​Người dân Tây Giang được bồi thường, rời "điểm nóng" mỏ sắt Nà Rụa

Ngay sau khi VietnamPlus phản ánh tình trạng sụt lún, nguy cơ sập đổ nhà dân ở khu vực mỏ sắt Nà Rụa, thành phố Cao Bằng, phía công ty đã tiến hành rà soát, bồi thường tái định cư cho người dân.
​Người dân ven mỏ sắt Nà Rụa đã được bồi thường tái định cư

Ngay sau khi VietnamPlus đăng tải bài viết “Bom đá treo trên nhà, người dân Tân Giang sống trong sợ hãi,” phản ánh tình trạng sụt lún, gây nguy cơ sập đổ một số căn nhà dân quanh khu vực mỏ sắt Nà Rụa thuộc tổ 14 (Tân Giang, Cao Bằng), cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng đã vào cuộc kiểm tra, yêu cầu phía công ty giải quyết bồi thường tái định cư để người dân rời khỏi khu vực “điểm nóng.”

Theo ghi nhận của phóng v​​iên, tính đến ngày 26/2, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai khoáng tại khu vực mỏ sắt Nà Rụa thuộc tổ 14, phường Tân Giang đã nhận được tiền đền bù để di dời khỏi khu vực có nguy cơ mất an toàn trong vùng lõi khu vực mỏ sắt Nà Rụa của Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng.

Hiện tại, phần lớn các hộ dân sinh sống ven khu vực vùng lõi mỏ sắt Nà Rụa đã di dời đến khu tái định cư; có gia đình mua đất xây nhà để ổn định cuộc sống nơi ở mới.

Chia sẻ với chúng tôi sau chuỗi thời gian “sống bất an” bởi hoạt động khai thác mỏ, xe tải vận chuyện quặng gây bụi bặm và nguy cơ sạt lở, anh Trương Văn Côn thở phào nói: “Đến giờ coi như đã thoát chết. Bao năm ở trong đó nguy hiểm lắm, nên vừa rồi nhận được tiền đền bù là nhà mình đi ngay.”

“Với số tiền nhận được, trước mắt mình mua mảnh đất nhỏ để xây nhà. Sau đó sẽ tìm công việc để ổn định cuộc sống nơi ở mới,” ông Côn chia sẻ thêm.

Bên cạnh các hộ gia đình đã di dời sau khi nhận được tiền đền bù, hiện nay, tại khu vực vùng lõi mỏ sắt Nà Rụa vẫn còn một số hộ chưa chịu di dời, bởi nỗi lo khó khăn về chỗ ở, việc làm…

Trong câu chuyện với phóng viên VietnamPlus, ông Vương Văn Pẩu ngậm ngùi bảo: “Vừa rồi gia đình mình đã nhận được tiền đền bù, nhường đất để doanh nghiệp khai thác mỏ. Nhưng, bây giờ di dời thì không có đất canh tác, không có việc làm!.”

​​“Vì thế nên gia đình mình chọn phương án tái định cư tại chỗ. Vẫn biết ở đây thiếu điện, thiếu nước, bụi bặm và lo sạt lở, nhưng chuyển đến khu tái định cư hay chỗ ở mới sẽ ra sao, khi gia đình không có đất để làm, lại quen cuộc sống trong này rồi,” ông Pẩu trăn trở.

​Người dân Tây Giang được bồi thường, rời "điểm nóng" mỏ sắt Nà Rụa ảnh 1Ông Vương Văn Pẩu cho biết đã nhận 100 triệu tiền bồi thường tái định cư từ phía doanh nghiệp. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Về phía công ty, ông Vương Thanh Giang, Giám đốc Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng cho biết, sau khi báo chí phán ảnh, công ty đã tổ chức rà soát và có biện pháp khắc phục, hỗ trợ hết cho người dân sinh sống trong vùng lõi khu vực mỏ sắt Nà Rụa.

Theo lời ông Giang, trong quá trình khai thác tại mỏ sắt Nà Rụa của Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng có gây ảnh hưởng tới 20 hộ dân. Vì thế, công ty đã thực hiện việc đề bù, trong đó 10 hộ đã nhận tiền và chịu di dời đến khu tái định cư mới, không còn vướng mắc. 10 hộ dân còn lại, đến ngày 21/2, công ty đã chi trả hết tiền về tài sản hoa màu, đất ở cho người dân.

“Còn về việc lựa chọn phương án tái định cư (tập trung, phân tán, hay tại chỗ), sau khi báo VietnamPlus phản ánh, công ty cũng đã rà soát lại. Theo đó, có 7/10 gia đình đăng ký nhận tái định cư tại chỗ, sau đó công ty cũng đã chi trả ngay cho mỗi hộ dân 100 triệu đồng. Việc này có giấy chứng nhận và chữ ký của người dân.”

“Riêng 3 hộ còn lại, không ghi nhận bất cứ hình thức tái định cư nào, mặc dù công ty đã chi trả hết tiền nhưng hiện vẫn ở trong vùng lõi khu vực mỏ sắt. Việc này gây ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất của công ty, đặc biệt là có nguy cơ mất an toàn,” ông Giang phân bua.

Riêng trường hợp gia đình bà Lâm Thị Vẫy hiện vẫn còn ở trong khu vực mỏ sắt Nà Rụa, ông Giang cho biết: “Ngày 3/11/2016, bà Vẫy đề nghị san nền tái định cư cho gia đình. Đến ngày 6/11, công ty đã thực hiện san nền xong nhưng đến hiện tại gia đình bà Vẫy vẫn chưa di dời. Việc này công ty sẽ tìm hiểu thêm.”

Vị Giám đốc Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng cũng đưa ra giải pháp: “Trước mắt, các trường hợp còn ở trong khu vực mỏ sắt như hộ bà Lâm Thị Vẫy, ông Vương Văn Pẩu, mặc dù công ty không còn trách nhiệm với các gia đình, nhưng vì công ty còn mảnh đất chưa dùng đến nên nếu người dân có nhu cầu, công ty sẽ cho mượn đất ở tạm cho đến khi nào các hộ dân có mảnh đất tái định cư tốt hơn.”

Trước thực tế nêu trên, ông Nguyễn Trung Thảo-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục giao cơ quan chức năng phối hợp với Công ty cổ phần gang thép Cao Bằng xử lý các vấn đề liên quan đến việc tái định cư, vận động các hộ dân và có biện pháp di dời để đảm bảo an toàn cho người dân quanh khu vực mỏ./.​

​Người dân Tây Giang được bồi thường, rời "điểm nóng" mỏ sắt Nà Rụa ảnh 2Một khu vực sạt lở tại tổ 14, phường Tân Giang, thành phố Cao Bằng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục