Bộ GTVT có tiến độ giải ngân cao hơn mức bình quân chung cả nước

Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế đột phá để huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để có nhiều dự án mới.
Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục là một trong những bộ ngành có tiến độ giải ngân cao hơn mức bình quân chung của cả nước. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục là một trong những bộ ngành có tiến độ giải ngân cao hơn mức bình quân chung của cả nước. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch đầu tư và bố trí nguồn vốn có ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm các dự án giao thông đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, thu hút nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Giải ngân vốn đầu là điểm sáng

Báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải chiều 13/1, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy, trên cơ sở kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, tính đến ngày 31/12/2022, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân lên đến 47.905 tỷ, khoảng 87% kế hoạch bao gồm cả phần vốn chỉ mới được giao bổ sung vào tháng 10/2022. Dự kiến hết năm tài chính, khối lượng giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải sẽ đạt 95,7% tổng kế hoạch được giao.

“Với kết quả này, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục là một trong những bộ ngành có tiến độ giải ngân cao hơn mức bình quân chung của cả nước,” Thứ trưởng Huy nói.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch đầu tư và bố trí nguồn vốn có ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu xây dựng cơ chế đột phá để huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương châm vốn nhà nước là vốn mồi, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Đối với các dự án đang triển khai, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để giải quyết khó khăn về vật liệu, công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá nhiên liệu, vật liệu; tăng cường kiểm tra hiện trường, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động xây dựng, cản trở tiến độ giải ngân.

[Bộ GTVT đặt mục tiêu giải ngân hơn 94.100 tỷ đồng trong năm 2023]

Bổ sung thêm, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, năm 2022, tỷ lệ giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải là rất lớn. Tỷ lệ và giá trị giải ngân cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.

"Năm 2022, kết quả giải ngân của Bộ Giao thôn Vận tải vẫn đạt tỷ lệ cao, là cứu cánh cho tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước trong năm 2022,” bà Ngọc nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Ngọc, tính đến nay, 4/5 quy hoạch chuyên ngành của Bộ Giao thông Vận tải đã được phê duyệt, đây là cơ sở quan trọng để triển khai thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới.

Xác định năm 2023 là năm tăng tốc trong kỳ trung hạn 2021-2025 nhằm cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc, Thứ trưởng Ngọc nhìn nhận, nhiệm vụ của Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian tới sẽ rất nặng nề và khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành giao thông hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Quá trình triển khai, các Bộ, ngành đã cùng Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành hệ thống thể chế cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn, tạo hành lang pháp lý để các dự án thực hiện thuận lợi hơn đồng thời việc huy động, phân bổ nguồn lực cho đầu tư hạ tầng giao thông thời gian qua chủ yếu sử dụng vốn đầu tư công và việc huy động nguồn lực xã hội còn hạn chế,” Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Sẽ sớm có kết quả dùng cát biển thi công cao tốc

Liên quan về tình hình nghiên cứu cát biển làm vật liệu đắp cho các dự án cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết theo báo cáo, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường cho các dự án đường cao tốc khu vực này (khởi công trong giai đoạn 2022-2025) lên tới 40 triệu m3. Trong đó, năm 2023 cần khoảng 17 triệu m3, năm 2024-2025 cần khoảng 23 triệu m3.

[Sẽ nghiên cứu giải pháp sử dụng cát biển để làm cao tốc Bắc-Nam]

Ngoài ra, nhu cầu cát làm vật liệu san lấp cho các công trình hạ tầng kỹ thuật của các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 lên tới hàng trăm triệu m3. Trong khi đó, nguồn cát từ khai thác cát lòng sông chỉ đáp ứng được khoảng 50% trữ lượng.

Bộ GTVT có tiến độ giải ngân cao hơn mức bình quân chung cả nước ảnh 1Cuối năm 2023 có thể công bố kết quả việc sử dụng cát biển làm vật liệu thi công cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn bị nguồn vật liệu đắp nền (cát, đất…) cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long để đánh giá tài nguyên cát biển.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết sẽ có kết quả giai đoạn 1 trong tháng 8/2023 và báo cáo toàn bộ tài nguyên trữ lượng tại khu vực trong tháng 12/2023. Dự kiến, cuối năm 2023 có thể công bố kết quả việc sử dụng cát biển có đáp ứng, đảm bảo điều kiện kỹ thuật, an toàn môi trường xung quanh trong sử dụng đắp nền thi công cao tốc," ," Thứ trưởng Kiên quả quyết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục