Xây dựng chính quyền đô thị: Bảo đảm sự phát triển bền vững

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thẩm định Bộ Nội vụ cho rằng Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự chuẩn bị kỹ càng để áp dụng ngay mô hình chính quyền đô thị.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TP. Hồ Chí Minh). (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TP. Hồ Chí Minh). (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Khác với hai địa phương là Hà Nội và Đà Nẵng đã được Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thực hiện ngay việc tổ chức chính quyền đô thị, áp dụng trực tiếp, lâu dài, bỏ qua giai đoạn thí điểm.

Việc xây dựng Đề án và dự thảo Nghị quyết được thực hiện khá gấp gáp khi tới tận Phiên họp thứ 49, ngày 12/10 mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến để kịp bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 10 của Quốc hội.

Chiều 26/10, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Khắc phục tình trạng cấp trung gian triển khai và hướng dẫn lại

Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Nội vụ tổ chức cuối tháng 9/2020, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, đây là thời điểm chín muồi để Thành phố đề xuất Đề án và dự thảo Nghị quyết Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố.

Nghị quyết khi được Quốc hội ban hành sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công, phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt và lớn nhất của cả nước hiện nay.

Bày tỏ hy vọng Nghị quyết này sẽ được Quốc hội sớm thông qua để Thành phố có điều kiện chuẩn bị tốt nhất cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2016, ông Nguyễn Thành Phong cho hay, nếu không kịp tiến độ, Thành phố phải chờ thêm 5 năm nữa mới có thể đề xuất triển khai thực hiện mô hình này.

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực, có sức thu hút, lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực và cả nước.

Trong quá trình phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn gặp những trở ngại, bất cập, chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt về kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng, dân cư, địa giới hành chính...

Thống kê năm 2019, Thành phố có trên 9 triệu dân, với quy mô dân số, kinh tế và cường độ hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước, yêu cầu đặt ra là các quyết định quản lý hành chính của chính quyền Thành phố phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, đến người dân, doanh nghiệp nhanh và kịp thời, đồng bộ, khắc phục tình trạng cấp trung gian triển khai và hướng dẫn lại.

Yêu cầu quản lý kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, dân cư phát triển nhanh đòi hỏi cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hiện đại, có năng lực lập quy hoạch, kế hoạch, sử dụng hiệu quả các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ.

Từ năm 2009 đến năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân ở tất cả các huyện, quận, phường theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường.

Đánh giá tổng kết hơn 6 năm thực hiện thí điểm tại Thành phố cho thấy nhiều kết quả tích cực như thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian nhằm giúp việc triển khai các quyết định hành chính ở đô thị được nhanh hơn, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp, tiết kiệm ngân sách, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở; hoạt động giám sát tiếp tục được phát huy thông qua các đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.

Xây dựng chính quyền đô thị: Bảo đảm sự phát triển bền vững ảnh 1Thành phố Hồ Chí Minh về đêm. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Vì vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới; phát huy những kinh nghiệm và kết quả đạt được trong thời gian thực hiện thí điểm trước đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để triển khai thực hiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị tại Thành phố.

[Nâng cao tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị [TP.HCM]

Đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng trên cơ sở pháp lý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; cơ sở thực tiễn của Thành phố đã thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường giai đoạn 2009-2016.

Phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân, Đề án hướng đến tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền Thành phố; huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững của Thành phố; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Chính quyền địa phương ở Thành phố gồm có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Thành phố. Chính quyền địa phương ở quận là Ủy ban Nhân dân quận và ở phường là Ủy ban Nhân dân phường.

Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của Thành phố được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thời gian thực hiện từ ngày 1/7/2021.

Để đảm bảo tính liên tục và không tạo khoảng trống trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của chính quyền địa phương ở quận và phường tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo Nghị quyết đã quy định một số nội dung chuyển tiếp.

Theo đó, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân quận, phường nhiệm kỳ 2016-2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30/6/2021; kể từ ngày 01/7/2021, trường hợp chưa bổ nhiệm được Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, phường, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, phường nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi được bổ nhiệm mới.

Nhìn nhận về Đề án và dự thảo Nghị quyết này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thẩm định Bộ Nội vụ cho rằng Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự chuẩn bị kỹ càng.

Bộ Nội vụ và các cơ quan của Chính phủ đã hỗ trợ, rà soát kỹ, đồng thuận cao, khi trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận được nhiều sự ủng hộ. Ngay tại cuộc họp Hội đồng thẩm định, 13/13 phiếu phát ra đều đồng ý với tên gọi và nội dung của Đề án.

Vấn đề còn lại là “thí điểm” hay Quốc hội cho áp dụng trực tiếp, lâu dài như đề nghị của Thành phố. Các ý kiến trong Hội đồng thẩm định Bộ Nội vụ đa phần thống nhất cao với Đề án, cho rằng không cần thực hiện thí điểm mà tiến hành luôn việc tổ chức chính quyền đô thị.

“Thành phố Hồ Chí Minh kiên trì đề nghị không thí điểm. Chính phủ cũng ủng hộ. Cá nhân tôi cũng thấy nên như vậy. Luật Chính quyền địa phương đã được sửa đổi, trao quyền cho Quốc hội quyết định. Mà đã chín muồi như thế, vậy sao còn phải dè dặt thí điểm,” Thứ trưởng Bộ Nội vụ lý giải, khi đưa ra dẫn chứng về những kết quả đạt được của Thành phố Hồ Chí Minh sau 7 năm thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường và Luật Chính quyền địa phương đã được sửa đổi vào năm 2019.

Ông cho rằng, với một địa phương năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong đổi mới, với sự quyết tâm của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, cả hệ thống chính trị đồng thuận, cùng sự ủng hộ của Chính phủ, việc không thực hiện thí điểm mà áp dụng ngay mô hình chính quyền đô thị sẽ đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính chủ động sáng tạo của chính quyền thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục