Bộ Tài chính: Làm rõ các vấn đề liên quan đến hoạt động của hải quan

Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị đã tạm dừng đưa hàng về bảo quản đối với bốn doanh nghiệp có hành vi không đưa động vật nhập khẩu về nơi cách ly kiểm dịch, để chờ kiểm tra và xử lý theo quy định.
Bộ Tài chính: Làm rõ các vấn đề liên quan đến hoạt động của hải quan ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Tài chính vừa chính thức có văn bản thông tin và làm rõ các vấn đề liên quan đến lĩnh vực hải quan.

Cụ thể, báo chí vừa qua có phản ánh vụ việc “lợn nhập khẩu chưa qua kiểm dịch được phù phép về thẳng lò mổ,” tại cửa khẩu Lao Bảo. Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, xác minh làm rõ, đảm bảo đúng quy trình thực hiện thủ tục hải quan.

Theo đó, ngày 22/1, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị (Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo) đã có Công văn số 168/HQLB-TTHHXNK gửi Chi cục Thú y vùng II đề nghị cung cấp thông tin về lô hàng nhập khẩu liên quan đến nội dung được phản ánh.

Tiếp đến, ngày 30/1, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị có Công văn số 208/HQLB-TTHHXNK gửi Chi cục Thú y vùng I, II, III đề nghị cung cấp thông tin chi tiết về các lô hàng lợn sống dùng để giết mổ và lợn giống nhập khẩu qua cửa khẩu Lao Bảo chưa có kết quả kiểm dịch (trong thời hạn 30 ngày) đến hết ngày 30/1.

Kết quả, ngày 3/2, Trạm Kiểm dịch động vật Lao Bảo có công văn số 10/KDĐV gửi Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị, thông tin Cục Thú y đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không đưa động vật nhập khẩu về nơi cách ly kiểm dịch theo quy định đối với bốn doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng lợn sống dùng để giết mổ qua cửa khẩu Lao Bảo.

Với các căn cứ trên, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị đã tạm dừng đưa hàng về bảo quản đối với bốn doanh nghiệp nêu trên trong thời gian chờ kiểm tra, xác minh đồng thời gửi giấy mời yêu cầu các doanh nghiệp trên đến làm việc để làm rõ các nội dung liên quan và xử lý theo quy định.

Cũng liên quan đến lĩnh vực hải quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây có công văn số 580/BNN-TCTS về việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm, trong đó có đề nghị “Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc Danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.”

Về việc này, Bộ Tài chính cho biết ngày 18/2, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 808/TCHQ-GSQL chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thống nhất về chính sách và thủ tục nhập khẩu cá tầm (Gửi kèm công văn 808/TCHQ-GSQL).

Ngoài ra, một nội dung “nóng” khác cũng được dư luận quan tâm trong thời gian qua, đó là việc xử lý đối với container tồn đọng là phế liệu không thuộc danh mục theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện các giải pháp giải quết vấn đề trên, Bộ Tài chính cho biết ngày 22/1, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 333/TCHQ-GSQL hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng biển. Theo đó, những phế liệu tồn đọng thuộc danh mục theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ và đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường: Yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện xác lập quyền sở hữu toàn dân và thuê tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các loại phế liệu không thuộc danh mục theo Quyết định số 73  nhưng không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường: Các cục hải quan lập biên bản vi phạm hành chính đối với hãng tàu và ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất hoặc buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo thẩm quyền./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục