Những người lao động vui mừng khi về nước an toàn. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)
Chiều ngày 17/11, nhóm 13 lao động đầu tiên trong số lao động do Công ty cổ phần Simco Sông Đà phái cử sang Algeria làm việc bị nhà thầu Trung Quốc hành hung, bỏ đói đã rời Algeria đã về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Nhóm 13 lao động này về nước theo hành trình Algeria-Dubai-Bangkok-Hanoi, khởi hành từ Alger ngày 15/11 và dự kiến sẽ về đến sân bay Nội Bài ngày 16/11 nhưng do nhỡ chuyến bay tại Dubai và Bangkok nên nhóm lao động này về nước chậm một ngày.
Sẽ có 2 nhóm gồm 36 lao động dự kiến tiếp tục về nước trong các ngày 18/11 và 20/11.
Những lao động về nước đầu tiên mừng rỡ khi về tới sân bay Nội Bài sau một chặng đường dài vất vả, bị lỡ máy bay, bị đói do không còn tiền ăn.
Anh Nguyễn Khắc Đức (quê xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho biết công ty chỉ mua vé máy bay chứ không hỗ trợ tiền ăn và chưa thanh toán tiền còn thiếu cho lao động nên lao động không có tiền ăn trên đường về. Số tiền ăn còn thiếu nhóm lao động này phải nhờ lao động ở lại lấy giúp.
Bỏ ra gần 50 triệu đồng đi làm việc ở Algeria với mong muốn kiếm tiền gửi về cho gia đình, nhưng anh Nguyễn Ngọc Trì (quê xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội) đi làm gần 4 tháng anh mới gửi về nhà được 4,5 triệu đồng. Công việc vất vả lại thêm lương thấp, ăn uống sinh hoạt thiếu thốn nên anh Trì quyết định về nước.
Để đưa 49 lao động trên về nước theo nguyện vọng, Công ty Simco Sông Đà phải chuyển tiền bồi thường với mức phí là 1.700 USD/người cho phía đối tác Trung Quốc, với số tiền tổng cộng lên tới hơn 80.000 USD.
Đây là số tiền mà chủ sử dụng lao động Trung Quốc bắt mỗi lao động Việt Nam phải bồi thường số tiền trên do chấm dứt hợp đồng trước hạn. Công ty Simco Sông Đà sẽ ứng trước khoản tiền này để trả cho người lao động, cộng với chi phí mua vé máy bay khoảng từ 600-650 USD/người cho những lao động có nguyện vọng về nước.
Anh Trần Xuân Thắng (quê huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vui mừng khi trở về an toàn. Khi hỏi đến việc có lo lắng vì bỏ hợp đồng bị bồi thường một khoản tiền lớn, anh Thắng cho biết chưa thể lo nghĩ đến việc thanh toán hợp đồng với công ty mà về đến Việt Nam an toàn đã mừng lắm rồi.
“Số tiền hơn 47 triệu đồng chi phí để đi Algeria làm việc là tiền đi vay mượn nên giờ nếu phải bồi thường hợp đồng tôi không biết lấy tiền ở đâu,” anh Trần Xuân Thắng nói.
Theo các lao động phản ánh, hợp đồng lao động mà họ đã ký là làm theo công nhật được trả lương tháng nhưng khi sang đến bên này thì lại bị phía chủ Trung Quốc ép chuyển sang làm khoán. Địa điểm làm việc cũng không giống trong hợp đồng ký tại Việt Nam. Về phía Công ty Simco Sông Đà, công ty đã hẹn lao động đến giải quyết thanh lý hợp đồng vào ngày 16/12.