Bình Dương dồn toàn lực để trở lại trạng thái bình thường mới

Bình Dương đang vào giai đoạn chạy nước rút để hoàn thành mục tiêu trở lại trạng thái “bình thường mới,” tuy nhiên, việc đáng quan tâm hiện nay số ca ghi nhận mỗi ngày vẫn còn rất lớn.
Bình Dương dồn toàn lực để trở lại trạng thái bình thường mới ảnh 1Ngã tư sân banh Gò Đậu (Bình Dương) đoạn qua địa bàn thành phố Thủ Dầu Một trong ngày công bố về bình thướng mới đã đông xe cộ và người dân ra đường hơn. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Tối 10/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương thông tin trong ngày, trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận 3.563 ca mắc COVID-19 mới.

Như vậy, tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 149.859 ca mắc COVID-19; 1.305 ca tử vong.

Các ca F0 mới phát hiện chủ yếu trong khu phong tỏa

Bình Dương đang vào giai đoạn chạy nước rút để hoàn thành mục tiêu trở lại trạng thái “bình thường mới” từ ngày 15/9. Tuy nhiên, việc đáng quan tâm hiện nay số ca ghi nhận mỗi ngày vẫn còn rất lớn.

Mặc dù ngày 10/9, số ca mắc toàn tỉnh giảm 21,4% so với ngày 9/9, nhưng vẫn ở mức 4 con số. Trong đó, ca mắc tập trung nhiều nhất trong khu phong tỏa (70,7%) và sàng lọc cộng đồng (18,7%).

Hiện, thành phố Thuận An là địa phương dẫn đầu tỉnh về số ca mắc trong ngày với 2.013 ca; trong đó qua sàng lọc cộng đồng ghi nhận 463 ca. Tiếp đến là thị xã Bến Cát 503 ca, thành phố Dĩ An 450 ca, thị xã Tân Uyên 289 ca...

Thành phố Thủ Dầu Một (vừa công bố chuyển hóa từ “vùng đỏ” thành “ vùng xanh” và trở về trạng thái bình thường mới) cũng ghi nhận thêm 232 ca mắc mới, trong đó có 143 ca qua sàng lọc trong cộng đồng.

Hiện, các cơ sở y tế đang thu dung điều trị 51.447 bệnh nhân; trong đó bệnh nhân nặng đang điều trị tầng 3 gồm 1.479 ca.

[Bình Dương: Người đã tiêm vaccine COVID-19 sau 14 ngày được ra đường]

Toàn tỉnh vẫn còn 1.216 khu vực phong tỏa (tập trung nhiều ở thành phố Dĩ An 585 khu, thành phố Thuận An 265 khu, thị xã Tân Uyên 102 khu…) với 118.741 người trong khu vực phong tỏa.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương, Bình Dương được đánh giá là địa phương có diễn biến dịch COVID-19 phức tạp nhất cả nước, nguyên nhân là do khu vực xảy ra dịch tập trung công nhân, người thuê nhà trọ; đặc biệt những nhà máy đan xen với nhà trọ.

Trong khi đó, những nhà trọ ở Bình Dương xây dựng từ rất lâu theo một mô hình cũ, nên rất chật, đông người; điều kiện sống tốt. Điều kiện đó làm lây lan virus trong cộng đồng rất nhiều. Mặc dù, tỉnh siết chặt giãn cách xã hội nhưng biến chủng Delta không chỉ lây qua tiếp xúc, còn lây qua không khí, nên ở nhà trọ không tiếp xúc vẫn có thể lây. Đây là vấn đề làm phát sinh F0 rất nhiều.

Nguyên nhân thứ hai là Bình Dương kiên quyết làm xét nghiệm bóc tách F0 trong cộng đồng, không bỏ sót trường hợp nào nhằm kiểm soát cho được dịch bệnh trong cộng đồng, nên hầu hết mọi người được xét nghiệm. Đặc biệt, người dân ở khu nhà trọ xét nghiệm rất nhiều, liên tục - ông Nguyễn Hồng Chương cho hay.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, việc phòng, chống dịch trên địa Bình Dương đang được kiểm soát; trong đó, ở những vùng không có nhiều khu nhà trọ tương đối yên ổn và đã chuyển hóa "vùng xanh."

Ngày 10/9, trao đổi với phóng viên tại buổi lễ công bố thành phố Thủ Dầu Một là “vùng xanh,” Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao cho biết, tỉnh đang huy động lực lượng từ “vùng xanh” hỗ trợ cho “vùng đỏ” với quyết tâm dồn toàn lực để hoàn thành việc xét nghiệm bóc tách hết F0 còn phát sinh trong động đồng tại những khu vực còn “vùng đỏ” ; qua đó nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch để đưa Bình Dương trở về trạng thái bình thường mới.

Những thách thức, khó khăn

Tại Kỳ họp thứ 2 Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương khóa X diễn ra chiều 10/9, nhiều đại biểu tham dự đã đánh giá những khó khăn, thách thức do dịch COVID-19; qua đó đề xuất lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh nhanh chóng chỉ đạo các cấp, ngành sớm đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi kinh tế-xã hội, chăm lo sức khỏe cho nhân dân.

Bình Dương dồn toàn lực để trở lại trạng thái bình thường mới ảnh 2Người dân phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương xếp hàng ngồi chờ đến lượt tiêm vaccine Vero Cell. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Trần Thành Trọng đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi, dập dịch triệt để; đồng thời chú trọng tiêm vaccine cho người dân, công nhân lao động để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Đại biểu Hà Thúc Viên nêu ý kiến ngân hàng cần giãn, giảm lãi suất và khoanh nợ lãi suất vay đối với doanh nghiệp khó khăn do dịch COVID-19.

Sau khi trở về trạng thái bình thường mới, cần quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho giai đoạn phát triển mới.

Theo ông Hà Thúc Viên, nơi nào có trường đại học và viện nghiên cứu phát triển mạnh, vùng đó phát triển kinh tế rất cao.

Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương Trần Thị Minh Hạnh cho rằng, trong giai đoạn tới, tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường; theo đó về nội tại nền kinh tế của tỉnh đang gặp nhiều thách thức ở phía trước, tiềm ẩn rủi ro.

Nhiều đại biểu kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh tăng cường chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất kinh doanh; cải thiện môi trường kinh doanh, sản xuất; chú trọng cải cách thủ tục hành chính cải cách theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản.

Tại kỳ họp này, các đại biểu đã thống nhất biểu quyết thông qua một số nghị quyết quan trọng về phục hồi kinh tế-xã hội. Đáng chú ý là Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2022 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về tình hình và kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 và những nghị quyết về trợ cấp xã hội trên địa bàn tỉnh…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục