Các nhà lãnh đạo G7 nhất trí chi 20 triệu euro bảo vệ rừng Amazon

20 triệu euro sẽ được dùng để điều các máy bay cứu hỏa tới khống chế đám cháy đang bao trùm khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này.
Các nhà lãnh đạo G7 nhất trí chi 20 triệu euro bảo vệ rừng Amazon ảnh 1Cây cối bị thiêu rụi sau đám cháy xảy ra tại rừng mưa Amazon ở bang Para, Brazil ngày 25/8/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 26/8, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí chi 20 triệu euro (tương đương 22 triệu USD) cho rừng Amazon, trong đó chủ yếu là để điều các máy bay cứu hỏa tới khống chế đám cháy đang bao trùm khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Chile Sebastian Pinera cho biết tại hội nghị diễn ra ở thành phố Biarritz, Tây Nam nước Pháp, các nước G7 cũng nhất trí ủng hộ kế hoạch tái trồng rừng trong trung hạn.

Dự kiến, kế hoạch này sẽ được công bố tại hội nghị của Liên hợp quốc vào tháng 9/2019.

[Brazil gồng mình cứu "lá phổi xanh của hành tinh" rừng Amazon]

Sáng kiến trên được công bố sau khi các lãnh đạo G7 thảo luận về vấn đề môi trường, trong đó tập trung vào các vụ hỏa hoạn đã phá hủy một diện tích rộng lớn của rừng Amazon.

Tổng thống Pháp Macron đã coi đây là vấn đề ưu tiên của hội nghị và cảnh báo sẽ chặn thỏa thuận thương mại mới giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ Latinh nếu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, không có bước đi bảo vệ rừng Amazon. Điều này đã vấp phải sự phản đối mạnh của Tổng thống Brazil.

Các số liệu chính thức cho thấy gần 80.000 vụ cháy rừng đã được ghi nhận ở Brazil trong năm nay, con số cao nhất hằng năm kể từ năm 2013.

Hơn một nửa số này xảy ra ở lòng chảo lớn Amazon, nơi có hơn 20 triệu người sinh sống.

Trước tình hình nghiêm trọng này, Tổng thống Brazil Bolsonaro đã ra lệnh cho quân đội tham gia chống chọi với các cháy rừng và hơn 44.000 binh sỹ đã được triển khai tại khu vực này.

Rừng mưa Amazon bao phủ trên diện tích rộng khoảng 5,5 triệu km2 ở khu vực Nam Mỹ.

60% diện tích rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil và diện tích còn lại của cánh rừng này trải dài qua 8 nước và vùng lãnh thổ khác gồm Peru, Bolivia, Colombia, Venezuela, Guyana, Suriname, Guyana thuộc Pháp và Ecuador.

Amazon là khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải carbon dioxide.

Được xem là "lá phổi" của hành tinh, Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất.

Các nhà khoa học cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại rằng các vụ cháy rừng Amazon sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu hiện nay và đe dọa đến đa dạng sinh học.

Cháy rừng tại Brazil đã lan qua biên giới sang rừng Chiquitano của Bolivia. Cũng giống như Amazon, cháy rừng tại Bolivia cũng đang khiến thế giới báo động.

Trước thực trạng này, Tổng thống Bolivia Evo Morales khẳng định sẵn lòng tiếp nhận viện trợ của bất kỳ cá nhân, lãnh đạo các nước hay tổ chức quốc tế nào để phục vụ công tác chống cháy rừng.

Hiện, Paraguay, Chile, Tây Ban Nha và một số nước khác đã đề nghị hỗ trợ Bolivia chống cháy rừng.

Cùng ngày, nam diễn viên nổi tiếng từng đoạt giải Oscar Leonardo DiCaprio cho rằng vụ cháy rừng Amazon là thảm họa vô cùng lớn, đồng thời hối thúc các chính phủ làm nhiều hơn nữa ngăn chặn tình trạng này.

Tuyên bố được nam tài tử DiCaprio đưa ra một ngày sau khi cùng với hai nhà từ thiện Laurene Powell Jobs và Brian Sheth gây quỹ khẩn cấp mang tên Liên minh Trái Đất trị giá 5 triệu USD để bảo tồn rừng nhiệt đới Amazon./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục