10 tỉnh, thành đã xuất hiện dịch cúm gia cầm​ với 34 ổ dịch

Từ đầu tháng 1 đến ngày 24/2, cả nước xuất hiện 34 ổ dịch cúm gia cầm; trong đó có 29 ổ dịch do virus cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do virus cúm A/H5N1 tại 10 tỉnh, thành phố.
Phun thuốc tiêu độc khử trùng tại một trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn thị xã Hương Thủy. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Phun thuốc tiêu độc khử trùng tại một trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn thị xã Hương Thủy. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ngày 25/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ đầu tháng 1 đến ngày 24/2, cả nước xuất hiện 34 ổ dịch cúm gia cầm; trong đó có 29 ổ dịch do virus cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do virus cúm A/H5N1 tại 10 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Trà Vinh, Thái Bình, Bình Dương, Ninh Bình và Hải Phòng (1 ổ dịch tại Quảng Ninh đã qua 21 ngày).

Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy là hơn 100.000 con.

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo đúng quy định của Luật Thú y, “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025” và các văn bản chỉ đạo khác. Bộ tiếp tục tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức phòng, chống dịch bệnh.

Bộ sẽ tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành virus, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; tăng cường giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.

Các địa phương tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh; tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch.

[Hải Phòng là địa phương thứ 9 xuất hiện dịch cúm gia cầm A/H5N6]

Bộ cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong việc chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam tổ chức phòng, chống dịch có hiệu quả…

Với dịch tả lợn châu Phi, từ đầu năm 2020 đến 23/2, bệnh phát sinh thêm 24 xã, số lợn buộc phải tiêu hủy 17.133 con lợn. Hiện nay, có 325 xã của 29 tỉnh, thành phố chưa qua 30 ngày.

Về bệnh lở mồm long, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có trên 100 ổ dịch xảy ra tại 9 tỉnh. Hiện nay, cả nước có 80 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 8 tỉnh, gồm: Quảng Ninh, Yên Bái, Nghệ An, Tiền Giang, Sơn La, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Quảng Nam. Tổng số gia súc mắc bệnh là 2.833 con, trên 80 con chết.

Các dịch bệnh thông thường khác trên gia súc, gia cầm được phát hiện và kiểm soát tốt, không gây thành dịch lớn.

Hiện nay, tổng đàn, mật độ chăn nuôi vật nuôi tăng mạnh trong thời gian qua, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số. Hiện cả nước có hơn 467 triệu con gia cầm; đàn gia súc ăn cỏ tăng 3-5% so với năm 2018, đàn lợn đang được tái đàn và tăng mạnh tại nhiều địa phương.

Trong khi việc tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ thấp ở nhiều địa phương; tập quán chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ... cũng như thời tiết thay đổi bất lợi gây khó khăn trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra. Để khẩn trương kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. 

Bộ cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo xây dựng và trình phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020-2025”; tổ chức đánh giá kết quả thực hiện “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2016 - 2020 và xây dựng, trình Chương trình 2021-2025”; xây dựng và trình phê duyệt “Kế hoạch quốc gia xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm” để phục vụ tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục