Brexit: Thủ tướng Anh tìm sự ủng hộ của nghị sỹ bất đồng ý kiến

Sau khi các cuộc đàm phán với Công đảng đối lập nhằm tháo gỡ bế tắc cho Brexit đổ vỡ, Thủ tướng May phải tìm hướng đi mới, trong đó có việc giành sự ủng hộ của các nghị sỹ bất đồng ý kiến.
Brexit: Thủ tướng Anh tìm sự ủng hộ của nghị sỹ bất đồng ý kiến ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 17/5, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May cho biết chính phủ đang xem xét các bước đi tiếp theo, trong đó có việc cố giành được sự ủng hộ của các nghị sỹ bất đồng ý kiến, sau khi các cuộc đàm phán với Công đảng đối lập nhằm tháo gỡ bế tắc cho thỏa thuận Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu -EU) đổ vỡ.

Theo người phát ngôn trên, mặc dù hai bên đạt được một số tiến bộ thực sự trong một số vấn đề, song không thể đạt được sự đồng thuận trong các vấn đề như thuế quan và cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về Brexit.

Thủ tướng Anh sẽ nỗ lực để đảm bảo giành được sự ủng hộ của Quốc hội đối với thỏa thuận Brexit và sẽ đàm phán với các nghị sỹ trong đảng Bảo thủ của bà và đảng Bắc Ireland nhỏ hơn nhằm tìm kiếm sự ủng hộ đối với thỏa thuận này.

[Thủ tướng Anh sẽ thông báo thời điểm từ chức vào đầu tháng 6 tới]

Sau khi cuộc đàm phán với chính phủ thất bại, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cho rằng toàn bộ thỏa thuận của Brexit không có cơ hội được thông qua tại Quốc hội Anh vào cuối tháng Bảy tới.

Theo ông, cuộc đàm phán với chính phủ không đạt kết quả mong muốn là do về cơ bản London không thay đổi lập trường của mình. Ông còn cho biết, không có thỏa thuận nào về cách thức Quốc hội phải tiến tới.

Khi được hỏi về cuộc bỏ phiếu kêu gọi các nghị sỹ thể hiện ủng hộ việc rời khỏi EU trước ngày 31/7, lãnh đạo Công đảng đối lập nói: "Tôi không nghĩ rằng chúng ta có được sự đồng thuận của toàn bộ Quốc hội vào cuối tháng Bảy đối với tất cả các giai đoạn của một dự luật lớn gây tranh cãi. Chúng tôi sẽ không ủng hộ điều đó."

Cùng ngày, một nguồn tin từ văn phòng của Thủ tướng May cho biết nếu các nghị sỹ không thông qua luật phê chuẩn Brexit trước kỳ nghỉ Hè của Quốc hội, các lựa chọn hiện có sẽ trở nên “khó chấp nhận hơn nhiều vì những tranh cãi về ‘không thỏa thuận’ và nên hay không rút lại hoàn toàn Điều khoản 50, sẽ trở nên căng thẳng hơn."

Chính phủ Anh dự kiến đưa Dự luật Thỏa thuận Rút (khỏi EU) ra thảo luận và bỏ phiếu vào tuần đầu tiên của tháng Sáu, song Công đảng đối lập và những nhân vật chống đối trong đảng Bảo thủ của bà May cho biết họ có kế hoạch phản đối đề xuất này.

Trước đó, cùng ngày, lãnh đạo Công đảng Corbyn đã gửi thư cho Thủ tướng May, tuyên bố chấm dứt tiến trình đàm phán giữa đảng này và Chính phủ Anh với một trong những lý do là hai bên không thể thu hẹp những khoảng cách chính trị.

Phản ứng trước cuộc đàm phán giữa Chính phủ Anh và Công đảng đối lập thất bại, Thủ tướng Ireland LeoVaradkar cho biết đàm phán thất bại là một diễn tiến rất tiêu cực.

Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia RTE, Thủ tướng Varadkar nói: "Đây là một diễn tiến rất nghiêm trọng và không may là diễn tiến rất tiêu cực."

Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết quan niệm của Brexit về cơ bản là sai lầm và gây nên sự hỗn loạn ở Anh.

Phát biểu với các phóng viên tại La Haye (Hà Lan), Thủ tướng Rutte nói: "Tôi cho rằng toàn bộ quan niệm về Brexit là sai lầm. Việc Anh rời EU đang gây ra sự hỗn loạn lớn ở Anh. Đó là một sự thực."

Thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May từng bị bác bỏ 3 lần tại Quốc hội Anh, buộc bà phải xin gia hạn Brexit hai lần và hạn chót là ngày 31/10 tới Anh sẽ phải chính thức rời EU.

Brexit: Thủ tướng Anh tìm sự ủng hộ của nghị sỹ bất đồng ý kiến ảnh 2Thủ tướng Anh Theresa May (giữa) phát biểu trong một phiên chất vấn tại Hạ viện ở thủ đô London. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tháng trước, bà May quyết định tổ chức đàm phán với Công đảng đối lập với hy vọng tìm ra lối thoát cho những bế tắc hiện tại.

Tuy nhiên, mong muốn của Công đảng duy trì mối quan hệ thương mại gần gũi với EU đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền và đây cũng là một trong những trở ngại rất lớn với mục tiêu kể trên.

Chính lãnh đạo Công đảng cũng luôn hoài nghi về khả năng Thủ tướng May có thể vận động nội bộ đảng Bảo thủ ủng hộ bất kỳ thỏa hiệp nào mà hai bên đạt được sau đàm phán.

Việc Công đảng chấm dứt đàm phán càng khiến hy vọng tháo gỡ bế tắc và tìm kiếm ủng hộ của Quốc hội với thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May trở nên mong manh hơn.

Nghị sỹ Công đảng Hilary Benn nhận định nếu đàm phán đổ vỡ, khả năng Anh phải tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit sẽ rất cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục