Cần Thơ chưa bỏ quy định “sang xe, đổi tài,” lưu thông hàng hóa ùn tắc

Việc thành phố Cần Thơ yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải “đăng ký trước” và “sang xe, đổi tài” tại bãi tập kết trong khi họ đã phải đáp ứng nhiều thủ tục giấy tờ dẫn đến “luồng xanh" tắc nghẽn.
Cần Thơ chưa bỏ quy định “sang xe, đổi tài,” lưu thông hàng hóa ùn tắc ảnh 1Hàng chục xe tải, xe container vẫn nằm chờ được vào thành phố Cần Thơ giao nhận hàng trong ngày 26/8 tại Bến xe trung tâm thành phố. (Ảnh: TTXVN phát)

Từ ngày 23/8 đến nay, 20 chiếc xe bồn chở các loại khí hóa lỏng (LPG) đã bị chặn lại trước cửa ngõ vào Cần Thơ, gây ùn tắc nghiêm trọng nhưng chính quyền thành phố vẫn chưa có cách thức giải quyết.

Theo Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), hiện các xe tải, xe bồn bị dồn ứ, rất khó khăn mới được cho phép lưu thông hoặc buộc phải trung chuyển hàng qua xe của Cần Thơ rồi mới được vào thành phố.

Đặc biệt số lượng xe bồn chuyên dụng chở LPG hoàn toàn không được cấp phép vận chuyển vào Cần Thơ nếu không chấp nhận đổi lái xe người địa phương hoặc sang mạn (chuyển từ xe này qua xe khác).

Trước đó, ngày 22/8, Sở Công Thương thành phố Cần Thơ ban hành công văn số 2279/SCT-QLTM yêu cầu một số quy định triển khai tại địa phương, không đồng nhất với quy định của Chính phủ, buộc tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, xuất nhập khẩu từ các tỉnh, thành khác đến giao nhận hàng hóa đều phải được đăng ký trước và phải trung chuyển hàng hóa tại bãi đậu ngoài thành phố.

Với quyết định này, hàng nghìn phương tiện vận tải hàng hóa phải nằm lại ở điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa thành phố Cần Thơ do vướng thủ tục và dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông.

Thực hiện yêu cầu phòng chống dịch của Chính phủ, đơn vị vận chuyển LPG của Công ty Cổ phần Vận tải Sản phẩm Khí Quốc tế - Gas Shipping (GSP) đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, đặc biệt tuân thủ các yêu cầu chi tiết đối với vận chuyển hàng hóa thiết yếu theo quy định của Bộ Y tế, Cục Đường bộ-Bộ Giao thông Vận tải, được tất cả các tỉnh thành phía Nam chấp nhận và cho phép lưu thông.

Trước khi vào làm thủ tục giao hàng tại Cần Thơ, toàn bộ các lái xe bồn LPG đều thực hiện xét nghiệm COVID-19 có hiệu lực 72h, trang bị các thiết bị trang phục bảo hộ, khai báo y tế, đăng ký và dán mã QR luồng xanh cho xe bồn, thực hiện khử khuẩn xe và luôn cung cấp đủ các giấy tờ hợp lệ cùng cam kết của nhà vận chuyển.

Trong suốt thời gian áp dụng các biện pháp phòng chống dịch từ 2020 đến nay, GSP luôn phối hợp với các đối tác để áp dụng quy trình: xe bồn đến kho phải vào vị trí nhập hàng riêng, giữ khoảng cách an toàn, không tiếp xúc với nhân viên tại nhà máy.

Về phía các đối tác cũng có quy trình riêng nhận hàng đề phòng lây nhiễm dịch bệnh. Vì vậy, toàn bộ chuỗi vận chuyển và cung ứng LPG của GSP hiện vẫn giữ được mức độ an toàn trong phục vụ nhu cầu thiết yếu.

Đặc biệt, theo yêu cầu riêng của Cần Thơ, GSP còn thực hiện đầy đủ chuỗi thủ tục đăng ký tiếp nhận với Sở Công Thương, làm việc với Sở Giao thông Vận tải và các chốt kiểm soát để hỗ trợ các xe bồn chứa LPG sớm được vào thành phố, thực hiện cung cấp theo nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, đến sáng 26/8, các xe bồn LPG vẫn chưa được lưu thông vì các yêu cầu riêng của Cần Thơ như bắt buộc phải đổi lái xe là người Cần Thơ cho tất cả các xe bồn LPG tại điểm trung chuyển, hoặc khó khăn hơn phải sang mạn LPG ngay tại cửa ngõ thành phố.

PV GAS cho biết theo các nghị định, hướng dẫn quy định về kinh doanh khí, Chính phủ luôn nghiêm cấm mọi hành vi sang mạn, sang chiết LPG không đúng nơi quy định, với điều kiện không đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn nhà nước và quốc tế.

Xe bồn chứa LPG là xe chuyên dụng, lái xe vận hành phải được đào tạo bài bản cùng với nhiều năm kinh nghiệm. Hệ thống công nghệ của xe bồn LPG có nhiều đặc tính chuyên biệt, đòi hỏi người lái xe phải có thời gian dài làm quen và được thẩm định năng lực điều khiển.

Hiện nay, lực lượng lái xe tại chỗ của Cần Thơ cũng như nhiều tỉnh thành khác không thể đáp ứng, do không có đơn vị vận tải xe bồn LPG của Cần Thơ, nên việc thuê hay điều động để thực hiện trung chuyển như yêu cầu của Sở Công Thương Cần Thơ là không thể.

Ông Nguyễn Cảnh Toàn, Phó Giám đốc Công ty GSP cho biết trong tình trạng không được phép lưu thông với những lý do không thể giải quyết được, đoàn xe bồn LPG và rất nhiều các xe tải, xe bồn khác đang kéo dài chuỗi ùn ứ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như không thể hỗ trợ người dân Cần Thơ thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, lực lượng lái xe bồn LPG liên tỉnh dù đã phải lái xe trên chặng dài nhưng vì quy định này của Cần Thơ nên tất cả các lái xe buộc phải ở trên cabin, không có đồ ăn thức uống cũng như vệ sinh. Xe đậu trong bãi tập kết, trung chuyển rất chật chội và hỗn loạn.

[Từ 23/8, phương tiện vận tải hàng hóa vào Cần Thơ phải đăng ký trước]

Ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), đến trưa 26/8, tại Bến xe khách trung tâm thành phố Cần Thơ (quận Cái Răng) vẫn còn hàng chục xe tải, xe container phải nằm chờ.

Dù tại tại cuộc họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương về tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển nông sản, hàng hóa diễn ra chiều hôm qua (25/8), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu thành phố Cần Thơ bỏ ngay quy định phải tập kết để trung chuyển hàng hóa, nhưng địa phương này vẫn chưa thực hiện.

Cần Thơ chưa bỏ quy định “sang xe, đổi tài,” lưu thông hàng hóa ùn tắc ảnh 2Toàn cảnh bãi trung chuyển hàng hóa tại Bến xe trung tâm thành phố Cần Thơ với hàng chục phương tiện đậu cả trong và ngoài bãi chờ được thông quan. (Ảnh: TTXVN phát)

Tài xế Lê Văn Đậm từ Cà Mau lên Cần Thơ chở hàng thức ăn thủy sản cho biết, xe của anh bị kẹt ở đây từ 22 giờ đêm hôm qua, đến trưa nay vẫn chưa được vào thành phố Cần Thơ để nhận hàng. Theo anh Đậm, quy định của Cần Thơ là phải sang hàng tại bãi tập kết nhưng bên công ty sản xuất yêu cầu phải vào tận kho để nhận chứ không có xe chở ra bãi trung chuyển.

“Ngành chức năng thành phố Cần Thơ giải quyết cho tài xế có đầy đủ giấy tờ như giấy đi đường, cam kết, xét nghiệm âm tính thì được vào thành phố giao nhận hàng chứ quy định “sang xe, đổi tài xế” này đang gây khó khăn cho người vận chuyển" - anh Đậm chia sẻ.

Anh Trịnh Hoàng Sơn (43 tuổi), chủ doanh nghiệp vận tải ở thành phố Cần Thơ cho biết công ty có gần 70 xe container; trong đó, một nửa đang hoạt động, chuyên nhận hàng hóa ở các tỉnh Đông Nam Bộ về giao hàng cho các doanh nghiệp ở Cần Thơ và các tỉnh miền Tây.

Anh Sơn cho rằng, việc đổi tài xế là bất khả thi. Mùa dịch này, khi cầm xe chạy, tài xế đã chấp hành xét nghiệm thường xuyên, ai cũng lo cho sức khỏe của mình nhưng nếu thêm "rào cản" này thì khó khăn càng nhân thêm. Hơn nữa, để lái xe container tài xế phải có bằng FC, người không có kinh nghiệm thì không thể lái được nên phương án "sang xe, đổi tài" là bất khả thi.

Ngày hôm qua, công ty của anh Sơn có 7 xe mắc kẹt ở bãi tập kết. Trong hôm nay, 26/8, số lượng xe tiếp tục về Cần Thơ là hơn 10 chiếc. Chủ doanh nghiệp này cho rằng, với phương án lập đội vận tải xanh của Cần Thơ thì không doanh nghiệp nào huy động được số lượng lớn tài xế trong mùa dịch để đổi.

Tài xế xe container mỗi người “ôm” cố định một xe để chạy nên thà họ xin nghỉ chứ không yên tâm giao xe cho người khác lái.

Theo các doanh nghiệp vận tải, thành phố Cần Thơ nên tổ chức điểm xét nghiệm ngay tại chốt kiểm soát, khi xe về tới Cần Thơ thì tiến hành test cho tài xế, ai âm tính thì cho vào, giống như các tỉnh khác.

Đối với việc sang hàng, các nhà xe cho rằng cũng rất khó vì không đủ người. Nhất là với các xe chuyên dùng chở hàng siêu trường, siêu trọng, không phải hàng nhỏ lẻ nên không thể thực hiện được - một doanh nghiệp nêu vấn đề.

Ông Đoàn Quốc Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Anh Thư (tỉnh Hậu Giang) cho biết, công ty có đầy đủ các loại giấy tờ, đã đăng ký và được Sở Công Thương thành phố Cần Thơ duyệt theo quy định mới. Nhưng từ ngày 23/8 tới giờ thì xe vào Cần Thơ không được mà bắt buộc phải thay đổi lái xe.

"Bản thân các tài xế ai cũng sợ bị lây nhiễm nên đều có ý thức tự bảo vệ mình. Nếu bây giờ bắt giao xe cho người khác thì ai dám chắc không có nguy cơ lây bệnh. Thêm vào đó, nếu đổi tài xong thì các tài xế ở bãi tập kết không tránh khỏi tập trung đông người, không ai quản lý. Lỡ có một tài xế dương tính thì sẽ tạo thành ổ dịch ngay. Hiện công ty Anh Thư đâu phải chỉ có một, hai xe mà tới hơn 40 xe đang hoạt động thì làm sao đủ tài xế để đổi" - ông Vinh chia sẻ.

Một bất cập nữa được các doanh nghiệp vận tải phản ánh là các xe không vào thành phố Cần Thơ mà chỉ đi ngang qua một đoạn vẫn phải vào bãi tập kếp của Cần Thơ để khai báo. Với lượng xe dồn ứ đông thì hiện nay việc này rất mất thời gian bởi mỗi lần khai báo mất mấy tiếng đồng hồ. Cùng đó là chi phí phát sinh thêm gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều xe chở nguyên liệu về giao cho các đơn vị sản xuất, nay bị ngừng trệ sẽ gây ảnh hưởng lớn cho cả 2 bên giao-nhận.

Chiều 25/8, kết luận cuộc họp trực tuyến với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 63 tỉnh thành phố về vận tải hàng hóa gắn với phòng, chống dịch, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đề nghị Cần Thơ xem xét lại việc đưa ra quy định riêng như lập điểm trung chuyển hàng hóa

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, tất cả địa phương cần rà soát lại văn bản, không được chỉ đạo trái với các văn bản của Chính phủ. Điều gì không trái nhưng phát sinh thêm thủ tục, khó khăn thì phải bỏ và không thể đưa ra văn bản gây thêm chi phí, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Trong ba ngày qua, phóng viên TTXVN đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ phụ trách vấn đề này cùng Giám đốc Sở Giao thông Vận tải để nắm bắt các giải pháp xử lý của thành phố nhưng đều không nhận được phản hồi.

Việc địa phương ban hành những quy định đối với việc vận chuyển hàng hóa trong mùa dịch để đảm bảo phòng chống dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh là điều cần thiết.

Tuy nhiên, việc yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải “đăng ký trước” và “sang xe, đổi tài” tại bãi tập kết trong khi họ đã phải đáp ứng rất nhiều thủ tục giấy tờ để được hoạt động trong thời điểm khó khăn này lại đang dẫn đến nguy cơ “luồng xanh” bị tắc nghẽn. Từ đó dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa vốn đã gặp rất nhiều khó khăn từ khi dịch bùng phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục