Ấn Độ, Pakistan gia nhập SCO sẽ làm tăng sự ổn định khu vực

Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, sự tham gia của Ấn Độ và Pakistan vào Tổ chức hợp tác Thượng Hải sẽ góp phần thúc đẩy sự ổn định, tăng trưởng và hội nhập khu vực.
Ấn Độ, Pakistan gia nhập SCO sẽ làm tăng sự ổn định khu vực ảnh 1Thủ tướng các nước thành viên SCO tại hội nghị tháng 12/2015. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 15/3, Hãng thông tấn PTI của Ấn Độ trích dẫn bài viết trên tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho biết sự tham gia của Ấn Độ và Pakistan vào Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) sẽ góp phần thúc đẩy sự ổn định, an ninh, tăng trưởng và hội nhập kinh tế ở khu vực cũng như thúc đẩy hợp tác chống khủng bố và tạo ra một nền tảng để giải quyết những khác biệt trong quan hệ song phương.

Bài viết có đoạn: “Để trở thành thành viên của SCO, Ấn Độ và Pakistan sẽ phải ký một số văn bản và cam kết thực hiện theo quy định của SCO bao gồm Hiệp định các nước thành viên SCO về hợp tác bảo vệ biên giới được ký năm 2015.

Việc hai nước tham gia SCO có thể giúp thúc đẩy hợp tác giữa Ấn Độ và Pakistan trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và các nỗ lực chống khủng bố. Theo khuôn khổ của SCO, một bên thứ ba có thể đứng ra làm trung gian để ngăn chặn bùng nổ xung đột giữa hai nước.”

Bài báo nhấn mạnh sự thù địch giữa Ấn Độ và Pakistan dường như không thể giải quyết trong một thời gian ngắn, nhưng SCO có thể tạo ra một nền tảng mới cho hai quốc gia từng bước giải quyết các tranh chấp.

Đáng chú ý, bài viết cho rằng việc Ấn Độ và Pakistan gia nhập SCO có thể thúc đẩy xây dựng mạng lưới đường cao tốc Nam Á, đồng thời mang lại động lực mới cho sự phát triển của Dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC).

Dự kiến, Ấn Độ và Pakistan sẽ trở thành thành viên chính thức của SCO tại hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này ở Astana, Kazakhstan vào tháng 6 tới.

SCO có trụ sở tại Bắc Kinh, tập trung chủ yếu vào các vấn đề liên quan đến an ninh như hợp tác chống khủng bố ở Trung Á. SCO có 6 thành viên chính thức gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan; cùng các nước "quan sát viên" gồm Afghanistan, Belarus, Ấn Độ, Iran, Mông Cổ và Pakistan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục