Các địa phương siết chặt công tác phòng, chống dịch COVID-19

Tối 2/7, rạng sáng 3/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, triển khai xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 ở Chợ đầu mối; UBND tỉnh Long An quyết định lập Bệnh viện dã chiến....
Các địa phương siết chặt công tác phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 1Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho tiểu thương chợ đêm Pleiku. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)

Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành phố, trong tối 2/7 và rạng sáng 3/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, đã triển khai xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 tại Chợ đầu mối (chợ đêm).

Lực lượng chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho khoảng 500 người bằng phương pháp Realtime-PCR. Việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 tại chợ nhằm phát hiện kịp thời trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 để triển khai các biện pháp chống dịch, không để dịch lan rộng.

Bên cạnh việc lấy mẫu tầm soát các tiểu thương tại khu vực chợ đêm Pleiku, lực lượng chức năng cũng tập trung nắm bắt, lấy mẫu các tài xế xe tải đi và đến khu vực chợ đêm.

Theo thống kê sơ bộ, khu vực này thường xuyên có khoảng 200 tài xế xe tải thường xuyên vận chuyển hàng hóa đi và đến, trong đó có nhiều tài xế ngoại tỉnh. Ghi nhận tại điểm lấy mẫu, nhờ chủ động công tác tuyên truyền, nắm số liệu các tài xế, hầu hết các tài xế đã chủ động thực hiện khai báo y tế, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm.

Tính đến ngày 3/7, tỉnh Gia Lai ghi nhận 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 1 trường hợp là bệnh nhân 6601 đã được xuất viện còn lại 3 bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.

Trước tình hình dịch COVID-19 tại các tỉnh lân cận Bình Định, Phú Yên, Đắk Nông… tỉnh Gia Lai đã và đang thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch.

Ông Hồ Ngọc Gia, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết bên cạnh việc lấy mẫu tầm soát khu vực có nguy cơ cao, hiện đơn vị cũng đang thực hiện nghiêm ngặt việc giám sát người trở về từ vùng dịch. Đối với các trường hợp đi về từ các địa phương có dịch, thực hiện cách ly y tế theo quy định, lấy mẫu xét nghiệm ngay khi trở về tỉnh Gia Lai.

Sau khi tạm dừng 72 giờ để thực hiện xét nghiệm sàng lọc, rà soát các trường hợp liên quan các ca bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Long An, bệnh viện tiếp tục tạm ngưng nhận bệnh nhân thêm 7 ngày, từ 21h ngày 2/7 cho đến 21h ngày 9/7 tới để tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

[Việt Nam ghi nhận thêm 330 ca mắc COVID-19 trong buổi trưa 3/7]

Sở Y tế tỉnh Long An yêu cầu, trong thời gian tạm ngưng tiếp nhận bệnh, trường hợp bệnh nhân nặng cần chuyển tuyến liên hệ các Bệnh viện đa khoa khu vực hoặc chuyển tuyến trên.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế đã thành lập tổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Long An. Trong đó, Tổ trưởng là Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh Hoàng Quốc Cường, các thành viên gồm các cán bộ, y, bác sỹ, chuyên gia đến từ Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổ công tác có nhiệm vụ hỗ trợ việc tổ chức triển khai các hoạt động lấy mẫu; hướng dẫn thực hiện xét nghiệm; hỗ trợ công tác điều trị; hướng dẫn bảo đảm an toàn sinh học; phòng chống dịch, xử lý dịch trong khu cách ly, khu công nghiệp, công sở, trường học, khu vực công cộng. Đoàn bắt đầu công tác hỗ trợ tỉnh Long An từ ngày 1/7.

Trước đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An cũng đã phát đi thông báo khẩn, tìm những ai từng đến nuôi bệnh, xuất viện tại Bệnh viện Đa khoa Long An từ ngày 15 đến 29/6/2021 khẩn trương liên hệ trạm y tế xã, phường (hoặc cơ sở y tế gần nhất) để khai báo y tế theo quy định.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An cũng đã có quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến số 3 tại Trung tâm Y tế huyện Thạnh Hóa.

Sáng 3/7, Trung tâm Y tế huyện Thạnh Hóa phát đi thông báo về việc tạm dừng tiếp nhận cấp cứu, khám và điều trị bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Thạnh Hóa từ 12h00 ngày 3/7 để chuyển sang điều trị bệnh nhân COVID-19 cho đến khi có thông báo mới. Công tác khám chữa bệnh, cấp cứu cho người dân trong huyện chuyển sang các cơ sở y tế lân cận của huyện Thủ Thừa, Tân Thạnh, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hậu Nghĩa.

Trước đó, tỉnh Long An đã thành lập 2 Bệnh viện dã chiến số 1 và 2 tại Bệnh viện Phổi Long An và Trung tâm Y tế huyện Tân Trụ.

Các địa phương siết chặt công tác phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 2Người dân đến Trạm y tế xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa khai báo y tế và cung cấp thông tin cho công tác phòng, chống dịch. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN )

Ngày 3/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bạc Liêu đã có thông cáo báo chí về trường hợp F1 của 2 bệnh nhân 18129 và 18130 có xét nghiệm PCR dương tính ngày 2/7.

Theo đó, lúc 22 giờ ngày 2/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bạc Liêu tiến hành truy vết và lấy mẫu xét nghiệm cho 7 trường hợp F1 của bệnh nhân 18129 và 18130 đi từ Thành phố Hồ Chí Minh về huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Kết quả PCR khẳng định mẫu bệnh phẩm của bé T.D.K (sinh năm 2015 ở ấp Bình Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) dương tính với SARS-CoV-2. Tiếp xúc với bé K có 23 F1, 75 F2.

Như vậy, hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; tất cả đang được theo dõi, điều trị tại Trung tâm y tế huyện Đông Hải.

Sáng 3/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã có công văn số 2633/UBND-KGVX về việc quản lý siết chặt người Bạc Liêu trở về từ vùng dịch vào tỉnh nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, từ 21 giờ ngày 3/7, áp dụng cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn trong thời gian 21 ngày đối với tất cả công dân Bạc Liêu trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang.

Các trường hợp thuộc diện nêu trên phải được phát hiện thông qua khai báo y tế hoặc các biện pháp nghiệp vụ khác) tại các chốt, trạm kiểm soát giao thông và phải được tổ chức đưa đi cách ly tập trung ngay. Trường hợp “lọt” qua chốt, trạm thì khi vào địa bàn phải được phát hiện kịp thời và phải cưỡng chế đưa đi cách ly tập trung ngay.

Mọi trường hợp né tránh không khai báo, khai báo không trung thực, khai báo trễ sau khi đã vào địa bàn phải bị xem là vi phạm pháp luật về công tác phòng, chống dịch và phải chịu xử lý nghiêm theo mức cao nhất trong khung quy định (kể cả xử lý hình sự, nếu có). Ngoài ra, khuyến khích người dân tại địa phương cung cấp thông tin kịp thời cho chính quyền cơ sở đối với các trường hợp nghi vấn trở về từ vùng dịch mà không khai báo, không cách ly theo quy định.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bạc Liêu cũng yêu cầu Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thành phố chỉ đạo các chốt, trạm kiểm soát giao thông và chính quyền cấp xã tăng cường quản lý siết chặt tất cả mọi cửa ngõ (cả đường bộ, đường thủy và đường biển), trong đó đặc biệt lưu ý là các đường mòn, lối mở, đối tượng đi trên xe 2 bánh và xuồng ghe loại nhỏ; đảm bảo 100% người vào tỉnh đều phải khai báo y tế và được xử lý đúng quy định về cách ly.

Các địa phương siết chặt công tác phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 3Lực lượng đoàn viên thanh niên tỉnh Bạc Liêu hướng dẫn người dân khai báo y tế tại chốt chặn phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. (Ảnh: TTXVN)

Khẩn trương tiếp tục chỉ đạo rà soát địa bàn quản lý theo tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng,” kịp thời phát hiện người từ các địa bàn đang có dịch trở về Bạc Liêu nhưng không khai báo hoặc khai báo không trung thực để cưỡng chế đưa đi cách ly tập trung.

Mặc dù tỉnh Sóc Trăng chưa phát hiện trường hợp COVID-19 nào ngoài cộng đồng nhưng trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh lân cận, liên tục trong những ngày qua, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, kêu gọi cán bộ nêu gương, người dân tích cực tham gia, chung tay cùng với các cấp chính quyền, địa phương phòng, chống, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, mỗi người dân… tự giác, ý thức cao, nỗ lực hết mình để cùng chung tay phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu gương điển hình, mô hình tốt trong phòng, chống dịch, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp lơ là, chống đối, không thực hiện nghiêm các khuyến cáo, gây nguy hiểm làm lây lan dịch bệnh…

Trước đó, chiều 2/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng đã có Công văn hỏa tốc về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19 để tiếp tục duy trì kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã đạt được, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép: “vừa phòng, chống dịch bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội.”

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống trên địa bàn ký cam kết thực hiện tốt Thông điệp 5K của Bộ Y tế, đặc biệt phải bố trí chỗ ngồi giãn cách giữa các bàn tối thiểu là 2m, số lượng mỗi bàn không quá 04 người. Mọi trường hợp không ký cam kết, vi phạm cam kết đều bị xử phạt và buộc tạm ngừng hoạt động.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng, lãnh đạo địa phương chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch COVID-19 tăng cường kiểm tra chặt chẽ người và phương tiện giao thông đường bộ, các bến khách ngang sông trên địa bàn quản lý theo thông báo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sóc Trăng; thành lập các Tổ y tế tại các chợ trên địa bàn để kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở mọi người thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Thường xuyên thông tin kịp thời về tình hình dịch COVID-19 và tuyên truyền cho nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch; đồng thời kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm việc không thực hiện đúng cam kết của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ẩm thực trên địa bàn, kể cả các trường hợp khai báo y tế không trung thực…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục