Bình Dương: Thả 30 triệu muỗi mang Wolbachia phòng sốt xuất huyết

Các nghiên cứu đến nay cho thấy khi muỗi vằn có mang vi khuẩn Wolbachia sẽ giúp làm giảm lây truyền các mầm bệnh như sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika, virus Chikungunya và sốt vàng da ở người.
Bình Dương: Thả 30 triệu muỗi mang Wolbachia phòng sốt xuất huyết ảnh 1Treo thí điểm cốc nuôi nang chứa trứng muỗi vằn mang Wolbachia trước cửa nhà dân. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

Sáng 24/3, tại Bình Dương, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với ngành Y tế tỉnh Bình Dương tổ chức triển khai Dự án Wolbachia khu vực phía Nam tại thành phố Thủ Dầu Một, bắt đầu chiến dịch thả 30 triệu muỗi mang Wolbachia để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Wolbachia là dự án thả trứng muỗi hoặc muỗi vằn mang Wolbachia để kiểm soát bệnh sốt xuất huyết. Wolbachia là vi khuẩn tự nhiên hiện diện ở khoảng 60% các loài côn trùng như chuồn chuồn, ruồi giấm, bươm bướm và muỗi; không có biến đổi gene muỗi, an toàn cho người, động vật và môi trường.

Các nghiên cứu đến nay cho thấy khi muỗi vằn có mang vi khuẩn Wolbachia sẽ giúp làm giảm lây truyền các mầm bệnh như sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika, virus Chikungunya và sốt vàng da ở người.

Sau khi được thả ra, muỗi vằn mang Wolbachia sẽ giao phối với muỗi hoang dã tại địa phương và giúp truyền Wolbachia trong đàn muỗi. Bằng cách này, dần dần nhóm muỗi vằn mang Wolbachia trong tự nhiên sẽ được nhân lên ngày càng nhiều; từ đó, sẽ giúp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh nguy hiểm do muỗi vằn.

Bình Dương thực hiện thả muỗi trong khoảng 20 tuần, mỗi tuần thả 1,5 triệu trứng, kéo dài từ tháng Ba đến tháng Tám năm nay tại 2.707 điểm thuộc 5 phường của thành phố Thủ Dầu Một là: Phú Cường, Phú Hòa, Phú Lợi, Hiệp Thành và Chánh Nghĩa.

[Ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên trong năm tử vong do sốt xuất huyết]

Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết bệnh sốt xuất huyết là bệnh lây nhiễm từ muỗi vằn, thường bùng phát mạnh vào mùa mưa tại những nơi đô thị đông người và có vệ sinh môi trường kém. Đặc biệt, những nơi có nhiều vật chứa nước đọng là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và đi hút máu người, gây lây nhiễm virus Dengue.

Tỉnh Bình Dương là vùng lưu hành bệnh sốt xuất huyết và bùng phát dịch theo chu kỳ với số ca mắc tăng hàng năm (từ 4.370 mắc/5 ca tử vong năm 2020 tăng lên 5.636 mắc/2 ca tử vong năm 2021). Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ngành Y tế tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết như kiểm soát lăng quăng, muỗi vằn tại hộ gia đình dựa vào cộng đồng qua việc loại bỏ các dụng cụ chứa nước, đậy kín, sử dụng cá bảy màu ăn lăng quăng, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng… Tuy nhiên, hoạt động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiện chủ yếu là kiểm soát lăng quăng, muỗi vằn tại hộ gia đình hoặc tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, giám sát ca bệnh, xử lý ổ dịch, phân lập vi rút, phun hóa chất diệt muỗi. Những phương pháp này mang lại hiệu quả nhất định nhưng chưa bền vững.

Theo ông Huỳnh Thanh Hà, phương pháp này được triển khai sẽ mang lại triển vọng to lớn, giúp khống chế chủ động, lâu dài bệnh sốt xuất huyết và Zika. Việc thả muỗi thí điểm ở thành phố Nha Trang cho thấy phương án này khá an toàn, muỗi mang Wolbachia không gây ra bất cứ vấn đề gì với sức khỏe con người hay môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, muỗi Wolbachia có khả năng duy trì lâu dài và hầu như không còn sự lan truyền bệnh sốt xuất huyết đáng kể nào ở những khu vực mà muỗi Wolbachia đã chiếm ưu thế trong quần thể muỗi văn địa phương.

Hiện nay, tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vaccine phòng bệnh. Trong khi đó, các biện pháp truyền thống chưa giải quyết triệt để vấn đề phòng, chống bệnh này một cách lâu dài. Vì vậy, việc ứng dụng một phương pháp mới để phòng, chống bệnh là điều hết sức cần thiết, nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, xã hội và nền kinh tế nói chung.

Ở Việt Nam, phương pháp này đã được triển khai tại thành phố Nha Trang từ năm 2013 với sự đồng thuận lớn của cộng đồng người dân nơi đây. Bộ Y tế đã cho phép thực hiện phương pháp này ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và tiếp đến là thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Tính đến ngày 31/12/2021, chương trình muỗi thế giới (WMP) đã triển khai thả muỗi Wolbachia tại 11 quốc gia của 3 châu lục với tổng dân số hơn 8,5 triệu người và tổng diện tích bao phủ là 1.416km2./.

Tin cùng chuyên mục