"Vượt hai tồn tại tiến tới FTA EU-Việt Nam vào 2014"

Cao ủy Thương mại EU đã khẳng định EU sẽ tiến hành đàm phán FTA nhanh chóng để hai bên có thể kết thúc đàm phán vào năm 2014.
Vòng đàm phán thứ 3 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) EU-Việt Nam sẽ bắt đầu vào ngày 22/4 tới tại Hà Nội với kỳ vọng giải quyết những vướng mắc để có thể kết thúc sớm các vòng đàm phán, tiến tới ký kết FTA.

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 19, Cao ủy Thương mại của Ủy ban châu Âu, ông Karel DeGucht đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN xung quanh vấn đề này.

- Kết thúc hai vòng đầu tiên của quá trình đàm phán FTA EU-Việt Nam tại Brussels, hai bên đã đạt được sự thống nhất quan trọng gì và EU sẽ quan tâm tới các vấn đề nào trong vòng đàm phán thứ 3 tới đây tại Hà Nội, thưa Cao ủy?


Ông Karel DeGucht: Trong hai vòng đàm phán đầu tiên của FTA EU-Việt Nam, hai bên chủ yếu tập trung vào các vấn đề liên quan đến luật lệ, tức là cách thức tiếp cận chung mà hai bên cùng quan tâm; trong đó có vấn đề mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước, mở cửa thị trường nói chung. Hai bên đã có những dịch chuyển quan trọng trong việc trao đổi thông tin và đàm phán về hàng hóa và dịch vụ. Đây là những vấn đề thông thường mà chúng tôi vẫn quan tâm trong đàm phán FTA. Theo đó, kết quả lớn nhất đạt được sau hai vòng đàm phán đầu tiên là hai bên đã xác định được các thách thức chủ yếu với Việt Nam và EU.

Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vào ngày 7/3 vừa qua, tôi đã khẳng định EU sẽ tiến hành đàm phán FTA nhanh chóng để hai bên có thể kết thúc đàm phán vào năm 2014. Theo đó, hai bên cũng đã có những bàn thảo cụ thể về những kết quả cụ thể hai bên đã đạt được trên lộ trình đàm phán. Hai bên cũng đưa ra được danh sách về các vấn đề cần phải “chốt” vào cuối năm nay. Điều này thể hiện mong muốn của hai bên trong việc tiến tới ký kết một hiệp định đầy tham vọng vào năm tới.

Trong vòng đàm phán thứ ba dự kiến vào ngày 22/4 tới đây, các vấn đề cụ thể mà hai bên sẽ trao đổi, đàm phán là các vấn đề liên quan đến hàng hóa dịch vụ và mua sắm công.

- Để có thể kết thúc các vòng đàm phán FTA EU-Việt Nam vào năm 2014, theo ngài, hai bên sẽ còn phải vượt qua những vấn đề còn tồn tại nào?

Ông Karel DeGucht: Việt Nam là đối tác thương mại lâu đời, quan trọng của EU. Ngược lại, EU cũng là đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam trong năm 2012. Tôi nghĩ quan hệ Việt Nam-EU đang ở một giai đoạn phát triển đúng đắn. Vấn đề tiếp theo là hai bên cần quyết định sớm mối quan hệ kinh tế thương mại đang phát triển này phải đặt trong một khuôn khổ pháp lý ổn định và bền vững - đó là một khu vực tự do thương mại đầy đủ để mối quan hệ này được phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Tuy nhiên, để tiến tới kết thúc thành công vòng đàm phán FTA vào năm 2014, hai bên sẽ còn phải vượt qua được “hòn đá tảng” trong đàm phán để đạt được thành công. Đó là vấn đề liên quan đến quan điểm, vị thế của các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, cũng như là quan điểm của Chính phủ Việt Nam đối với mua sắm công. Đây là hai vấn đề đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao từ phía Việt Nam khi tiến hành đàm phán.

