Hoạt động buôn bán vũ khí nhỏ lẻ, chủ yếu từ Mỹ, thông qua các các công ty vận tải biển, hàng không thương mại và bưu chính góp phần làm tỷ lệ bạo lực súng đạn ngày càng tăng cao tại khu vực Caribe. Đây là một phần nội dung báo cáo được Cơ quan giám sát vũ khí hạng nhẹ có trụ sở tại Geneva công bố ngày 26/4.
Theo báo cáo, các nước khu vực Caribe ghi nhận số người thiệt mạng vì bạo lực cao gấp ba lần mức trung bình toàn cầu, thường do súng gây ra, mặc dù các nước này đã siết chặt các quy định về quyền sở hữu súng và hạn chế sản xuất trong nước.
Ông Matt Schroeder, nhà nghiên cứu cấp cao của Small Arms Survey cho biết các chuyến buôn lậu nhỏ lẻ qua đường biển đến Caribe thường gồm tối đa vài chục khẩu súng hoặc vài trăm băng đạn được những đối tượng buôn lậu giấu trong thực phẩm hoặc quần áo.
[Hơn 50% người Mỹ trưởng thành đã trải qua vụ việc liên quan súng đạn]
Báo cáo chỉ ra rằng các vấn đề logistic cản trở việc sàng lọc các chuyến hàng container và các kiện hàng gửi đến khu vực này, do đó các đối tượng buôn lậu không mất nhiều công sức hay tiền bạc để ngụy trang các vũ khí gây chết người này trong hàng nghìn lô hàng được vận chuyển mỗi ngày.
Cũng theo báo cáo, hơn một nửa trong số 29 mạng lưới buôn lậu mà cơ quan này tiến hành khảo sát thông qua tài liệu của tòa án đã buôn lậu vũ khí và đạn dược vào khu vực Caribe, trong khi có gần 20% số chuyến bay thương mại và 10% dịch vụ bưu chính được các nhóm tội phạm lợi dụng để tuồn vũ khí vào các nước này.
Đôi khi những vụ buôn lậu vũ khí này có sự "tiếp tay" của giới chức sân bay hoặc lực lượng thực thi pháp luật tham nhũng. Hầu hết các khẩu súng lục bị tịch thu trong khu vực Caribe là sản phẩm của các nhà sản xuất của Mỹ gồm Glock, Beretta, Smith &Wesson và Taurus.
Tuần trước, lãnh đạo các nước ở khu vực Caribe tuyên bố sẽ cấm các loại vũ khí dân sự có khả năng gây sát thương trên toàn khu vực. Các nước này cũng bày tỏ ủng hộ vụ kiện do chính phủ Mexico thúc đẩy nhằm buộc các nhà sản xuất súng của Mỹ phải chịu trách nhiệm khi để vũ khí tuồn ra nước ngoài phi pháp./.