Câu chuyện thoát nghèo từ cây xà lách của người Nhật Bản

Câu chuyện về sự nỗ lực thoát nghèo bằng những cánh đồng cây xà lách của người dân làng Kawakami đã trở nên nổi tiếng khắp Nhật Bản.
Câu chuyện thoát nghèo từ cây xà lách của người Nhật Bản ảnh 1Cánh đồng xà lách tại Kawakami. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Gia Quân/Vietnam+)​

Câu chuyện về nỗ lực thoát nghèo bằng cây xà lách của người dân làng Kawakami đã trở nên nổi tiếng khắp Nhật Bản.

Làng Kawakami có diện tích 209,6km2, ở Đông Nam tỉnh Nagano, cách thủ đô Tokyo 190km về phía Tây.

Tọa lạc trên vùng cao nguyên với nơi cao nhất có độ cao 2.599m so với mặt biển và thấp nhất là có độ cao 1.110m, lượng mưa thấp, làng Kawakami có khí hậu ôn đới khô và mát mẻ, đặc biệt thích hợp để trồng các loại rau đặc trưng của vùng cao nguyên.

Câu chuyện của cây xà lách

Chúng tôi đến làng Kawakami trong một ngày cuối tháng Sáu. Lúc đó là vào khoảng 3 giờ chiều, nhiệt độ vào khoảng 25-27 độ C. Trước mắt chúng tôi là những cánh đồng xà lách mơn mởn với một vài người nông dân đang làm công việc nhổ cỏ, dọn dẹp.

Giải đáp sự tò mò về những cánh đồng mênh mông nhưng hầu như không có người, Phó Trưởng làng, anh Tomohiro Nishio, cho biết bây giờ là thời điểm nóng nhất trong ngày vì vậy không phải là thời gian để hái hay trồng xà lách mà chỉ là thời gian làm các công việc chuẩn bị.

Anh cho biết nhiệt độ tối đa của Kawakami là 28 độ C, nếu vượt qua ngưỡng này, xà lách sẽ nở hoa.

Ngoài ra, nhiệt độ giữa ngày và đêm của Kawakami có sự chênh lệch khá lớn. Khi đêm xuống, nhiệt độ sẽ xuống dưới 10 độ C, là nhiệt độ lý tưởng để thu hoạch xà lách. Những đặc trưng thời tiết này đã giúp Kawakami trở thành địa phương duy nhất tại Nhật Bản trồng xà lách vào mùa Hè.

Vốn là một làng nghèo nhất của Nhật Bản trong những năm 60 và 70, khi được hỏi về cơ duyên đã đưa người dân Kawakami đến với cây xà lách, anh Tomohiro Nishio cho biết xuất phát điểm của nghề trồng rau xà lách tại Kawakami là thời điểm quân đội Mỹ tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Người Mỹ muốn tìm một địa phương có điều kiện khí hậu phù hợp để trồng xà lách cung cấp cho thực đơn của lính Mỹ và họ nhận ra khí hậu khô, lạnh của Kawakami là môi trường hoàn hảo để trồng loại rau này.

Sau khi chiến tranh kết thúc, kinh tế Nhật Bản phục hồi nhanh chóng, cuộc sống của người Nhật Bản cũng trở nên sung túc hơn. Thực đơn của người Nhật trở nên phong phú.

Cùng với các món ăn truyền thống của Nhật Bản, khẩu vị người Nhật cũng dần được “Tây hóa” và họ trở nên ưa thích loại rau này. Xà lách trở thành một trong những nguyên liệu chính trong các bữa ăn của người Nhật Bản, rau xà lách tại Kawakami sản xuất ra đến đâu đều được bán hết đến đấy.

Thu hoạch xà lách bắt đầu từ 1 giờ sáng

Nắm bắt cơ hội từ cây xà lách, người dân Kawakami đã quyết tâm đầu tư một cách bài bản để phát huy hết lợi thế của địa phương. Các kỹ thuật gây giống, canh tác, thu hoạch, vận chuyển đều được áp dụng một cách quy chuẩn và hiện đại.

Câu chuyện thoát nghèo từ cây xà lách của người Nhật Bản ảnh 2Thu hoạch xà lách. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Gia Quân/Vietnam+)

Làng còn đề ra những quy định nghiêm ngặt, các sản phẩm rau của làng được quản lý chặt chẽ bởi một hệ thống kiểm soát chất lượng đồng bộ từ vườn cho đến nhà cung cấp, đảm bảo sản phẩm rau chất lượng cao nhất và tươi nhất.

Anh Tomohiro Nishio cho biết kỹ thuật trồng và thu hoạch xà lách tại Nhật Bản là xuất phát từ Kawakami, trong đó đặc biệt kỹ thuật phủ nilon lên đất trước khi trồng. Nilon được phủ nhằm giữ độ ẩm cho đất, ngăn không cho cỏ mọc xen với xà lách và giữ nhiệt độ của đất không xuống quá thấp ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của cây.

Mùa thu hoạch xà lách thường bắt đầu từ tháng Sáu đến tháng Mười. Đây cũng là thời điểm vất vả nhất của nông dân.

Anh Hirotaka Nakajima, 29 tuổi, nông dân làng Kawakami, cho biết anh thường bắt đầu việc thu hoạch từ 1 giờ sáng, thời điểm nhiệt độ còn thấp, dưới 10 độ C.

Theo những nông dân Kawakami, họ ưu tiên thu hoạch xà lách trước khi mặt trời mọc do chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm khá lớn. Nếu thu hoạch ban ngày vào lúc quá nóng, nhiệt độ cao sẽ làm cây xà lách không giữ được độ tươi giòn cần thiết.

Cuộc sống giàu có cả về tinh thần và vật chất

Giá một hộp xà lách tại Kawakami vào khoảng 1.000 yen. Theo số liệu do làng cung cấp, doanh thu của một hộ gia đình trồng rau tại Kawakami từ 25 đến 30 triệu yen. Thu nhập cao giúp cho người dân ở đây có cuộc sống sung túc. Từ tháng 12 đến tháng Hai, người Kawakami dành thời gian du lịch, thư giãn, nạp lại năng lượng cho cơ thể sau một mùa canh tác vất vả.

Làng Kawakami nổi tiếng với hệ thống phúc lợi xã hội hoàn chỉnh. Người dân ở đây được hưởng một hệ thống chăm sóc y tế hàng đầu Nhật Bản, có tuổi thọ trung bình thuộc vào nhóm cao nhất Nhật Bản. Chính vì vậy, Kawakami là một trong số ít những địa phương có tỷ lệ thanh niên cao của quốc gia này.

Lao động trong độ tuổi 30-39 chiếm 14,1%, cao hơn gấp 4 lần so với 3,3% của cả nước. Lao động trong độ tuổi từ 40-49 đạt tỷ lệ 22,9%, cao gần gấp 3 tỷ lệ 8,1% của toàn quốc, tỷ lệ người cao tuổi từ 65 trở lên chiếm 26,5%, chưa bằng một nửa tỷ lệ 57,4% của cả nước.

Cùng với một cuộc sống đầy đủ vật chất, người dân Kawakami cũng chú trọng xây dựng một cuộc sống tinh thần phong phú (tiếng Nhật gọi là “kokoromochi”).

Nông nghiệp không chỉ đem lại cho người dân nơi đây một cuộc sống sung túc mà còn giúp họ gắn bó hơn với mảnh đất quê hương và thân thiện với thiên nhiên.

Tiềm năng hợp tác nông nghiệp với Việt Nam

Nhu cầu đối với rau xà lách của Kawakami rất cao song làng đối mặt với khó khăn như thiếu hụt lực lượng lao động. Làng đã đẩy mạnh việc tuyển dụng thực tập sinh nước ngoài.

Hiện nay, làng có gần 1.000 thực tập sinh nước ngoài. Việt Nam có khoảng 200 thực tập sinh đang làm việc tại Kawakami, là quốc gia có số thực tập sinh cao thứ hai tại đây.

Bên cạnh đó, để mở rộng diện tích canh tác và khắc phục hạn chế việc chỉ thu hoạch được 4 tháng trong năm, Kawakami đang tìm kiếm đối tác để phát triển mô hình sản xuất rau sạch theo quy chuẩn. Việt Nam là một địa điểm được đánh giá cao về tiềm năng.

Trưởng làng Kawakami, kiêm Chủ tịch Hiệp hội trưởng làng toàn Nhật Bản, Chủ tịch Hiệp hội trưởng làng tỉnh Nagano, ông Fujihara Tadahiko cho rằng Đà Lạt của Việt Nam có khí hậu tương tự làng Kawakami và cũng là nơi đang thử nghiệm trồng cây xà lách theo mô hình của Kawakami.

Câu chuyện thoát nghèo từ cây xà lách của người Nhật Bản ảnh 3Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường và Trưởng làng Kawakami. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Gia Quân/Vietnam+)

Ngoài ra, ông cho rằng các kỹ thuật nông nghiệp của Kawakami cũng có thể áp dụng tại đồng bằng ở Hà Nội trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng Ba.

Ông đánh giá Việt Nam là một nước có nền nông nghiệp phát triển tại châu Á và Kawakami sẵn sàng hỗ trợ tích cực Việt Nam áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp của Kawakami.

Đối với những người nông dân tại Kawakami, xây dựng một cuộc sống lành mạnh, thân thiện với thiên nhiên, một đời sống tinh thần phong phú và đem lại lợi ích cho cộng đồng là ý nghĩa quan trọng nhất của những người làm nông nghiệp. Xuất phát từ quan điểm đó, những người nông dân nơi đây tiếp tục nỗ lực để Kawakami luôn là một trong những ngôi làng đáng sống nhất tại Nhật Bản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục