển nhanh chóng và đa dạng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phiên đối thoại doanh nghiệp Nga-ASEAN tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ IX. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)
Phiên đối thoại doanh nghiệp Nga-ASEAN tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ IX. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Vladivostok, sáng 4/9, tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 9 (EEF 2024) đã diễn ra phiên đối thoại doanh nghiệp giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên bang Nga.

Mở đầu sự kiện, quyền Giám đốc Điều hành Hội đồng kinh doanh Nga-ASEAN Daniyar Akkaziev khẳng định Liên bang Nga coi trọng hợp tác với ASEAN, tính đến tiềm năng phát triển nhanh chóng và đa dạng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Các kế hoạch phát triển hơn nữa vùng Viễn Đông và Bắc Cực của Liên bang Nga cũng phụ thuộc vào việc triển khai hiệu quả tiềm năng hợp tác với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời Liên bang Nga cũng đang thực thi chiến lược hướng Đông.

Theo ông Akkaziev, năm 2016, Liên bang Nga và ASEAN đã ký hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược và năm 2004, Nga đã tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á. Đây là những điều kiện tiên quyết quan trọng để Nga tăng cường hơn nữa đối thoại với các nước thành viên ASEAN.

Ông Sergei Katyrin, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên bang Nga, cho biết kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Liên bang Nga đang tăng lên, tuy nhiên nếu so với kim ngạch hai chiều giữa Trung Quốc và Liên bang Nga thì con số vẫn còn rất khiêm tốn.

Ông Katyrin kỳ vọng lớn vào việc tăng cường quan hệ Nga-ASEAN kể cả về thương mại trong bối cảnh của kỷ nguyên công nghệ số. Ông cũng nêu khó khăn trong việc thanh toán do Liên bang Nga phải chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt.

Về phần mình, bà Thet Thet Khine, Bộ trưởng Khách sạn và Du lịch Myanmar cho rằng để thúc đẩy quan hệ, ASEAN và Nga cần hài hòa các hệ thống của nhau, cũng như đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, thúc đẩy trao đổi về công nghệ thông tin, về văn hóa để có thể hiểu nhau hơn.

Ông German Maslov, Phó Chủ tịch phụ trách bộ phận vận tải và hậu cần của tập đoàn vận tải đường biển FESCO, cho biết 2 năm trước họ đã khai trương tuyến vận tải đường biển giữa Việt Nam với Vladivostok, và xem Việt Nam như một trung tâm trung chuyển của ASEAN.

Hiện tuyến vận tải biển này có nhu cầu ngày càng lớn. Nếu trước đây tuyến chỉ sử dụng 1 tàu thì nay đã có 3 tàu vận chuyển với khối lượng hàng hóa ngày càng tăng lên.

ttxvn_0409_nga asean (2).jpg
Tập đoàn xây dựng Hòa Bình ký Bản ghi nhớ với Tập đoàn Segezha của Nga. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

Trong phát biểu của mình, ông Lê Viết Hải, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, cho rằng thúc đẩy và duy trì hòa bình là giải pháp để phát triển cũng như hợp tác bền vững.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, ông Lê Viết Hải cho biết qua đàm phán, trao đổi với các đối tác, hiện thị trường Nga đang có nhu cầu lớn về thi công xây dựng, nhân lực xây dựng cũng như vật liệu xây dựng và tập đoàn ông đang hướng tới hợp tác với các đối tác Nga trong các lĩnh vực này.

Trong ngày 4/9, ông Lê Viết Hải đã tiếp xúc và đàm phán với nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương của Liên bang Nga đồng thời đại diện cho Tập đoàn xây dựng Hòa Bình ký Bản ghi nhớ (MOU) với Tổng công ty phát triển Viễn Đông và Bắc cực, Tập đoàn Segezha và Quỹ Roscongress./.

ttxvn_0409_nga asean (3).jpg
Tập đoàn xây dựng Hòa Bình trao đổi với Tập đoàn Avtodor của Nga. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục