Ai Cập, Pháp và Palestine thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông

Ai Cập, Palestine và Pháp đã đồng ý thúc đẩy những nỗ lực nhằm tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông giữa Israel và Palestine.
Ai Cập, Pháp và Palestine thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: diplomaci)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ai Cập, Palestine và Pháp đã đồng ý thúc đẩy những nỗ lực nhằm tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông giữa Israel và Palestine.

Bộ Ngoại giao Ai Cập ngày 4/4 cho biết Ngoại trưởng nước này, ông Sameh Shoukry đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp của Palestine Riad Al-Malki để thảo luận về "những đề xuất khu vực và quốc tế nhằm hồi sinh tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine."

Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý đề nghị triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Ủy ban Chống chiếm đóng của Liên đoàn Arab (AL), bàn các biện pháp thúc đẩy hòa bình giữa thế giới Arab và Israel cũng như kiềm chế các hoạt động định cư của người Israel trên các vùng đất chiếm đóng của Palestine.

Cuộc họp hướng tới "một tầm nhìn chung thống nhất của thế giới Arab nhằm triển khai những bước cần thiết để giải quyết các vấn đề của người Palestine, làm sống lại tiến trình hòa bình và chấm dứt chính sách định cư của Israel."

Ngoại trưởng Ai Cập và Palestine cũng đã thảo luận về những nỗ lực gần đây của Pháp nhằm vận động hành lang tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế thúc đẩy chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Israel và Palestine, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5 tới.

Cũng trong ngày 3/4, Ngoại trưởng Ai Cập Shoukry đã có cuộc gặp tại Cairo với Đặc phái viên hòa bình Trung Đông của Pháp Pierre Vimont, cựu Đại sứ Pháp tại Mỹ, để bàn bạc về những nỗ lực của Paris nhằm chuẩn bị cho hội nghị hòa bình nói trên.

Tại buổi làm việc, ông Shoukry kêu gọi cần phải "đảm bảo giải pháp hai nhà nước, phục hồi những quyền lợi chính đáng của người Palestine, cũng như việc thực hiện các nghị quyết quốc tế có liên quan."

Trong tháng 11/2014, Quốc hội Pháp đã ủng hộ đề nghị công nhận nhà nước Palestine trong khi tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn trong bế tắc. Lập trường này đã vấp phải sự phản đối của Israel.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã quyết định đẩy mạnh các cuộc đàm phán với phong trào vũ trang Hamas, đang kiểm soát dải Gaza, nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết và chấm dứt bất đồng nội bộ.

Ông Abbas đã quyết định mở rộng thành phần của phái đoàn đàm phán Fatah trong quá trình đối thoại với lực lượng Hamas.

Vài tuần trước, một phái đoàn của Fatah đã có cuộc gặp với các đại diện Hamas ở thủ đô Doha của Qatar nhằm nỗ lực đạt một thỏa thuận chấm dứt các bất đồng nảy sinh từ khi Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2006. Mâu thuẫn giữa hai lực lượng chính tại Palestine này lên đến đỉnh điểm vào năm 2007 sau khi Hamas chiếm đóng toàn bộ Gaza.

Các cuộc đàm phán tại Qatar gần đây đã thất bại trong các vấn đề gai góc là đường hướng chính trị của chính phủ đoàn kết tương lai và tương lai của hàng nghìn công chức Hamas.

Phía Fatah đòi hỏi chính phủ đoàn kết phải được thành lập trên cơ sở cương lĩnh chính trị của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), bao gồm việc thừa nhận giải pháp hai nhà nước với người Israel và tôn trọng tất cả các thỏa thuận đã ký với chính quyền Israel.

Trong khi đó, phong trào Hamas tuyên bố không chấp nhận bất kỳ một đường hướng chính trị nào công nhận quyền tồn tại của Israel. Ngoài ra, Hamas cũng tiếp tục đòi hỏi tất cả tổ chức của lực lượng này phải được sáp nhập vào hoạt động của chính phủ đoàn kết mới, điều mà Fatah phản đối.

Trong một động thái phủ thêm bóng đen lên các nỗ lực hòa bình này, phong trào Hamas cùng ngày đã tuyên bố bác bỏ quyết định của Tổng thống Abbas thành lập tòa án hiến pháp đầu tiên của người Palestine.

Hamas cho rằng động thái này sẽ gây chia rẽ sâu sắc hơn giữa những người Palestine và làm xói mòn các nỗ lực hòa giải dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục