Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ký Hiệp định vay vốn bổ sung trị giá 85 triệu USD vào chiều ngày 26/12, để tài trợ cho việc tăng cường và mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông thôn tại 6 tỉnh miền Trung gồm Bình Định, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Phú Yên và Thừa Thiên-Huế.
Dự án tổng hợp cơ sở hạ tầng phát triển nông thôn ban đầu được Ban giám đốc của ADB phê duyệt vào tháng 10/2007 với tổng chi phí cho dự án là 168,17 triệu USD, trong đó ADB cung cấp 90 triệu USD. Mục tiêu của dự án là các cơ sở hạ tầng nông thôn chủ chốt tại 13 tỉnh ở khu vực miền Trung, bao gồm xây dựng đường nông thôn, hệ thống kiểm soát lũ, các chợ nông thôn, các chương trình cung cấp nước sinh hoạt và các công trình ven biển.
Tính đến tháng 8/2014, dự án đã đạt được các kết quả dự kiến và đã đóng góp đáng kể vào việc đáp ứng các mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng của các tỉnh nhằm nâng cao năng suất nông nghiệp và các cơ hội việc làm, tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ công cũng như giảm bớt tác động của thiên tai đối với người dân ở vùng nông thôn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều công việc cần phải thực hiện để khắc phục những trở ngại về cơ sở hạ tầng đối với sản xuất, đa dạng hóa cây trồng và tăng trưởng kinh tế.
Khoản vay này để tài trợ bổ sung cho dự án là sự đáp ứng kịp thời của ADB đối với những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam về phát triển nông thôn và nhất quán với chiến lược đối tác quốc gia giai đoạn 2012-2015 của ADB đối với Việt Nam.
Nguồn tài trợ bổ sung sẽ hỗ trợ việc cải thiện và mở rộng cơ sở hạ tầng thủy lợi tại 6 tỉnh được lựa chọn trong vòng 4 năm dựa trên những kết quả tích cực mà các tỉnh này đã đạt được trong dự án ban đầu.
Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định: “Được xây dựng dựa trên những kinh nghiệm và bài học triển khai rút ra từ giai đoạn 1, nguồn vốn tài trợ bổ sung này sẽ tiếp tục giải quyết những vướng mắc về cơ sở hạ tầng đối với nông nghiệp và năng suất nông nghiệp đồng thời cải thiện tổng thể đời sống của các cộng đồng trong khu vực dự án. Thông qua việc thực hiện cách tiếp cận nhất quán như cách tiếp cận đối với dự án đang triển khai tại khu vực Tây Nguyên, chúng tôi hướng sự hỗ trợ cho các ưu tiên phát triển nông thôn quốc gia của Chính phủ và của các tỉnh nhằm tăng cường những tác động phát triển tại khu vực miền Trung.”