Việt Nam đã tiến hành các chính sách đổi mới kinh tế được 27 năm và EU đang trông đợi các bước đột phá mới của Việt Nam để mở cửa hơn nữa nền kinh tế. Theo đó, Nhà nước cần giảm dần sự can thiệp vào hoạt động của các doanh nghiệp nhằm tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và các loại hình doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, việc giảm dần sự can thiệp này cũng chỉ mang tính tương đối vì trên thực tế bắt buộc phải tồn tại một số độc quyền nhất định.

Theo tôi, nhiều doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đang là gánh nặng của nền kinh tế cần phải tiến hành tái cơ cấu. Đây là trách nhiệm của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam. Kết quả của quá trình tái cơ cấu này sẽ giúp Việt Nam trở thành một nền kinh tế mở thực sự. Và EU quan tâm đến vấn đề này.

- ASEAN và các đối tác sẽ khởi động đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2013 và kỳ vọng kết thúc các vòng đàm phán trước năm 2016. ASEAN cũng đang tiến hành đàm phán Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo ngài, RCEP hay TPP sẽ tác động như thế nào trong quan hệ thương mại của EU với khu vực ASEAN?

Ông Karel DeGucht:
Theo tôi, RCEP là một liên minh kinh tế rất chặt chẽ trong khu vực ASEAN. EU luôn ủng hộ một liên minh kinh tế như vậy bởi nếu các nước ASEAN là một thị trường thống nhất thì sẽ rất hữu ích. Tuy nhiên, để đạt mục đích này, các nước ASEAN phải xóa bỏ các dòng thuế quan nội khối và đạt được sự thống nhất ở một số vấn đề khác. Chắc chắn đây không phải là một tiến trình dễ dàng. Vì vậy, các nước ASEAN đã phải lùi lại thời hạn đạt được mục đích này vào năm 2012 sang trước năm 2016. EU rất hy vọng các nước thành viên ASEAN thiết lập được khu vực kinh tế nội khối này càng sớm càng tốt. EU sẵn sàng tạo thuận lợi hóa, thúc đẩy quá trình này bởi EU cũng nhìn thấy những lợi ích ở trong đó.

Hiện nay, EU đang tiến hành đàm phán FTA với Việt Nam và một số đối tác trong ASEAN. Khởi điểm chúng ta đã có đề xuất về cách tiếp cận giữa khu vực với khu vực của ASEAN với EU. Trong cuộc gặp của EU với lãnh đạo các nước ASEAN tại Campuchia vào năm 2012, EU đã đưa ra luận điểm rõ ràng: Nếu hai bên có thể cùng thỏa thuận khu vực hóa các Hiệp định tự do mậu dịch thì sẽ là ý tưởng tốt. Tuy nhiên thỏa thuận này phải liên quan đến các vấn đề của ASEAN và phải đạt được một mốc cụ thể là khoảng năm 2015-2016, khi ASEAN hoàn tất xong việc thiết lập một Hiệp định nội khối của ASEAN.

Với TPP, hiện hầu hết các nước thành viên trong ASEAN, ngoại trừ Mianma đều là đối tác của Hiệp định này. TPP cũng liên quan tới một số đối tác ngoài ASEAN. TPP với ASEAN hay TPP với khu vực tự do EU là hai cách tiếp cận khác nhau. EU không có lý do gì chống lại việc đàm phán TPP bởi đích hướng tới cũng là mở cửa thị trường.

Tất cả các hiệp định thương mại tự do đều có thể cùng tồn tại nhưng đó chỉ là cách tiếp cận của khu vực với khu vực. Cách tiếp cận này không phải là dễ dàng bởi vì để đảm bảo ASEAN có thể tiếp cận theo hình thức khu vực sẽ phải đảm bảo trình độ phát triển của các nước là tương đồng nhau. Tuy nhiên, thực tế trong ASEAN lại có những nền kinh tế mới nổi song song với các nền kinh tế đã vươn lên một trình độ phát triển nhất định. Vì vậy, để đạt được một Hiệp định chung cho cả nhóm này không phải là dễ. Tôi không coi TPP là đối thủ cạnh tranh.

Theo tôi, TPP có thể mang lại những bổ sung quan trọng cho các khu vực tự do mậu dịch khác. EU và Hoa Kỳ cũng sẽ sớm đàm phán Hiệp định tự do mậu dịch với nhau.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Kim Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục