Các đảng đối lập tại Iceland đàm phán thành lập chính phủ liên minh

Nếu 5 đảng trên vượt qua được những bất đồng chính trị để thành lập chính phủ liên minh đa số, thì đây mới chỉ là chính phủ thứ hai theo đường lối trung-tả tại Iceland kể từ năm 1944.
Các đảng đối lập tại Iceland đàm phán thành lập chính phủ liên minh ảnh 1Thủ tướng Iceland Sigurdur Ingi Johannsson (thứ 2 trái) và lãnh đạo các đảng phái chờ thông tin về kết quả thăm dò cuộc bầu Quốc hội tại Reykjavik. (Nguồn: AP/TTXVN)

Bế tắc chính trị tại Iceland từ sau cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn ngày 29/10 có dấu hiệu sẽ được tháo gỡ, sau khi 5 đảng đối lập tại nước này đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức nhằm thành lập một chính phủ đa số mới.

Truyền thông Iceland ngày 20/11 đưa tin, Phong trào Xanh-Tả cùng 4 đảng đối lập khác có ghế trong Quốc hội Iceland gồm đảng Pirate (Hải tặc), đảng Vidreisn (Phục hưng), đảng Tương lai tươi sáng và đảng Liên minh Dân chủ Xã hội, sẽ cử đại diện tham gia những cuộc họp về chính sách diễn ra trong tuần này nhằm xác định cơ sở cho một chính phủ liên minh.

Nếu 5 đảng trên vượt qua được những bất đồng chính trị để thành lập chính phủ liên minh đa số, thì đây mới chỉ là chính phủ thứ hai theo đường lối trung-tả tại Iceland kể từ khi quốc gia này tuyên bố độc lập năm 1944.

Ngày 16/11 vừa qua, Tổng thống Iceland Gudni Johannesson đã giao lại quyền đứng ra thành lập chính phủ mới cho bà Katrin Jakobsdottir lãnh đạo Phong trào Xanh-Tả, sau khi ông Bjarni Benediktsson, lãnh đạo đảng Độc lập thất bại trong việc thành lập một chính phủ liên minh theo đường lối trung hữu.

Đảng Độc lập của ông Bjarni Benediktsson dẫn đầu trong cuộc bầu cử sớm vừa qua tại Iceland với 21 trong tổng số 63 ghế quốc hội.

Tuy nhiên đối tác còn lại của đảng Độc lập trong liên minh cầm quyền là đảng Tiến bộ chỉ giành được 8 ghế, dẫn đến việc lãnh đạo đảng này là Thủ tướng Sigurdur Ingi Johannsson phải tuyên bố từ chức sau ngày 29/10.

Nỗ lực thành lập chính phủ liên minh sau đó giữa đảng Độc lập với hai đảng khác là đảng Vidreisn (Phục hưng) và Tương lai tươi sáng đã thất bại do những bất đồng xoay quanh vấn đề quản lý nghề cá và gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Chính trường Iceland trở nên chao đảo hồi đầu tháng Tư vừa qua sau khi Thủ tướng David Gunnlaugsson phải từ chức do những áp lực sau vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama."

Khó khăn kinh tế và khủng hoảng chính trị khiến Iceland tiếp tục lâm vào tình trạng bất ổn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục