Ai Cập đánh giá cao kết quả đàm phán giữa các phe đối địch ở Libya

Tại các cuộc đàm phán hôm 5/1, Chủ tịch Quốc hội Libya và Chủ tịch Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya đã nhất trí đề ra một lộ trình để hoàn tất các bước cần thiết cho tiến trình bầu cử ở nước này.
Ai Cập đánh giá cao kết quả đàm phán giữa các phe đối địch ở Libya ảnh 1Binh sỹ thuộc Bộ Quốc phòng Libya gác tại khu vực ngoại ô Tripoli (Libya), ngày 22/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 7/1, Ai Cập đã hoan nghênh kết quả cuộc đàm phán tại Cairo giữa lãnh đạo các phe phái đối địch ở Libya, coi đây là một "bước tiến quan trọng" hướng tới việc tổ chức đồng thời các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội tại Libya càng sớm càng tốt.

Tại các cuộc đàm phán diễn ra hôm 5/1 ở thủ đô của Ai Cập, Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Saleh và Chủ tịch Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya (HCS) Khaled Al-Mishri đã nhất trí đề ra một lộ trình để hoàn tất các bước cần thiết cho tiến trình bầu cử ở nước này.

Hai bên cũng đồng ý chuyển dự thảo văn kiện hiến pháp tới cơ quan lập pháp đối địch ở Libya để xem xét thông qua. Hai bên khẳng định việc thông qua dự thảo hiến pháp sẽ mở đường cho tiến trình tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia ở Libya.

Trong tuyên bố ngày 7/1, Bộ Ngoại giao Ai Cập nêu rõ Cairo hoan nghênh việc ông Saleh và ông Al-Mishri nhất trí chuyển dự thảo hiến pháp cho Quốc hội trụ sở tại miền Đông Libya và HCS có trụ sở tại Tripoli thông qua, với mục tiêu hoàn thiện luật bầu cử và các biện pháp hành pháp cũng như hướng tới việc thống nhất các thể chế nhà nước.

Tuyên bố cũng bày tỏ hoan nghênh Quốc hội Libya và HCS đã thực hiện các trách nhiệm của mình, đồng thời bày tỏ mong muốn hai cơ quan lập pháp đối địch ở Libya này hoàn thành tốt các nhiệm vụ còn lại trong thời gian tới, với mục tiêu đạt được một giải pháp chính trị trong tương lai.

[Các phe phái tại Libya nhất trí về lộ trình cho giải pháp chính trị]

Cairo đã đăng cai ba vòng đàm phán của Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp Libya, một ủy ban chung giữa Quốc hội Libya và HCS. Tại vòng đàm phán mới đây diễn ra hồi tháng 6/2022, các bên Libya đã đạt được đồng thuận về khuôn khổ hiến pháp để tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia.

Libya rơi vào bế tắc chính trị kể từ khi nước này không tổ chức được các cuộc bầu cử quốc gia hồi tháng 12/2021.

Quốc gia Bắc Phi này hiện đang bị chia rẽ giữa hai chính phủ đối địch gồm chính phủ có trụ sở tại Tripoli do Thủ tướng Abdul-Hamid Dbeibah đứng đầu và chính phủ của Thủ tướng Fathi Bashagha do Quốc hội ở miền Đông chỉ định. Tuần trước, ông Dbeibah khẳng định chính phủ của ông sẵn sàng tổ chức tổng tuyển cử trong năm 2023.

Ai Cập đã nhiều lần khẳng định việc tổ chức các cuộc bầu cử là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libya. Trong cuộc họp báo chung sau các cuộc đàm phán ngày 5/1, Chủ tịch HCS Al-Mishri nêu rõ với sự bảo trợ của Ai Cập, các bên tại Libya đã đạt được đồng thuận về nhiều điểm trong dự thảo hiến pháp.

Ông Al-Mishri nói thêm luật bầu cử sẽ được cả Quốc hội và HCS cùng soạn thảo và trong trường hợp có bất đồng, luật bầu cử sẽ được đưa ra để bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu ý dân công khai.

Bộ Ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh Cairo sẽ luôn ủng hộ các lựa chọn của người dân Libya và vai trò của các thể chế ở nước này theo cách đảm bảo an ninh, ổn định và sự thống nhất của Libya. Ai Cập cũng nêu bật sự cần thiết phải rút tất cả các lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê ra khỏi lãnh thổ Libya./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục