Y tế cơ sở trong tình hình mới: Cần bước phát triển thay đổi về chất

Bên cạnh những thành tựu được công nhận rộng rãi, trong tình hình mới hiện nay, mạng lưới y tế cơ sở còn tồn tại nhiều vấn đề cần được giải quyết.
Nhân viên y tế tại Trạm y tế xã Quảng Phương (Quảng Trạch, Quảng Bình) khám chữa bệnh cho người dân. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Nhân viên y tế tại Trạm y tế xã Quảng Phương (Quảng Trạch, Quảng Bình) khám chữa bệnh cho người dân. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Trong ngành y tế, mạng lưới y tế cơ sở có vai trò cực kỳ quan trọng, được ví như xương sống hay nền tảng của hệ thống y tế quốc gia. Những năm qua, y tế cơ sở đã khẳng định được trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Để hiểu rõ hơn về những bước “chuyển mình” của y tế cơ sở trong tình hình mới, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở (Bộ Y tế).

Chuyển từ đầu tư "rẻ tiền" sang tương xứng

- Hiện nay, Ban Bí thư đang giao Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế xây dựng, trình ban hành Chỉ thị mới về y tế cơ sở. Xin bà cho biết tiến độ triển khai việc xây dựng Chỉ thị này của bộ và trong Chỉ thị có những điểm gì đột phá so với trước đây để tạo đà cho y tế cơ sở phát triển?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Vừa qua, Ban Bí thư đã giao nhiệm vụ cho Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, phối hợp cùng với các Bộ Ngành và các địa phương tổng kết việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.

Đến nay, phần lớn các hoạt động chính trong kế hoạch tổng kết việc triển khai thực hiện Chỉ thị 06 đã được hoàn thành trong một thời gian rất ngắn, bao gồm việc xây dựng đề cương đánh giá; thu thập thông tin từ các bộ/ngành, các điạ phương và các cơ sở y tế; tổng quan các bài học kinh nghiệm quốc tế về chăm sóc sức khỏe ban đầu…

[Y tế cơ sở: Thành trì vững chắc để ''Dĩ bất biến, ứng vạn biến'']

Qua tổng kết đánh giá quá trình hơn 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 06, chúng ta nhận thấy rằng những yêu cầu đặt ra trong tình hình mới đòi hỏi y tế cơ sở phải có bước phát triển mới dựa trên sự thay đổi về chất.

Cụ thể, đối với công tác chăm sóc sức khỏe, y tế cơ sở cần được coi là ưu tiên hàng đầu. Đây vừa là ưu tiên dài hạn, vừa là ưu tiên bức thiết cần giải quyết ngay.

Về phương thức chăm sóc sức khỏe, Việt Nam cần chuyển từ trọng tâm giải quyết bệnh tật sang chăm sóc sức khỏe toàn diện, lồng ghép và liên tục suốt đời, chú trọng giải quyết các vấn đề nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Về tư duy đầu tư cho y tế cơ sở, cần chuyển từ quan niệm trước đây coi đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu không đòi hỏi nhiều kinh phí (đầu tư rẻ tiền) sang quan điểm coi đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu đòi hỏi kinh phí đầu tư tương xứng nhưng là phương thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất tới sức khỏe người dân.

Y tế cơ sở trong tình hình mới: Cần bước phát triển thay đổi về chất ảnh 1Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở (Bộ Y tế). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chúng ta cũng cần cách tiếp cận mang tính hệ thống, theo đó không chỉ chú trọng các yếu tố nội tại của mạng lưới y tế cơ sở mà cần chú ý sự cân bằng tổng thể của hệ thống y tế cũng như sự tương tác của hệ thống y tế với những ngành, lĩnh vực khác cũng như với cộng đồng.

Những chuyển đổi này sẽ dẫn tới hàng loạt thay đổi trong các khía cạnh cụ thể liên quan tới y tế cơ sở như quản trị, cung ứng dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực y tế, tài chính y tế, thông tin thống kê… để tạo xung lực cho sự phát triển y tế cơ sở trong thời gian tới.

Chiến lược huy động sự tham gia của y tế tư nhân

- Phó giáo sư có thể phân tích đâu là những giải pháp để y tế cơ sở phát huy vai trò là “người gác cổng” trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Như chúng ta đã biết, mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế cấp xã có 2 chức năng cơ bản, bao gồm cung ứng các dịch vụ y tế cơ bản cho người dân và điều tiết hệ thống, hay người ta thường dùng một thuật ngữ là “người gác cổng của hệ thống y tế.” Hạn chế hiện nay của chúng ta là chú trọng nhiều chức năng cung ứng dịch vụ y tế mà chưa quan tâm đúng mức chức năng điều tiết hệ thống.

Để y tế cơ sở phát huy vai trò là “người gác cổng của hệ thống y tế, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường năng lực tổng thể của mạng lưới y tế cơ sở đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác hiệu quả giữa mạng lưới y tế cơ sở với cộng đồng dân cư cũng như với các cơ sở y tế tuyến trên trong hệ thống chuyển tuyến.

- Có nhiều ý kiến cho rằng cần huy động sự tham gia của y tế tư nhân vào phát triển y tế cơ sở. Ý kiến của phó giáo sư về vấn đề này như thế nào?

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng: Hiện nay mạng lưới y tế cơ sở mới chỉ bao gồm thành tố công lập, mà chưa tích hợp các thành tố ngoài công lập (như y tế tư nhân, phi chính phủ, phi lợi nhuận…). Hạn chế này khiến chúng ta chưa tận dụng tối đa các nguồn lực có sẵn để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong khi y tế ngoài công lập đang phát triển với tốc độ tương đối nhanh. Số liệu thống kê năm 2020 cho thấy cả nước có 263 bệnh viện tư nhân, trên 35.000 phòng khám tư nhân và 43.000 nhà thuốc.

Kết quả điều tra mức sống dân cư năm 2018 cũng cho thấy cả nước có 59% số xã có bác sĩ tư, 58% số xã có y sĩ tư nhân, 49% số xã có y tá tư nhân và 82% số xã có cửa hàng dược phẩm tư nhân. Trên thực tế đã có một số mô hình y tế tư nhân cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu như hệ thống tiêm chủng tư nhân hay phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân.

Do vậy, việc mở rộng phạm vi cấu trúc của mạng lưới y tế cơ sở nhằm tích hợp những thành tố ngoài công lập để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu là hướng đi phù hợp trong thời gian tới. Tuy nhiên, để huy động có hiệu quả sự tham gia của y tế ngoài công lập vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong thời gian tới chúng ta cần nghiên cứu những giải pháp đồng bộ về quản trị, về kỹ thuật và về tài chính.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục