Những tháng gần đây, trong ngành y tế đã xảy ra một loạt các vụ đau lòng như: ăn bớt vắcxin ở Hà Nội, nhân bản kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, những nghi vấn về việc nhân viên tiêm vắcxin làm ba trẻ sơ sinh ở Quảng Trị tử vong, hay mới đây nhất là vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường đã làm lòng tin vào ngành y tế của nhân dân bị lay động nghiêm trọng.
Những sự việc trên không chỉ báo động về vấn đề y đức của đội ngũ y bác sỹ hiện nay mà còn phanh phui ra những “lỗ hổng” trong công tác quản lý hành nghề y tế tư nhân cũng như việc quản lý đội ngũ bác sỹ hiện nay còn rất lỏng lẻo.
“Chân ngoài dài hơn chân trong”: Ai quản?
Sự cố Cát Tường đã chỉ ra một khâu rất lỏng lẻo trong việc quản lý các bác sỹ khi họ hành nghề tư nhân bên ngoài.
Chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thừa nhận: “Hiện nay vẫn còn tình trạng các bác sỹ được cho phép đi hợp đồng với bệnh viện tư nhân mổ thêm, chữa thêm, kể cả bệnh viện công, bệnh viện khác mời vẫn đi.”
Một thực trạng nữa là hiện chưa có quy định nào yêu cầu các bác sỹ đang làm tại bệnh viện công lập mở phòng khám tư hay hoạt động tại các phòng khám tư phải báo cáo lãnh đạo bệnh viện. Vì vậy, khi sự cố bất ngờ xảy ra, nhiều lãnh đạo bệnh viện không nắm được tình hình.
Nói về vụ việc bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường gây chết người và phi tang, tiến sỹ Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đến chiều 22/10, sau khi nắm được thông tin qua báo chí, cả bệnh viện bàng hoàng, không thể nào ngờ cán bộ của mình lại làm những hành động như vậy tại phòng khám tư.
Khi được hỏi về việc lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai có nắm được thông tin bác sỹ Tường mở phòng phẫu thuật thẩm mỹ tư để quản lý hay không, vị Giám đốc này chia sẻ: “Những năm gần đây Bệnh viện Bạch Mai siết rất chặt để ngăn chặn việc bác sỹ trong bệnh viện móc nối, lôi kéo bệnh nhân từ trong viện công ra phòng khám tư của mình. Do vậy, bệnh viện đã “đánh” điều này rất quyết liệt. Đến nay, tình trạng cò mồi đã bị giảm thiểu. Chính vì vậy nên các bác sỹ có làm ở ngoài đa phần là giấu, không báo cáo bệnh viện.”
“Thực tế cho thấy, hiện nay chưa có luật hay quy định nào ghi rõ các bác sỹ làm bên ngoài phải báo cáo bệnh viện nên các bác sỹ không báo và lãnh đạo bệnh viện không thể biết được, đó là điều rất thực,” ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Và dường như, việc lãnh đạo bệnh viện không nắm được các bác sỹ của mình hành nghề tại các phòng khám tư bên ngoài cũng là thực tế phổ biến hầu hết các bệnh viện.
Số lượng thầy thuốc và y đức: Tỷ lệ nghịch?
Theo thống kê của Bộ Y tế, trên cả nước hiện có khoảng 800 bệnh viện công, hơn 30.000 phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y. Toàn ngành y tế có tổng số có gần 250.000 người hành nghề y, trong đó hơn 64.000 bác sỹ; 54.478 y sỹ; 88.019 điều dưỡng viên.
Trong bối cảnh những phòng khám tư đang nở rộ và phát triển trong thời buổi kinh tế thị trường như vậy, cùng với những con số tăng như trên thì việc y đức, cái tâm của người thầy thuốc càng được quan tâm hơn bao giờ hết. Nhưng đáng buồn là thực tế, vấn đề y đức đang có sự sa sút rõ rệt.
“Vẫn còn tình trạng nhiều bác sỹ có thái độ khám chữa bệnh chưa hòa nhã, chưa được tận tình..” bộ trưởng Tiến thừa nhận. Tuy nhiên bà cũng cho rằng, đó là “do quá tải bệnh viện, áp lực quá lớn…”
Về công tác đào tạo, chấn chỉnh đạo đức, ứng xử, nghề nghiệp của đội ngũ y bác sỹ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến cho hay, vừa qua Bộ đã ban hành chỉ thị, đã mở 11 lớp tập huấn về quy tắc ứng xử cho gần 6.000 cán bộ y tế từ bác sỹ đến điều dưỡng viên, Trung ương đến tuyến huyện, tổ chức nhiều cuộc vận động làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tuy nhiên điều đó chưa thực hiện nghiêm túc và thường xuyên.
Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình – Phó Tổng thư ký Hội xã hội học Việt Nam - băn khoăn: “Những sự việc đó đặt cho chúng ta trước rất nhiều điều phải suy nghĩ, như vấn đề đạo đức, vấn đề y nghiệp, chuẩn mực giá trị sống của đội ngũ bác sỹ trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay.”
Bàn về vấn đề y đức của người thầy thuốc, luật sư Hoàng Huy Được – Phó chủ nhiệm đoàn luật sư thành phố Hà Nội nhấn mạnh: khi nói đến những người hoạt động trong lĩnh vực y tế bao giờ người ta cũng gắn liền câu: “Lương y như từ mẫu.”
Luật sư Được bày tỏ: “Sau vụ Cát Tường vừa rồi, người dân thời gian gần đây không khỏi nghi ngờ về cái tâm của người làm công tác cứu chữa bệnh hiện nay. Theo ông, vấn đề không phải là người bác sỹ có tay nghề tốt mà là họ phải là người có tâm tốt.
Để nâng cao y đức nhất là trong thời buổi cơ chế thị trường thì ngay từ trên ghế nhà trường, các thầy thuốc tương lai phải được tăng cường giáo dục về quy định pháp luật, về lời thề Hippocrates. Họ phải được trang bị một nền tảng văn hóa, đạo đức trong sáng, thiện tâm và một hành trang tư tưởng; cứu người, chữa bệnh vì tính mạng, sức khỏe chứ không vì mục tiêu lợi nhuận.
Cơ chế nào để quản lý bác sỹ?
Trước hàng loạt sai phạm tại các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn Hà Nội. Những vi phạm của nhiều phòng khám, cơ sở làm đẹp đang khiến cán bộ quản lý ngành y tế hết sức "đau đầu" và lúng túng trong việc tìm giải pháp khắc phục.
Ông Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, sau khi vụ việc của bác sỹ Tường xảy ra, bệnh viện đã khẩn cấp họp lãnh đạo mở rộng toàn bộ bệnh viện để thắt chặt quy chế về quản lý nhân viên.
Sắp tới bệnh viện sẽ yêu cầu tất cả các bác sỹ hành nghề y dược tư nhân đều phải báo cáo làm ở đâu, cam kết làm đúng pháp luật.
Đề cập đến những giải pháp trong công tác quản lý nhân viên của lãnh đạo các bệnh viện, ông Quốc Anh bày tỏ, nên chăng các bệnh viện và ngành y tế nếu cùng xem lại và rà soát lại những biện pháp để công tác quản lý được chặt chẽ hơn.
"Tôi cũng có kiến nghị, nên có những quy định để khớp nối giữa cơ quan cùng với địa phương quản lý để làm sao phối hợp với hai bên để làm tốt hơn."
“Để làm được điều này, theo tôi phải có luật định, bởi luật không quy định thì không bắt lỗi được. Về thủ tục hành chính, bệnh viện chỉ ký xác nhận là các bác sỹ làm chuyên khoa gì bao nhiêu năm, nhưng lại không nắm được họ mở phòng khám tư kinh doanh ở đâu, đã được cấp phép hay chưa, kinh doanh, chữa bệnh gì,” vị giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.
Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đang xin phép Chính phủ cho Bộ được ban hành những quyết định cấp Bộ, quy định những bác sỹ làm trong các cơ sở y tế công lập có phòng khám riêng ngoài giờ phải có quy chế về báo cáo về giờ giấc, chứng chỉ hành nghề, giấy phép của cơ sở hành nghề đã cấp của Sở Y tế, chứng nhận của phường nộp cho giám đốc bệnh viện.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ bổ sung quy định về: "Vấn đề quản lý các bác sỹ, cán bộ y tế đang làm việc tại bệnh viện công lập mà mở phòng khám tại nhà, mở phòng khám tư, giám đốc bệnh viện quản lý như thế nào, quy chế báo cáo ra sao…" bà Tiến cho biết.
Suy cho cùng, những quyết định này của Bộ Y tế xem ra là muộn, nhưng dẫu muộn vẫn hơn không. Vấn đề là, cần đẩy các quy định đó vào thực tiễn một cách rõ ràng, cụ thể nhất, nhanh nhất và thực thi nó nghiêm chỉnh.
Điều này, không những sẽ tránh được những vụ việc đau lòng ảnh hưởng đến tính mạng người dân, đảm bảo sức khỏe cũng như nhu cầu làm đẹp của người dân mà còn loại bỏ đi những “con sâu làm rầu nồi canh” ảnh hưởng đến uy tín và vẻ đẹp của người thầy thuốc cứu người, chữa bệnh mà ngành y tế đã bao năm gây dựng./.