''Các mối đe dọa an ninh năng lượng ngày càng hiện hữu''

Giải bài toán đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững

Việc đảm bảo nguồn cung năng lượng trên thế giới đang ngày càng trở nên thách thức, do đó, chủ đề an ninh năng lượng trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới.
Giải bài toán đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững ảnh 1Diễn đàn An ninh năng lượng cho phát triển bền vững do Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/12. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhu cầu sử dụng năng lượng cho phát triển kinh tế có xu hướng gia tăng, trong khi các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt.

Chính vì vậy, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chính là giải pháp hiệu quả và bền vững đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

[Nhà máy Thủy điện Lai Châu đạt sản lượng 20 tỷ kWh điện]

Đây cũng là chủ đề chính của Diễn đàn: An ninh năng lượng cho phát triển bền vững, nhằm triển khai có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 55/NQ-TW (ngày 11/2/2020) của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, do Bộ Công Thương tổ chức sáng 22/12, tại Hà Nội.

Thách thức lớn

Theo báo cáo của Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), việc khai thác 3 loại nguyên liệu thô là dầu thô, khí tự nhiên và than ngày càng khó khăn hơn và Việt Nam đang gia tăng nhập khẩu các mặt hàng này trong những năm gần đây.

Cụ thể, với dầu thô, nếu như năm 2016 sản lượng khai thác đạt 15,2 triệu tấn từ nguồn trong nước thì năm 2020 đã giảm xuống còn 9,43 triệu tấn.

Tương tự, khai thác khí cũng giảm nhanh, từ mức 12,18 triệu tấn năm 2016 xuống còn 9,33 triệu tấn trong năm nay. Trong khi đó, lượng than nhập khẩu về Việt Nam giai đoạn từ năm 2015-2019 tăng mạnh, từ 7-44 triệu tấn.

Đây cũng là vấn đề đặt ra không chỉ với Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới trong việc đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương thông tin việc đảm bảo nguồn cung năng lượng trên thế giới đang ngày càng trở nên thách thức, do đó, chủ đề an ninh năng lượng trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới.

Ông dẫn chứng, hiện nay trên thế giới chỉ có 15-20 quốc gia xuất khẩu năng lượng (chủ yếu là xuất khẩu dầu khí), còn lại là nhập khẩu và tự túc trong việc đảm bảo năng lượng. Trong đó, hơn 80% các nước có thu nhập thấp đều phải nhập khẩu năng lượng.

Đáng chú ý, gần 3/4 các quốc gia có thu nhập trung bình thấp có thời gian mất điện trung bình là hơn 24 giờ/tháng; khoảng 1/6 các quốc gia có thu nhập thấp thời gian mất điện trung bình là 144 giờ tương ứng khoảng 6 ngày/tháng…

Từ thực tế sản xuất và tiêu dùng năng lượng của Việt Nam, ông Nguyễn Đức Hiển cho rằng từ năm 2007 đến nay, mục tiêu bảo đảm năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu, yêu cầu, cơ cấu đang bị mất cân đối, áp lực phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn…

Một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Ví dụ, các chỉ tiêu về trữ lượng sản xuất than, dầu khí ngày càng giảm; chỉ tiêu về sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên ngày càng tăng; tỷ trọng chi phí nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên trong tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng.

“Từ 2015 Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng và xu hướng ngày càng tăng lên trong dài hạn. Các mối đe dọa lên quan đến an ninh năng lượng ngày càng lớn và hiện hữu…,” lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương nói.

Đẩy mạnh sử dụng tiết kiệm, hiệu quả

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Giải bài toán đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững ảnh 2Các diễn giả tại Diễn đàn an ninh năng lượng cho phát triển bền vững. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Với định hướng trên, ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, cho biết giai đoạn 2020-2050 hệ thống năng lượng Việt Nam sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi sâu sắc, từ phần lớn dựa trên nhiên liệu hóa thạch sang tăng cường hiệu quả, dựa trên năng lượng tái tạo và thực hiện điện khí hóa rộng rãi trong khi tăng tính linh hoạt của hệ thống.

Ông nhấn mạnh điện sạch sẽ là nguồn năng lượng chính, kết hợp với công nghệ số giúp tận dụng tối đa lượng điện năng lượng tái tạo chi phí thấp ngày càng tăng; gia tăng nhanh việc sử dụng điện và sản xuất điện từ năng lượng tái tạo bằng cách phối hợp triển khai và sử dụng chúng trong các lĩnh vực quan trọng, như điện, giao thông, công nghiệp và các tòa nhà…

Trước những vấn đề đặt ra đối với việc tiêu thụ năng lượng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng việc tiết kiệm năng lượng đóng vai trò hết sức quan trọng để giảm nhu cầu cả về nguồn sử dụng năng lượng cũng như giảm nguồn cung năng lượng cho quốc gia và giảm các chất phát thải môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng sống cho người dân…

Với định hướng đó, dự kiến tỷ trọng nhiệt điện than sẽ giảm từ 34% năm 2020 xuống còn 27% vào năm 2030. Bên cạnh đó, phát triển mạnh mẽ các nguồn điện khí, đặc biệt là các nguồn điện sử dụng khí hóa lỏng (LNG) từ 15% năm 2020 lên 23% năm 2030; điện mặt trời lên tới 14% tổng công suất đặt năm 2030, điện gió tăng lên 13% năm 2030.

Với nhu cầu đầu tư rất lớn cho lĩnh vực năng lượng sạch, ông Nguyễn Anh Tuấn đề xuất sửa đổi Luật điện lực để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, vận hành hệ thống tích hợp nguồn năng lượng tái tạo và phát triển thị trường điện; xây dựng Luật Năng lượng tái tạo để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc đầu tư, vận hành năng lượng tái tạo, tạo chuỗi cung ứng…

Đồng tình ý kiến trên, thạc sỹ Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) kiến nghị Chính phủ hoàn thiện các chính sách thúc đẩy mô hình công ty dịch vụ năng lượng tương xứng với nhu cầu của xã hội.

Cùng với đó, ông đề xuất thành lập quỹ Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đây được coi là giải pháp nhằm tạo thị trường vốn cho hoạt động tiết kiệm năng lượng cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục