Các ngân hàng thương mại giảm lãi suất đồng hành cùng doanh nghiệp

Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành lãi suất linh hoạt, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và hạn chế tín dụng đen.
Khách hàng giao dịch tại Hội sở VPBank ở Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Khách hàng giao dịch tại Hội sở VPBank ở Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo các chuyên gia kinh tế, việc một số ngân hàng thương mại vừa thực hiện giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với hiện tại cho thấy sự quan tâm và đồng hành của Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, việc giảm lãi suất cho vay đã thể hiện sự quan tâm nỗ lực của Chính phủ đối với doanh nghiệp, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động.

Cụ thể, ngay từ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019 và xuyên suốt các phiên họp Chính phủ các tháng sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành lãi suất linh hoạt, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và hạn chế tín dụng đen.

Ông Cấn Văn Lực cho rằng, việc các ngân hàng giảm lãi suất sẽ có tác động trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giảm một phần chi phí lãi vay, đồng thời, tăng niềm tin của doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, theo ông Cấn Văn Lực, giảm lãi suất sẽ kéo theo hai hệ lụy. Đó là mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% có thể bị phá vỡ nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Thứ hai sẽ tác động tới các mục tiêu kinh tế vĩ mô, bởi giảm lãi suất đồng nghĩa với nguồn cung tiền ra nền kinh tế sẽ tăng khiến áp lực lạm phát tăng.

“Đây là tác động cần lưu ý nhất là trong bối cảnh giá dầu giá và một số mặt hàng do nhà nước quản lý vẫn đang ở lộ trình tăng giá,” ông Cấn Văn Lực cho biết và nhận định, lợi nhuân kinh doanh của hệ thống ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi lãi suất huy động đầu vào đã tăng lên ở một số bộ phận nên khi lãi suất cho vay lại giảm 0,5% dẫn đến chênh lệch đầu vào đầu ra bị thu hẹp khiến lợi nhuận từ tín dụng sẽ bị giảm.

Theo quan điểm của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc giảm lãi suất về lý thuyết, có thể phần nào giúp khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn, giúp tăng cung vốn.

Tuy nhiên, tác động về mặt thực tế có thể sẽ không lớn và mức độ lan tỏa chủ yếu ở một số lĩnh vực ưu tiên thay vì toàn bộ phân khúc khách hàng.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết Ngân hàng Nhà nước đã truyền đạt tới các tổ chức tín dụng, xem xét bối cảnh kinh tế hiện tại để giảm lãi suất, đồng hành với doanh nghiệp, theo đó, đối tượng bao gồm các công ty hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, xuất nhập khẩu…

Các ngân hàng cũng đồng tình tiết giảm chi phí hoạt động, giảm bớt chi tiêu, dù có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận.

[Làm gì để cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp Việt?]

Kể từ ngày 1/8, lãi suất cho vay tại một số ngân hàng đồng loạt được điều chỉnh giảm 0,5%/năm so với hiện tại.

Cụ thể, từ ngày 1/8/2019 đến ngày 31/12/2019, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ giảm trần lãi suất cho vay xuống 5,5%/năm đối với 3 nhóm đối tượng khách hàng ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thuộc các lĩnh vực: Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật Công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật Công nghệ cao.

Mức trần lãi suất này giảm 0,5%/năm so với hiện tại (31/7/2019) và thấp hơn 1,0%/năm so với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tương tự tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), từ ngày 1/8 đến hết 31/12/2019, sàn lãi suất cho vay VND ngắn hạn cũng tiếp tục được giảm 0,5%/năm đối với các nhu cầu vốn của khách hàng tốt phục vụ lĩnh vực nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo chuỗi liên kết; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng vừa ra thông báo sẽ áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND ở mức tối đa là 5,5%/năm, giảm 1,0%/năm so với mức quy định của Ngân hàng Nhà nước, áp dụng cho tất cả các khoản cho vay hiện hữu và các khoản cho vay mới đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và start-up từ 1/8 đến 31/12/2019.

Đây là đợt giảm lãi suất cho vay lần thứ 2 trong năm nay nhằm hưởng ứng chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 và định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, hồi tháng 1/2019 chỉ có 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã thực hiện giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay VND với doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên.

Sự tham gia của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lần này được giới chuyên gia đánh giá sẽ tạo nên hiệu ứng tốt hơn so với hồi đầu năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục