Bộ trưởng Thể thao Indonesia từ chức vì nghi án tham nhũng

Tổng thống Indonesia cho biết đã nhận được thư từ chức của ông Nahrawi và chính phủ sẽ thảo luận để quyết định giữa 2 phương án là tìm người thay thế ông này hoặc bổ nhiệm một bộ trưởng lâm thời.
Bộ trưởng Thể thao Indonesia từ chức vì nghi án tham nhũng ảnh 1Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Imam Nahrawi, bên trái. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 19/9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Imam Nahrawi nộp đơn xin từ chức sau khi Cơ quan chống tham nhũng (KPK) tuyên bố ông này là nghi phạm của một vụ án tham nhũng.

Phát biểu trước báo giới, ông Widodo cho biết đã nhận được thư từ chức của ông Nahrawi và chính phủ sẽ thảo luận để quyết định giữa 2 phương án là tìm người thay thế ông này hoặc bổ nhiệm một bộ trưởng lâm thời.

Đây là bộ trưởng thứ 2 trong nội các của ông Widodo vướng vào vụ án tham nhũng này.

Trước đó, hôm 18/9, KPK tuyên bố ông Nahrawi và một trợ lý tại Bộ Thể thao và Thanh niên Indonesia là nghi phạm của vụ án tham nhũng liên quan tới bộ trên và Ủy ban Thể thao quốc gia Indonesia (KONI).

[Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Indonesia vướng nghi án tham nhũng]

Theo KPK, ông Nahrawi bị cáo buộc nhận 26,5 tỷ rupiah (khoảng 1,88 triệu USD) tiền hối lộ để thông qua đề xuất trợ cấp cho ủy ban trên trong ngân sách năm 2018. Số tiền hối lộ đã được ông Nahrawi sử dụng vào mục đích cá nhân.

Một số đại diện của ủy ban trên đã 5 lần chuyển tiền hối lộ cho ông Narahwi thông qua trợ lý của ông này.

Những người đưa hối lộ cùng 3 nhân viên khác từ cả hai cơ quan cũng đã bị tuyên là nghi phạm điều tra.

Phát biểu trên sóng truyền hình tối 19/9, ông Nahrawi khẳng định mình vô tội và cam kết phối hợp với KPK trong cuộc điều tra.

Vụ án tham nhũng này bắt đầu được biết đến sau khi KPK triển khai một chiến dịch hồi tháng 12/2018 và tịch thu 7,4 tỷ rupiah.

Liên quan tới vụ án, hồi tháng Tư vừa qua, một tòa án tham nhũng đặc biệt đã tuyên án cựu Bộ trưởng Xã hội Idrus Marham 3 năm tù giam vì nhận hối lộ.

Kể từ khi thành lập năm 2002, KPK đã truy tố hàng trăm chính trị gia, quan chức và doanh nhân và trở thành một trong những cơ quan được "kiêng nể" nhất tại Indonesia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục