Bài 2: Tối ưu hóa nguồn lực

Bà Rịa-Vũng Tàu thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển

Như đã đề cập trong bài ''Gắn kết trong phát triển vùng'' của chùm bài viết về cảng biển, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhất quán tiếp cận theo hướng tối ưu hóa nguồn lực được phân bổ và các cơ hội phát triển.
Bà Rịa-Vũng Tàu thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển ảnh 1Tàu cập cảng Tân Cảng-Cái Mép Thị Vải, Thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn/TTXVN)

Bài 2: Tối ưu hóa nguồn lực

Như đã đề cập trong bài viết đầu tiên ''Gắn kết trong phát triển vùng'' của chùm bài viết với chủ đề “Bà Rịa-Vũng Tàu thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển,” hiện tỉnh đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp với mục tiêu trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kinh tế cả nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển.

Trên quan điểm phát triển đồng bộ, nhanh, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhất quán tiếp cận theo hướng tối ưu hóa nguồn lực được phân bổ và các cơ hội phát triển.

Đó là liên kết với các địa phương nội vùng và liên vùng, tập trung nguồn lực phát huy các thế mạnh của tỉnh, góp phần cùng với các thành viên trong vùng đồng tâm, hiệp lực, tạo ra lợi thế so sánh của Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới.

Xu thế chung

Theo các chuyên gia, liên kết kinh tế vùng thực chất là sự liên kết giữa các chủ thể kinh tế khác nhau trong một vùng, dựa trên lợi ích kinh tế là chính, nhằm phát huy lợi thế so sánh, tạo ra tính cạnh tranh kinh tế cao hơn cho một vùng.

Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, chủ trương và chính sách phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Đảng và nhà nước đã được triển khai và đã đạt được những kết quả nhất định. Trong 10 năm gần đây, Đảng bộ và chính quyền các tỉnh, thành phố trong vùng đã chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, thu hút đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng quá trình phát triển vừa qua cũng cho thấy, nếu chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh” về điều kiện tự nhiên mỗi địa phương có được để thực hiện chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư mà thiếu sự liên kết để tạo ra “lợi thế động” nhằm tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn, thì khó có thể đẩy mạnh phát triển và nâng cao sức cạnh tranh toàn vùng.

Bà Rịa-Vũng Tàu thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển ảnh 2Tàu vào bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Cái Mép-Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Mặc dù về chủ trương liên kết để phát huy thế mạnh của mỗi vùng kinh tế xuyên suốt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta trong suốt 30 năm qua, nhưng do thể chế về kinh tế vùng và liên kết vùng cũng như cơ chế điều phối vùng chưa tạo được động lực để hình thành các vùng kinh tế, mà nền kinh tế Việt Nam là số cộng của 63 nền kinh tế riêng rẽ, với cơ cấu kinh tế riêng và thực tế Chính phủ chỉ đạo, điều hành chủ yếu vẫn là các nền kinh tế tỉnh, thành.

Trong giai đoạn tới, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 24-NQ/TW) đã xác định ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông.

Đồng thời, tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch; trong đó, tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai Thành phố Hồ Chí Minh; đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không, đặc biệt là cảng hàng không đầu mối của khu vực, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tải thủy chính của vùng; nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; quan tâm phát triển giao thông đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các tuyến đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển.

Thống kê cho thấy vùng Đông Nam Bộ hiện có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm 49,2% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Doanh nghiệp logistics tập trung chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh với 11.027 doanh nghiệp, Bình Dương là 1.655 doanh nghiệp và Đồng Nai có 1.223 doanh nghiệp. Không chỉ giữ vai trò đầu tàu kinh tế, Đông Nam Bộ là khu vực tập trung hạ tầng logistics quan trọng, đảm nhận phần lớn số lượng hàng hóa và khối lượng hàng container cả nước.

Từ thực tiễn của địa phương, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết hiệu suất khai thác cảng biển tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang đạt mức khá tốt, nhưng nguồn thu cho ngân sách địa phương chưa cao. Chỉ khoảng 14-15% số lượng container sử dụng đường bộ và làm thủ tục hải quan tại Bà Rịa-Vũng Tàu, còn lại phần lớn hàng hóa vẫn sử dụng sà lan đường thủy nội địa về Thành phố Hồ Chí Minh và khoảng 10% đến các khu vực khác để thông quan.

[Bà Rịa-Vũng Tàu: Phát triển công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển]

Bộ Giao thông Vận tải cho biết đối với khu vực Đông Nam bộ, giai đoạn đến 2025 dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào khai thác tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành, tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; thu xếp nguồn vốn để khởi công các tuyến đường vành đai 4; tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. Cùng đó, nâng cấp luồng hàng hải từ phao số 0 vào cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, luồng Xoài Rạp; kêu gọi đầu tư các cảng biển, trung tâm logistic Cái Mép Hạ, các cảng cạn trong vùng để hình thành các trung tâm logistic lớn.

Về đường sắt, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc-Nam và khu đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh hiện có để nâng cao hiệu quả khai thác đường sắt. Nghiên cứu chuẩn bị đầu tư để làm cơ sở huy động nguồn vốn triển khai tuyến đường sắt Thủ Thiêm-Long Thành, tuyến đường sắt nối Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai với thành phố Vũng Tàu và ra cảng Cái Mép-Thị Vải (tuyến Biên Hòa-Vũng Tàu hiện được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đề xuất là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư theo phương thức PPP)…

Theo ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cùng với những bước đi đúng hướng, hiệu quả về quy hoạch theo Nghị quyết 24-NQ/TW, Trung ương đang tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức giữa cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các trung tâm công nghiệp lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các địa phương khác trong vùng, bảo đảm tính liên kết đồng bộ, liên hoàn giữa vùng Đông Nam Bộ với các vùng khác trên cả nước và các quốc gia.

Phát huy lợi thế riêng biệt

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ VII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước về GRDP bình quân đầu người, với 3 khâu đột phá về hạ tầng giao thông kết nối, nguồn nhân lực và chuyển đổi số gắn với cải cách thủ tục hành chính.

Nhiệm vụ đặt ra đối với Bà Rịa-Vũng Tàu là cần phát triển được một nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững và có khả năng hội nhập quốc tế; chuyển mạnh từ khai thác tài nguyên và các sản vật sẵn có như dầu khí, hải sản... sang khai thác lợi thế về vị trí địa lý, cửa ngõ kinh tế để phát triển hệ thống cảng biển nước sâu trung chuyển cho cả nước và quốc tế, phát triển các khu du lịch biển tổng hợp quy mô lớn, hoàn thiện các khu công nghiệp ven biển...

Bà Rịa-Vũng Tàu thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển ảnh 3 Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN phát)

Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết trên quan điểm phát triển đồng bộ, nhanh, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhất quán tiếp cận theo hướng tối ưu hóa nguồn lực được phân bổ và các cơ hội phát triển. Đó là liên kết với các địa phương nội vùng và liên vùng, tập trung nguồn lực phát huy các thế mạnh tốt nhất của tỉnh, góp phần cùng với các thành viên trong vùng đồng tâm, hiệp lực, tạo ra lợi thế so sánh của Việt Nam so với các quốc gia khác trên thế giới.

Theo ông Trần Thượng Chí, thời gian tới, Bà Rịa-Vũng Tàu huy động tất cả nguồn lực để tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng cảng biển, qua đó tạo bước đột phá về cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng. Tỉnh đẩy nhanh thực hiện cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An nhằm kết nối hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành để kết nối với phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Để tận dụng hiệu quả các tiềm năng và lợi thế toàn vùng, Bà Rịa-Vũng Tàu luôn xác định 2 nguồn tài nguyên quan trọng sẵn có trong vùng, đó là thị trường hơn 18 triệu dân của Đông Nam Bộ có thu nhập cao (chiếm 44% tổng thu ngân sách); Đông Nam Bộ sản xuất ra lượng hàng hóa lớn nhất cả nước, chiếm 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% tổng khối lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

Theo ông Phạm Viết Thanh, đây là lợi thế, là nguồn tài nguyên bền vững quý báu cùng với lợi thế về mặt địa lý của mình để tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trọng tâm là hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển nước sâu tại khu vực Cái Mép Hạ, thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế và phát triển “Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao và đẳng cấp quốc tế”./.

Bài 1: Bà Rịa-Vũng Tàu thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển

Đón đọc bài cuối: Đồng bộ các giải pháp

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục