Ấn Độ và Pakistan nên 'chính thức hóa' thương mại không chính thức

Theo chuyên gia, có nhiều khả năng hợp tác kinh tế sáng tạo, năng động giữa 2 nước láng giềng lớn này. Khi có những lý do thuyết phục, các giao dịch thương mại sẽ xảy ra bằng cách này hay cách khác.
Ấn Độ và Pakistan nên 'chính thức hóa' thương mại không chính thức ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: ndtv.com)

Tờ The Indian Express của Ấn Độ số ra ngày 24/12 đã đăng bài bình luận về quan hệ kinh tế Ấn Độ với Pakistan của nhà nghiên cứu kinh tế quốc tế kỳ cựu (cựu chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới) Sanjay Kathuria, hiện đang làm việc cho Trung tâm nghiên cứu chính sách của Ấn Độ tại New Delhi.

Theo tác giả, có nhiều khả năng hợp tác kinh tế sáng tạo và năng động giữa hai nước láng giềng lớn này. Khi có những lý do thuyết phục, các giao dịch thương mại sẽ xảy ra bằng cách này hay cách khác.

Thương mại không chính thức không phải là ý tưởng tốt đối với người người tiêu dùng hoặc đối với chính phủ liên quan.

Người tiêu dùng thường trả nhiều tiền hơn cho việc buôn bán vòng vo, hoặc trong trường hợp mua hàng hóa do buôn bán bất hợp pháp, họ ít yên tâm hơn về chất lượng của sản phẩm. Nguồn thu của chính phủ cũng bị ảnh hưởng.

[Kinh tế Ấn Độ hướng đến kịch bản nghiêm trọng hơn do dịch COVID-19]

Thương mại không chính thức không thể thay thế cho nhiều loại thương mại chính thức và không thể là cơ sở cho các chuỗi giá trị tiềm năng giữa Ấn Độ và Pakistan, ví dụ như các ngành hàng may mặc, ôtô và phụ tùng, thuốc và thiết bị y tế.

Theo phân tích của Viện nghiên cứu các nguyên tắc cơ bản về kinh tế và công nghiệp Ấn Độ, thương mại phi chính thức giữa Ấn Độ và Pakistan năm 2015 ước tính vào khoảng 2 tỷ USD.

Tính thêm giá trị thương mại chính thức vào năm 2015 thì tổng thương mại là 4 tỷ USD.

Con số trên chiếm khoảng 11% tổng kim ngạch thương mại tiềm năng trị giá khoảng 37 tỷ USD giữa hai nước láng giềng này (theo tính toán năm 2015 trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới).

Tác giả cho rằng có nhiều khả năng thúc đẩy kinh tế năng động và sáng tạo giữa hai nước láng giềng lớn này.

Chính phủ hai nước nên lấy "lợi ích của người dân làm trung tâm" trong hoạch định chính sách, với mục tiêu là một chế độ thương mại mở với mức độ hội nhập ngày càng tăng theo thời gian giữa hai nền kinh tế.

Các cuộc thảo luận giữa Ấn Độ và Pakistan để đạt được mục tiêu này cần tuân theo một nguyên tắc cơ bản, bởi Ấn Độ là nền kinh tế lớn hơn và tương đối tiên tiến hơn, New Delhi nên cho phép Pakistan có thêm thời gian để điều chỉnh, tức là tự do hóa không đối xứng, như thực tế đã từng xảy ra trong lịch sử.

Bước đầu tiên có thể là tái khởi động lại các giao dịch thương mại dọc đường kiểm soát (LoC) vốn luôn hoạt động trong các điều kiện hạn chế, và đó là động thái tích cực hỗ trợ duy trì mối quan hệ giao dịch thương mại song phương.

Những lo ngại về tính minh bạch đã tác động tiêu cực đến thương mại giữa hai nước trong nhiều thập kỷ qua.

Sự thiếu minh bạch cần được giải quyết trong hệ thống hoàn chỉnh bao gồm quy trình vận hành tiêu chuẩn, lập hóa đơn, định mức thuế hàng hóa và dịch vụ, và đăng ký thương nhân.

Hoạt động thương mại ở khu vực biên giới diễn ra hàng tuần và cho phép mở rộng các giao dịch thương mại giá trị thấp.

Bốn khu chợ nằm tại biên giới Ấn Độ-Bangladesh đã cho phép hoạt động tiếp xúc giữa giới kinh doanh lẻ, giúp tạo công ăn, việc làm cho người lao động, vận chuyển và giảm buôn lậu.

Đây là bài học và kinh nghiệm về hoạt động quản lý kinh doanh khu vực biên giới, khuyến khích việc mở ngày càng nhiều hoạt động giao dịch dọc theo biên giới đất liền Ấn Độ-Pakistan.

Cùng với các bước tiến tương đối nhỏ trên, chính phủ có thể thống nhất về thời điểm bắt đầu thương mại dựa trên thuế quan, thay thế chính sách trước năm 2019. Ấn Độ có thể trao quy chế Tối huệ quốc (MFN) một cách đầy đủ cho Pakistan.

Đổi lại, Pakistan có thể bãi bỏ danh sách tiêu cực trước năm 2019 bao gồm 1.209 mặt hàng của Ấn Độ, cùng với 936 mặt hàng trong một danh sách các mặt hàng nhạy cảm khác, và áp dụng mức thuế MFN hoặc cao hơn theo đàm phán giữa hai bên.

Chính sách mới này hoàn toàn dựa trên thuế quan, sẽ là điểm khởi đầu cho quá trình tự do hóa hơn nữa. Để đảm bảo hiệu quả, an toàn cho cả hai bên, thỏa thuận này có thể được coi là một sự "mở cửa có điều kiện" với sự xem xét hàng năm của hai nước.

Bước tiếp theo là nghiên cứu sâu hơn về thuế quan, dựa trên Hiệp định Thương mại Tự do Nam Á (SAFTA) và các thỏa thuận đạt được giữa hai nước năm 2012.

Pakistan có thể đưa ra thời hạn 5 năm để đưa tất cả các sản phẩm của nước này vào danh sách thuế quan theo MFN và thêm 5 năm để cung cấp các ưu đãi SAFTA đối với các sản phẩm này, ngoại trừ 100 loại thuế sẽ tiếp tục là vấn đề khó khăn, nhạy cảm sau thời hạn 10 năm.

Nước này cũng sẽ mở cửa biên giới Wagah để buôn bán tất cả các sản phẩm chứ không hạn chế đối với 138 sản phẩm được phép trước năm 2019.

Đổi lại, Ấn Độ có thể cho phép áp dụng các loại thuế theo khuôn khổ của SAFTA đối với tất cả các sản phẩm từ Pakistan ngoại trừ 100 sản phẩm nhạy cảm. Thuế suất đối với 100 sản phẩm đó sẽ là thuế suất theo quy chế MFN.

Tác giả cũng cho rằng các cuộc đàm phán thương mại trong bối cảnh hiện nay có thể cho phép có các cuộc thảo luận thậm chí còn tham vọng hơn về kết nối giao thông, vận tải đường bộ và đầu tư.

Tuy nhiên, các đề xuất cụ thể về thuế quan và thời điểm thực hiện đều mang tính tham khảo và định hướng.

Con đường bình thường hóa quan hệ thương mại cụ thể như thế nào sẽ được xác định thông qua các cuộc đàm phán và thương lượng. Ý tưởng là đối thoại, nối lại thương mại và sử dụng việc mở cửa thương mại để thúc đẩy tự do hóa hơn nữa trong thương mại cũng như các lĩnh vực kinh tế khác.

Cuối cùng, tác giả cho rằng, bắt đầu cuộc đối thoại là một dấu hiệu cho thấy đời sống dân sinh đóng vai trò quan trọng hơn quan điểm chính trị. Cả hai bên nên đánh giá cao điều này. Có lẽ các cuộc đàm phán có thể được gọi là "Các cuộc đàm phán thương mại cho người dân Ấn Độ và Pakistan"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục