Cần đa dạng nguồn lực để giải quyết tình trạng sạt lở và xâm nhập mặn

Theo đại biểu Bình Nhưỡng, nếu không phát huy tất cả các nguồn lực mà chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước thì chỉ là ‘ăn đong’ và sẽ không có được sự thay đổi thực sự mạch mẽ.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trả lời phỏng vấn. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trả lời phỏng vấn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chia sẻ với VietnamPlus bên lề Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu ra hai vấn đề khó khăn mà đồng bằng sông Cửu Long đang gặp phải là xâm nhập mặn và sạt lở.  

“Đặc điểm chung, mỗi năm toàn khu vực có 6 tháng mùa khô và 6 tháng mùa mưa. Đặc biệt trong 6 tháng mùa khô, người dân đang rất khốn khổ do thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn trái và cây cảnh…, và vừa qua hạn mặn đã khiến nhiều vùng không thể chịu đựng được,” đại biểu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Bình Nhưỡng cho rằng toàn vùng phải có những công trình lớn ngăn mặn, như ngăn sông làm đập để điều tiết và tạo ra những hồ lớn thông qua những con sông.

Bên cạnh đó, ông Nhưỡng cũng nêu ra các vấn đề sạt lở đang diễn ra rất nghiêm trọng tại khu vực này. Cụ thể, hai bên bờ sông kéo dài từ các tỉnh Bến Tre, An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… tình trạng sạt lở diễn ra “khủng khiếp,” điều này xảy ra là do nguồn nước cạn đồng thời không đủ cát và phù sa bù đắp.

‘Thêm vào đó là vấn đề cát tặc. Tôi đã đi thực tế ở các địa phương và phản ánh rất nhiều lần kiến nghị của cử tri về phòng chống nạn cát tặc. Song, câu chuyện này ở đồng bằng sông Cửu Long giải quyết còn hạn chế,” ông Nhưỡng nói.

Đại biểu Bình Nhưỡng đưa ra khuyến nghị Nhà nước cần phải quy hoạch tổng thể trên cơ sở 3 hệ thống quy hoạch khác nhau là chống xói lở, chống hạn mặn, phát triển hệ thống giao thông cùng với chính sách nguồn lực.

Theo ông Nhưỡng, điều quan trọng nhất hiện nay là nâng cao nhận thức cho người dân tham gia tích cực, toàn xã hội chung tay giải quyết các vấn đề trên. Như, mỗi nhà dân có bể chứa nước thì câu chuyện cũng có sự thay đổi, các doanh nghiệp sản xuất các bể tích trữ nước có thể di chuyển hoặc xây dựng hệ thống cung cấp nước từ trên sông Tiền hay trạm bơm nước thô từ Đồng Tháp về cho khu vực để sản xuất sinh hoạt, phát triển sản xuất…

Ông Nhưỡng nhấn mạnh: “Nếu không phát huy tất cả các nguồn lực mà chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước thì chỉ là ‘ăn đong’ và sẽ không có được sự thay đổi thực sự mạch mẽ. Và, nếu tiếp tục duy trì các giải pháp khắc phục từng vụ việc sẽ giống như 'rách đâu, vá đấy', điều này chắc chắn sẽ không tạo ra được một đồng bằng sông Cửu Long như mong đợi.”

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trả lời phỏng vấn:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục