Bình Định: Chưa thống nhất được phương án di dời Ga Quy Nhơn

Theo Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định Phan Cao Thắng, tỉnh kiến nghị di dời Ga Quy Nhơn từ 10 năm nay, đã qua 3 đời Bộ trưởng Giao thông mà vẫn chưa thực hiện được, cử tri thành phố Quy Nhơn rất bức xúc.
Bình Định: Chưa thống nhất được phương án di dời Ga Quy Nhơn ảnh 1Ga Quy Nhơn vắng hành khách, đang hoạt động thua lỗ. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Ngày 3/1, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định có buổi làm việc với Cục đường sắt Việt Nam về việc chấm dứt hoạt động Ga Quy Nhơn, di dời tuyến đường sắt Diêu Trì-Quy Nhơn.

Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Bình Định Phan Cao Thắng cho biết, tỉnh Bình Định đã kiến nghị di dời Ga Quy Nhơn từ 10 năm nay, kéo dài qua 3 đời Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải mà vẫn chưa thực hiện được.

Cử tri thành phố Quy Nhơn liên tục nêu ý kiến đề nghị sớm di dời tuyến đường sắt này, tỉnh cũng rất bức xúc.

Hiện Ga Quy Nhơn một ngày chỉ có một chuyến tàu duy nhất từ Quy Nhơn đi Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi chuyến chỉ khoảng 100 hành khách, không vận chuyển một tấn hàng hóa nào, càng hoạt động càng thua lỗ.

Tuyến đường sắt Diêu Trì-Quy Nhơn dùng vận chuyển hành khách, nay đã vắng khách, đã hết vai trò lịch sử, cần phải xóa bỏ để thành phố phát triển.

Theo ông Thắng, do tuyến đường sắt Diêu Trì-Quy Nhơn chưa được di dời nên việc triển khai phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy hoạch thành phố Quy Nhơn gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, tuyến đường sắt hiện có chênh lệch cao độ lớn so với cao độ nền quy hoạch của thành phố. Đường sắt chia cắt, không thể đấu nối các tuyến giao thông nội thị. Một số dự án hạ tầng giao thông không thực hiện được, khó khăn trong triển khai các quy hoạch chi tiết chỉnh trang thành phố.

“Tuyến đường sắt Diêu Trì-Quy Nhơn đang cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Quy Nhơn, mà hiệu quả hoạt động của tuyến này thì đã rõ, càng hoạt động càng thua lỗ, vậy thì xóa đi chứ sao cứ để kéo dài,” ông Phan Cao Thắng nói.

Ông Thắng cho biết thực hiện theo Quyết định số 54/2009/QĐ-TTg ngày 14/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Định không dành quỹ đất cho phát triển đường sắt. Phần diện tích đất sau khi di dời đường sắt tỉnh cũng đã quy hoạch cụ thể, phục vụ sự phát triển của thành phố.

Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi cho rằng, chưa có sự thống nhất giữa các quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên chưa thể bàn đến các phương án, lộ trình di dời tuyến đường sắt Diêu Trì-Quy Nhơn.

[Hợp long đoạn tuyến trên cao dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội]

Cụ thể, theo Quyết định số 54/2009/QĐ-TTg ngày 14/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2020, có nội dung: giai đoạn sau năm 2010, di dời ga đường sắt Quy Nhơn, chuẩn bị xây dựng tuyến đường sắt nhánh dài 23,2km nối Khu kinh tế Nhơn Hội và cảng biển với tuyến đường sắt quốc gia qua ga Tiền cảng Nhơn Bình.

Trong khi đó, Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, có nội dung: nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp, du lịch: Diêu Trì-Nhơn Hội… đường sắt vào cụm cảng khu vực Nam Trung bộ, Quy Nhơn (Nhơn Hội-Nhơn Bình) và không đề cập đến nội dung di dời tuyến đường sắt Diêu Trì-Quy Nhơn ra khỏi nội thành thành phố Quy Nhơn.

“Nếu thực hiện theo Quyết định 54/2009 quy hoạch của tỉnh Bình Định thì vướng Quyết định 1468/2015 quy hoạch của ngành đường sắt. Do đó, cần có đơn vị tư vấn, đánh giá lại toàn bộ cơ sở pháp lý, quy hoạch thành phố để có cơ sở Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh lại quy hoạch; sau đó mới tính đến các phương án di dời hay không,” ông Khôi đề xuất.

Trước đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất với các kiến nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định và đã có kết luận chỉ đạo về việc ngừng hoạt động tuyến đường sắt Diêu Trì-Quy Nhơn, di dời ga Quy Nhơn ra khỏi nội thành từ ngày 1/3/2012. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên việc dừng hoạt động tuyến đường sắt nói trên vẫn chưa thực hiện được.

Đến ngày 8/10/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có kết luận, đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định nghiên cứu, đánh giá kỹ sự cấp thiết, mục tiêu di dời tuyến đường sắt Diêu Trì-Quy Nhơn và Ga Quy Nhơn.

Nếu phải di dời thì cần tính toán cụ thể phương án thu hồi đất, sử dụng quỹ đất của tuyến đường và ga hiện có, lưu ý đảm bảo mục đích sử dụng đất cho các công trình, dự án công cộng, đảm bảo tính kết nối cho cảng Quy Nhơn và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sau này.

Đồng thời, giao Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, lộ trình chi tiết để triển khai thực hiện. Trên cơ sở phương án thống nhất với tỉnh Bình Định và các bộ, ban ngành liên quan; tham mưu Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để thực hiện…

Tuyến đường sắt Diêu Trì-Quy Nhơn dài 10,3km, có 3 điểm giao cắt với 3 truyến đường chính với Quốc lộ 1, đường Hùng Vương và Nguyễn Tất Thành, đi qua 4 phường nội đô thành phố Quy Nhơn, với tổng diện tích khoảng 49ha.

Ông Phan Cao Thắng cho biết tỉnh đã quy hoạch phần diện tích Ga Quy Nhơn rộng 3,6ha sử dụng để xây dựng các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật; phần diện tích dọc theo tuyến đường sắt sẽ quy hoạch thành đường đô thị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục