Australia gây thêm căng thẳng ở Đông Nam Á sau khi ký thỏa thuận AUKUS

Theo cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, AUKUS càng làm trầm trọng thêm căng thẳng chiến lược ở Đông Nam Á, khu vực mà Trung Quốc đã gặt hái thắng lợi to lớn cả về kinh tế lẫn quan hệ quốc tế.
Australia gây thêm căng thẳng ở Đông Nam Á sau khi ký thỏa thuận AUKUS ảnh 1Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd. (Nguồn: Getty Images)

Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, người từng ký thỏa thuận chiến lược giữa Paris và Canberra, mới đây có bài viết trên mục Diễn đàn của báo Le Monde (Pháp) chỉ trích mạnh mẽ việc Chính phủ Australia đương nhiệm “trở mặt” trong việc mua tàu ngầm của Pháp.

Theo ông, ngoài việc không tôn trọng nghi thức ngoại giao, quyết định này sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực xây dựng một chiến lược chung đối với Trung Quốc.

Việc cựu thủ tướng của một quốc gia chỉ trích quyết định của người kế nhiệm trên các trang báo nước ngoài là điều bất thường.

Trong các cuộc tranh luận về chính trị ở Australia, mặc dù thường xuyên phê phán gay gắt định hướng chính sách đối ngoại chung của chính phủ bảo thủ hiện nay kể từ khi rời nhiệm sở, rất hiếm khi Kevin Rudd bày tỏ quan điểm với báo chí nước ngoài.

Trong bài viết đăng trên Le Monde, cựu Thủ tướng Rudd nêu rõ quan điểm: “Đối mặt với sự quản lý yếu kém đối với dự án thay thế hạm đội tàu ngầm cũ kỹ của Australia với sự hỗ trợ của Pháp, và do tầm quan trọng của mối quan hệ chiến lược giữa Canberra và Paris, tôi tin chắc rằng với tư cách là một cựu thủ tướng, tôi có trách nhiệm phải nói rõ quan điểm về sự thất bại bất thường mà chính phủ Australia vừa gây ra.”

Theo ông, quyết định của chính phủ Morrison phải được xem xét lại một cách sâu sắc ở các khía cạnh căn bản nhất.

Nó vi phạm tinh thần quan hệ đối tác chiến lược mà Pháp và Australia thông qua lần đầu tiên năm 2012, và được Thủ tướng Malcolm Turnbull củng cố vào năm 2017.

Nó không đáp ứng nghĩa vụ hợp đồng cơ bản mà Australia phải thực hiện: tham vấn ý kiến của đối tác Pháp, ở đây là Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Naval, để thay đổi hoàn toàn các điều khoản gọi thầu.

Nhưng Canberra bất ngờ chối bỏ đơn hàng 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường và thay vào đó là 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ.

Australia đã sai lầm khi không cho Pháp cơ hội đưa ra một đề nghị khác (một phần hoặc hoàn toàn mới) cho các thiết bị hạt nhân này, mặc dù đây cũng là đối tác có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực chế tạo này.

Ngoài những thiếu sót cơ bản trên, Morrison cũng không tuân thủ nghi thức ngoại giao cơ bản là phải thông báo chính thức cho Chính phủ Pháp về quyết định đơn phương của mình trước khi công khai hủy hợp đồng.

Cuối cùng, Canberra không lường trước quyết định của mình sẽ có tác động như thế nào, đối với cả Pháp và các nỗ lực quốc tế nhằm tập hợp một mặt trận thống nhất ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Australia có quan hệ chặt chẽ với Pháp từ lâu. Gần 50.000 người Australia đã ngã xuống để bảo vệ Pháp và Bỉ trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất và được chôn cất trên đất Pháp.

Hơn 200.000 người Australia đã chiến đấu trên những chiến trường đẫm máu này. Nên nhớ rằng ở thời điểm năm 1914, con số này chiếm không dưới 5% dân số Australia.

Hai quốc gia cũng là đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai chống Đức quốc xã, đặc biệt trong các chiến dịch chống chế độ Vichy ở Thái Bình Dương và Trung Đông.

Mặc dù mối quan hệ song phương đã được thử thách qua các vụ thử hạt nhân do Pháp thực hiện ở Nam Thái Bình Dương từ thập kỷ 60 đến 90 của thế kỷ XX, khi cuộc thử nghiệm cuối cùng kết thúc, mối quan hệ giữa hai nước đã nhanh chóng được bình thường hóa.

Kể từ đó, Australia luôn hoan nghênh sự ổn định có được từ sự hiện diện lịch sử của Pháp ở Thái Bình Dương, New Caledonia, Polynesia và Wallis-Futuna.

Tương tự, cũng cần đánh giá cao vai trò quan trọng của Pháp trong Liên minh châu Âu (EU), NATO, G7, G20 và Liên hợp quốc, cũng như trong thế giới nói tiếng Pháp.

Kevin Rudd khẳng định: “Vì tất cả những lý do trên, khi còn là Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Australia, tôi đã rất mong muốn thiết lập các cơ chế mới cho quan hệ của chúng tôi với Pháp. Alain Juppé (Ngoại trưởng Pháp thời điểm đó) và tôi đã đàm phán về thỏa thuận khung chiến lược song phương lớn đầu tiên giữa hai nước chúng ta."

"Tháng 1/2012, tại Điện Orsay, chúng tôi đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Pháp-Australia. Văn bản này bao trùm tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, năng lượng, giao thông, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, biến đổi khí hậu, viện trợ phát triển và hợp tác văn hóa. Thực ra, thỏa thuận này đã đề cập vấn đề hợp tác chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, rất lâu trước khi các quốc gia khác (đặc biệt là Mỹ) nghĩ rằng họ đã đặt ra thuật ngữ này.”

Mối quan hệ đối tác giữa hai nước cũng tuân theo một hiệp ước khác mà chính Rudd là người đã đàm phán với EU với tư cách thủ tướng Australia, dẫn đến thiết lập một khuôn khổ hợp tác với Brussels sau này.

Đó là một phần không thể thiếu trong tầm nhìn tổng thể về vai trò trên thế giới của Australia, một thành viên của G20 và một cường quốc tầm trung với trách nhiệm toàn cầu, một tầm nhìn mà mối quan hệ với Pháp phải được coi là quan trọng chứ không phải ngược lại.

Hợp đồng đóng tàu giữa Pháp và Australia không đơn giản chỉ là một thỏa thuận thương mại mà buộc phải được nhìn nhận trong một khuôn khổ chính thức rộng lớn hơn. Hợp đồng này thậm chí còn trở thành “mỏ neo” của mối quan hệ mà hai bên đã cùng hình dung vào năm 2012.

Cựu Thủ tướng Australia kết luận: “Việc vi phạm thỏa thuận này là kết quả của 3 sai lầm.

Thứ nhất, bằng việc đơn phương quyết định hủy đơn đặt hàng tàu ngầm này, Morrison đã vi phạm cả về tinh thần lẫn nội dung trong tuyên bố chung trước đây. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã đúng khi coi cử chỉ của Morrison là ‘đòn đánh sau lưng.’

Thứ hai, chưa biết chi tiết thỏa thuận hợp đồng giữa tập đoàn Naval và Bộ Quốc phòng Australia ra sao, nhưng dường như Nghị định thư ban đầu đòi hỏi rằng nếu một trong các bên ký kết (trong trường hợp này là Australia) muốn thực hiện những thay đổi cơ bản đối với dự án (tức là thay thế tàu ngầm thông thường bằng tàu ngầm hạt nhân), thì buộc phải bắt đầu bằng cách thông báo trước cho đối tác. Việc không tuân thủ quy tắc này chẳng khác nào một sự lừa dối.

Tuy nhiên, có vẻ như Chính phủ Morrison đã thực sự không thông báo cho tập đoàn công nghiệp Pháp trước khi đưa ra quyết định. Điều này dẫn đến sai lầm thứ ba của Chính phủ Morrison.

Nếu nhà lãnh đạo này thực sự cho rằng cần phải xem xét lại các lựa chọn đã đưa ra trước đây vì lý do kỹ thuật, tại sao ông không đưa ra lời mời thầu mới đối với Pháp, Anh và Mỹ?

Cả 3 quốc gia này đều có tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân và hiển nhiên, tất cả đều biết cách chế tạo và bảo trì các thiết bị này.

Trên thực tế, Morrison đã quyết định chỉ giới hạn các lời mời thầu đối với khu vực nói tiếng Anh.

Điều này chẳng nghĩa lý gì nếu mục tiêu là sử dụng tốt nhất tiền bạc của những người đóng thuế tại Australia, và điều này cũng không công bằng đối với đối tác chiến lược Pháp."

Như đã nói, Morrison đã phá vỡ quy tắc ngoại giao cơ bản khi không thông báo cho chính phủ Pháp về quyết định của mình.

Một vi phạm như vậy là không thể chấp nhận được giữa các đối thủ, chứ đừng nói là giữa các đồng minh.

Bên cạnh đó, Morrison chưa nắm bắt được ý nghĩa rộng lớn hơn trong quyết định của mình đối với chính sách đối ngoại, và đây mới là điều hệ trọng nhất trong toàn bộ câu chuyện.

Vấn đề là quyết định này ảnh hưởng đến các nỗ lực đồng thuận của châu Âu nhằm xây dựng một chiến lược chung để đối phó với sự trỗi dậy toàn cầu và khu vực của Trung Quốc.

Tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong bối cảnh Hội nghị nhóm Bộ tứ (quy tụ Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản) được tổ chức tại Washington ngày 24/9, quyết định của Australia chẳng khác nào một tín hiệu rất xấu được phát đi.

Sự trở mặt của Canberra đã khiến các đối tác khác trở lại với suy nghĩ rằng thực tế đang tồn tại 2 nhóm nhỏ trong nội bộ liên minh, gồm một nhóm gồm Mỹ và Australia (và bây giờ có khả năng thêm Anh) và nhóm còn lại là Ấn Độ và Nhật Bản.

Suy nghĩ này đã được tranh luận ở Delhi sau khi Mỹ đột ngột rút quân khỏi Afghanistan, dẫn đến chiến thắng chiến lược lớn cho Pakistan, đối thủ kình địch của Ấn Độ.

Do đó, theo ông Rudd, quyết định của Morrison càng làm trầm trọng thêm căng thẳng chiến lược ở Đông Nam Á, một khu vực mà Trung Quốc đã gặt hái những thắng lợi to lớn cả về kinh tế lẫn quan hệ quốc tế.

Quyết định này của Australia sẽ nằm trong cuộc chơi của mạng lưới tuyên truyền mà Trung Quốc đang triển khai trên toàn thế giới.

Từ nay, thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân Australia-Mỹ-Anh sẽ phục vụ một mục tiêu chiến lược duy nhất: ngăn chặn Bắc Kinh. Australia có thể có những lý do chiến lược hoặc kỹ thuật quan trọng để thay đổi ý kiến và quyết định cần có một loại tàu ngầm khác.

Nhưng không có bất cứ lý do nào có thể biện minh cho cách đối xử với Pháp như hiện nay. Đây là vấn đề lớn mang tầm quốc gia. Người dân Australia sẽ tranh luận rất nghiêm túc về vấn đề này trong cuộc bầu cử quốc gia diễn ra trong năm 2022./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục