Xóa bỏ bất bình đẳng, định kiến về giới vì hạnh phúc mỗi gia đình

Việc lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới đã dẫn tới việc ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 45.900 bé gái không được sinh ra chỉ vì các em là con gái.
Xóa bỏ bất bình đẳng, định kiến về giới vì hạnh phúc mỗi gia đình ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, tạo môi trường lành mạnh và tiền đề quan trọng để trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tốt, phụ nữ có thời gian chăm sóc bản thân, nhiều cơ hội để phát huy năng lực, cống hiến cho sự nghiệp, thể hiện vai trò, tiếng nói trong nhiều lĩnh vực…, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của mỗi gia đình.

Cần xóa bỏ bất bình đẳng giới trong gia đình

Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới nhưng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong mỗi gia đình - "tế bào của xã hội" vẫn tồn tại những định kiến giới với phụ nữ và trẻ em gái, gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh do lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới.

Việc lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới là một thực hành có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái. Điều này dẫn tới việc Việt Nam mỗi năm có khoảng 45.900 bé gái không được sinh ra chỉ vì các em là con gái (theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019).

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cừ Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Dân số-Gia đình-Trẻ em cho rằng có 3 nguyên nhân dẫn tới việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới hiện nay, trong đó, nguyên sâu xa do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo với quan niệm có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ.

Tư tưởng Nho giáo đã đi sâu vào suy nghĩ của nhiều thế hệ, gia đình, cá nhân ở Việt Nam, tạo thành áp lực cho nhiều gia đình, dòng họ… trong việc phải có con trai.

[Đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em, góp phần vun đắp giá trị gia đình]

Nguyên nhân cơ bản là do trình độ phát triển kinh tế-xã hội của nước ta chưa cao; nhu cầu phát triển ở một số vùng đòi hỏi nhiều lao động nam; chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo, chỉ có khoảng 20% người cao tuổi có lương hưu nên cần sự chăm sóc của con cái. Theo quan niệm truyền thống, vấn đề này do người con trai trong gia đình gánh vác.

Nguyên nhân trực tiếp do lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh, trong lúc thụ thai hoặc khi đã có thai.

Theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), tư tưởng "trọng nam khinh nữ," bắt buộc phải sinh được con trai để nối dõi tông đường vẫn còn khá nặng nề trong nhiều gia đình tại Việt Nam.

Khi người vợ bị ép buộc phải sinh con trai hoặc con gái theo ý muốn của chồng và gia đình chồng sẽ tạo nên rất nhiều mối bất hòa, tạo cay đắng, đau khổ cho người phụ nữ… Hiện có rất nhiều phụ nữ trẻ không cam chịu, không chấp nhận câu chuyện đấy nên dẫn đến những xung đột trong gia đình, thậm chí là ly dị.

Tư tưởng "trọng nam khinh nữ" cũng được thể hiện trong rất nhiều gia đình thông qua tình trạng các công việc nội trợ, chăm sóc con cái, người ốm trong gia đình… được coi là trách nhiệm của người phụ nữ.

Đặc biệt, nhiều phụ nữ cũng "tặc lưỡi" cho qua coi như đó là bổn phận, là trách nhiệm của bản thân. Trong khi đó, Luật Bình đẳng giới có định nghĩa, bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau; được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, gia đình; thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

Điều đó cho thấy Luật Bình đẳng giới dù đã được thực thi trong đời sống một thời gian nhưng nhiều phụ nữ vẫn không ý thực được quyền của mình.

Chính định kiến giới tồn tại trong một bộ phận gia đình Việt là nguyên nhân cản trở cơ hội học tập của trẻ em gái; hạn chế khả năng cống hiến và hưởng thụ cuộc sống của phụ nữ, từ đó gây ảnh hưởng tới tốc độ phát triển của đất nước.

Không chỉ dừng lại ở đó, tình trạng dư thừa nam giới do định kiến giới gây ra sẽ dẫn đến hiện tượng mà các nhà nhân khẩu học gọi là sức ép hôn nhân- tức nam giới ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời và kết hôn.

Điều này làm mất cân bằng cấu trúc dân số, dẫn đến rất nhiều hệ lụy như cưỡng ép kết hôn, tảo hôn, buôn bán người, lao động tình dục, bạo lực giới trong gia đình... Do đó, định kiến giới hay bất bình đẳng giới cần được xóa bỏ.

Đồng bộ giải pháp và phối hợp liên ngành

Gia đình là "tế bào" quan trọng của xã hội. Vì thế khi bình đẳng giới được thực hiện tốt trong mỗi gia đình sẽ tạo nên cơ sở quan trọng để thực hiện bình đẳng giới ngoài xã hội.

Xóa bỏ bất bình đẳng, định kiến về giới vì hạnh phúc mỗi gia đình ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế ) Phạm Vũ Hoàng cho hay Việt Nam đã có những khung pháp lý, chính sách, chương trình về thúc đẩy bình đẳng giới và đề án quốc gia về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại và thách thức trong việc thực thi chính sách như chưa tập trung vào yếu tố văn hóa xã hội. Vì vậy, tăng cường cơ chế điều phối liên ngành giữa các bộ, ngành và sự tham gia của tất cả các bên có liên quan là hết sức cần thiết.

Các chương trình truyền thông cần tập trung hơn nữa vào vấn đề xã hội và định kiến giới về vấn đề tâm lý ưa thích con trai hơn con gái dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới.

Đối tượng truyền thông cần tập trung nhiều hơn vào nam giới, đặc biệt là nhóm thanh niên thông qua các kênh truyền thông sáng tạo và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, truyền thông kỹ thuật số, các nền tảng xã hội cùng với các chương trình truyền thông truyền thống, ông Phạm Vũ Hoàng chia sẻ.

Trong xã hội hiện đại tại Việt Nam, ngày càng nhiều nam giới được tham gia các hoạt động xây dựng nếp sống mới trong gia đình. Họ trở thành hình mẫu nam giới tích cực về bình đẳng giới, xây dựng mối quan hệ lành mạnh và bình đẳng trong gia đình, không sử dụng bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Dân số-Gia đình-Trẻ em cho rằng để chấm dứt bất bình đẳng giới trong gia đình cần nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền trên diện rộng với cả nam giới và nữ giới, trong đó, vai trò của nam giới là hết sức quan trọng.

Trong gia đình, cha mẹ, ông bà cần giáo dục cho các con về sự bình đẳng; đối xử bình đẳng giữa con trai và con gái về cơ hội học tập, dinh dưỡng, giáo dục, nghĩa vụ, trách nhiệm trong gia đình.

Người chồng cần chia sẻ với vợ công việc nội trợ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái… Ông bà cũng phải đối xử bình đẳng giữa các con, các cháu; không tạo sức ép để con phải sinh con trai.

Công tác giáo dục về giới cần được tăng cường đẩy mạnh trong nội dung đào tạo cho thanh thiếu niên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp các em có thêm hiểu biết, ý thức và nâng cao trách nhiệm về giới. Công tác tuyên truyền, giáo dục được thực hiện tốt sẽ giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử gia đình, từ đó dần xóa bỏ định kiến và khoảng cách giới.

Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục kiến thức về quyền của phụ nữ trong người dân rộng rãi hơn về việc phụ nữ có quyền thừa kế công bằng trong gia đình; tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội cho người cao tuổi nhằm giảm nhu cầu sinh con trai để trông cậy tuổi già.

Không còn nặng nề quan niệm phải sinh bằng được con trai, các cặp vợ chồng sẽ không còn nghĩ tới việc sinh con trai hay con gái nữa; những bé gái sẽ không còn bị tước đi quyền được chào đời mà được sinh ra, lớn lên trong sự tôn trọng và yêu thương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục